Lợi nhuận khủng từ phân phối bảo hiểm

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Mới nở rộ từ năm 2017, nhưng hợp tác phân phối bảo hiểm (bancassurance) đang là một chiến lược trọng tâm, mang lại hàng trăm tỷ đồng hoa hồng cho các ngân hàng.

 Ước tính doanh thu phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể chiếm tới 20 – 30% tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam. Nguồn: Internet
Ước tính doanh thu phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể chiếm tới 20 – 30% tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam. Nguồn: Internet

Ước tính doanh thu phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể chiếm tới 20 – 30% tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam.

Hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm chỉ sau một thời gian ngắn đã cho "trái ngọt". Nhiều ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận đột biến từ hoạt động độc quyền bancassurance ngay trong lần ký kết đầu tiên.

Sớm thu "trái ngọt"

Điển hình, cuối năm 2017, VPBank đã ký kết hợp tác độc quyền 15 năm với AIA, qua đó cung cấp một loạt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Chỉ sau vài tháng, thu nhập từ khoản hỗ trợ ban đầu theo hợp đồng với AIA đóng góp gần 900 tỷ đồng vào thu nhập ngoài lãi trong năm 2017 cho VPBank.

Công ty chứng khoán VNDirect nhận định giai đoạn 2018-2020, VPBank có thể thu thêm 1.445 tỷ đồng tiền hoa hồng từ việc bán bảo hiểm.

Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB, cho biết trong chiến lược đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, VIB cũng xúc tiến hợp tác với công ty bảo hiểm triển khai bancassurance để gia tăng giá trị cho ngân hàng…

Năm 2017, doanh thu từ bancassurance của VIB tăng 45%. Chỉ tính đến tháng 3/2018, doanh thu từ mảng này đạt 30% kế hoạch cam kết năm.

Có tốc độ tăng trưởng không kém là MB, lãnh đạo nhà băng này cho biết doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2017 của MB lên đến 1.850 tỷ đồng, gấp 7,8 lần năm 2016.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng thu về hàng trăm tỷ đồng từ những hợp đồng độc quyền hàng chục năm với đối tác bảo hiểm như: Techcombank ký hợp tác độc quyền với công ty Bảo hiểm Manulife thời hạn 15 năm; SHB bắt tay với công ty Bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam hợp tác chiến lược dài hạn 15 năm.

Đáng chú ý, Sacombank đang được xem là có chiến lược dài hơi nhất với công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam khi ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền với thời hạn 20 năm.

Lãnh đạo SHB cho biết ngân hàng này tiếp tục định hướng thúc đẩy hơn nữa dịch vụ bảo hiểm thông qua hợp tác bancassurance, làm đối tác độc quyền phát triển bảo hiểm nhân thọ cho tập đoàn bảo hiểm nước ngoài có uy tín.

Đây là một trong những yếu tố tạo gia tăng đột biến về thu dịch vụ của SHB năm 2017 cũng như dự báo tiếp tục trong 2018, theo gói hợp đồng chiến lược dài hạn đã ký kết với đối tác.

Có thực sự toàn hoa hồng?

Hiện nay, nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ của người dân ngày càng tăng, trong khi mới chỉ có 0,7% dân số có tham gia bảo hiểm nhân thọ. Tỷ lệ doanh thu phí bancassurance chỉ ở mức 6% trong tổng phí bảo hiểm, trong khi trên thế giới chiếm gần 70%, vì thế tiềm năng ở thị trường Việt Nam là rất lớn.

Theo các chuyên gia, bancassurance càng phát triển, ngân hàng, công ty bảo hiểm và người dân đều được hưởng lợi. Ngân hàng có thêm một nguồn lợi nhuận lớn từ hoa hồng, công ty bảo hiểm mở rộng được mạng lưới, tăng thêm doanh thu, còn người tiêu dùng sẽ có nhiều gói sản phẩm để lựa chọn.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, một số chuyên gia bảo hiểm cho rằng bancassurance không thực sự toàn màu hồng.

Ths. Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng bộ môn Bảo hiểm, khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho rằng kênh này chiếm thị phần cũ, "giết chết" các kênh truyền thống đang hoạt động ổn định, do chính sách chi trả hoa hồng cao đột biến 20-30% mà các công ty bảo hiểm đang áp dụng khi hợp tác với ngân hàng.

Điều đó sẽ gây xáo trộn nhất định tới các hoạt động chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm hiện hữu, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng và uy tín của doanh nghiệp.

"Không ít nhân viên bảo hiểm và đại lý bảo hiểm tỏ ra chán nản và có ý định bỏ nghề vì thu nhập theo doanh số bị mất", ông Hùng nói.

Ngoài ra, ông Hùng đặt câu hỏi: Liệu việc hợp tác theo hình thức độc quyền trong liên kết ngân hàng – bảo hiểm có vi phạm Luật Cạnh tranh, có ảnh hưởng đến sự phát triển theo cơ chế thị trường hay không cũng là vấn đề cần xem xét.

Bản thân các ngân hàng vẫn đang coi bancassurance là mảnh đất màu mỡ có thể khỏa lấp vào các sản phẩm thu phí truyền thống đang ngày càng bị thu hẹp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo bancassurance vẫn tiềm ẩn những mối lo. Chẳng hạn, đối với các khoản bảo hiểm trả trước như bảo hiểm trả một lần, khi được các ngân hàng hạch toán, sẽ làm thu nhập (kéo theo là lãi thuần) từ hoạt động bảo hiểm tăng lên đột biến.

Trên thực tế, đây là khoản lợi nhuận trong tương lai, nên phải được chia đều cho các năm, nhưng lại được ghi nhận trước ở hiện tại nên con số lợi nhuận này có phần bị "khống" so với thực tế.

Ngoài ra, nhiều khách hàng phàn nàn sau khi mua bảo hiểm qua ngân hàng, họ không được chăm sóc, quan tâm đúng mức. Nhiều thắc mắc của khác hàng không được nhân viên ngân hàng giải đáp kịp thời do không am hiểu sản phẩm, dịch vụ bằng nhân viên bảo hiểm.