Lối thoát cho cổ phần IPO bị "ế"?

Phương Nga - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Giảm giá bán tối đa 10%, chỉ định nhà đầu tư (NĐT) chiến lược mua cổ phần, nới "room" sở hữu... là những giải pháp trước mắt để xử lý cổ phần đấu giá bị "ế" cho doanh nghiệp (DN) khi chào bán lần đầu ra công chúng (IPO). Đây chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để thu hút NĐT.

Lối thoát cho cổ phần IPO bị "ế"?
Trong vòng 9 tháng qua, đã có 23 DNNN lớn được cổ phần hóa, chào bán đấu giá cổ phần lần đầu. Nguồn: internet

Trong vòng 9 tháng qua, đã có 23 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn được cổ phần hóa, chào bán đấu giá cổ phần lần đầu. Riêng tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức được 21 phiên đấu giá bán cổ phần, số tiền thu về trên 2.924 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm 2013. Nhưng, không ít DN kém may mắn hơn khi phiên đấu giá cổ phần lần đầu đã bị "ế" tới quá nửa khối lượng chào bán.

Mua may, bán đắt

Đơn cử, trong phiên đấu giá cổ phần của ngày 14/10 do HNX tổ chức, Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vinacco) chỉ bán được 1.471.000 cổ phần (bằng 55,7% khối lượng chào bán), thu về gần 14,8 tỷ đồng. Còn lại tới 44,3% cổ phần, hơn 1.129.000 đơn vị, chưa bán hết.

Có nhiều lý do để giải thích cho đợt chào bán bị ế ẩm, trong đó, đáng chú ý là kết quả kinh doanh của Vinacco trong các năm qua không tốt. Theo báo cáo tài chính (BCTC) năm 2013, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bị lỗ tới 16,4 tỷ đồng, kéo giảm lợi nhuận xuống 7,6 tỷ đồng (năm 2012: 7,5 tỷ đồng).

Nhưng tổng nợ của Vinacco tăng lên tới 361 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ ngắn hạn, phải trả người bán, phải nộp ngắn hạn… Trong khi đó, Vinacco chưa thu hồi được 258 tỷ đồng khoản phải thu và giá trị hàng tồn kho lên tới 104 tỷ đồng. Liệu NĐT có thể liều lĩnh "ôm" cổ phiếu khi chưa đánh giá đầy đủ về thanh khoản, giá trị DN này?

Là DNNN lớn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng bị ế tới 9,4% cổ phần chào bán trong đợt IPO (17/9), khoảng 11,5 triệu cổ phần. Vinatex chỉ bán được 110,5 triệu cổ phần, thu về 1.216 tỷ đồng.

Dù vậy, tập đoàn đã lựa chọn được 2 NĐT chiến lược lớn, là Công ty CP Tập đoàn Vingroup (mua 10%) và Công ty CP Tập đoàn đầu tư Việt Nam (mua 14%). Như vậy, Vinatex sẽ phải tiếp tục xử lý 9,4% cổ phần còn lại, theo hướng bán cho NĐT chiến lược thứ 3, hoặc tổ chức bán đấu giá lần 2.

Ngoài ra, thời gian gần đây, các phiên đấu giá cổ phần của nhiều DNNN lớn khác cũng bị ế khá lớn. Như trường hợp IPO của Cảng Hải Phòng chỉ bán được 17,7 triệu cổ phần, chiếm 47% số lượng chào bán, thực tế, chỉ bán hết 9,5 triệu cổ phần (đạt 25,2% lượng chào bán).

Cải thiện "sức khỏe" DN

Theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2014 - 2015, hàng loạt DNNN lớn thuộc quản lý của các bộ ngành, địa phương sẽ phải tiến hành IPO để giảm sở hữu nhà nước, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, NĐT khác tham gia.

Thị trường cũng đang chờ đợi nguồn cung hàng ồ ạt từ các phiên đấu giá cổ phần lần đầu của hàng loạt DN có tên tuổi ở lĩnh vực giao thông, xây dựng cầu đường, cảng biển, dịch vụ, dệt may... Nhưng tình trạng ế ẩm, vắng bóng NĐT tiềm lực trong các đợt đấu giá khiến nhiều DN lo sợ, tìm cách trì hoãn IPO.

Mặc dù một lãnh đạo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã nêu quan điểm "sẽ không cổ phần hóa bằng mọi giá, mọi cách", nhưng để hỗ trợ cho DNNN cổ phần hóa, thoái vốn đảm bảo thành công, Chính phủ đã ban hành Quyết định 51 (có hiệu lực từ 1/11/2014).

Theo đó, quy định cách xử lý cổ phần đấu giá chưa bán hết trong các lần đấu giá tiếp theo. Về nguyên tắc, mức giá chào bán lần 2 được điều chỉnh giảm không thấp hơn 10% giá trúng đấu giá lần đầu. Nếu có NĐT đăng ký mua thỏa thuận số cổ phần ế thì có thể bán thỏa thuận. (không bao gồm NĐT tham dự phiên đấu giá lần đầu, NĐT bỏ cọc…).

Về phương án bán thỏa thuận, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cho biết giá bán thỏa thuận không được thấp hơn giá trúng đấu giá bình quân thấp nhất. DN phải lập phương án bán đấu giá lần 2 trong vòng 5 ngày sau khi kết thúc đấu giá lần 1.

"Trường hợp lần đấu giá thứ 2 vẫn thất bại, đại diện chủ sở hữu vốn tại DN phải xin ý kiến của bộ ngành quản lý để đấu giá lại", ông Dũng nói. Thực tế, trước khi Quyết định 51 có hiệu lực, nhiều DNNN bị chậm tiến độ cổ phần hóa, chần chừ chưa muốn IPO vì sợ đấu giá thất bại. Nhất là các DN đang bị thua lỗ, vẫn bị hối thúc cổ phần hóa khi chưa các điều kiện chưa "chín muồi".

Tới đây khi SCIC - Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, NHNN và các ngân hàng thương mại được chỉ định tham gia mua cổ phần IPO, xử lý cổ phần bị ế, thì hi vọng tiến độ cổ phần hóa sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo một NĐT chuyên mua cổ phần đấu giá, nhiều DN tổ chức IPO rầm rộ nhưng sự thực "sức khỏe" của DN lại rất đáng lo. Đơn cử, DN bị thua lỗ, có dấu hiệu che giấu lỗ, kém minh bạch tài chính… Quá hạn IPO hơn 1 năm, DN không thực hiện niêm yết cổ phiếu khiến NĐT rất khó giao dịch, giá trị không tăng, không có lời.

"Những yếu tố này được NĐT xem xét kỹ lưỡng, đánh giá khả năng phát triển của DN trong tương lai, tránh rủi ro thiệt hại. Do đó, các DN tốt thì hàng luôn "cháy", còn DN yếu kém sẽ khó IPO được, trừ khi có sẵn NĐT chiến lược…", vị này chia sẻ.