May đo gói tín dụng theo từng doanh nghiệp

Theo Triều Anh/thoibaonganhang.vn

Lãi suất đã giảm nhiều so với trước, các DN nhỏ và siêu nhỏ đã có thể tiếp cận được vốn ngân hàng dễ dàng hơn dù thiếu tài sản đảm bảo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nếu như trước đây, chuyện thiếu tài sản thế chấp, tình hình tài chính không minh bạch… khiến DN nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận ngân hàng thì nay chuyện vay vốn ngân hàng của khối DN này đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Bởi, các ngân hàng đã xác định DN nhỏ hay starup là khối DN chủ đạo cho hướng phát triển trong tương lai. Do đó, không chỉ dành hàng ngàn tỷ cho khối DN này mà nhiều ngân hàng bắt đầu thiết kế những gói vay khá đặc biệt dành riêng cho từng DN chứ không còn dựa trên chuẩn chung như trước.

Đơn cử, tại Ngân hàng Bản Việt đã triển khai bộ đôi sản phẩm “Bổ sung vốn kinh doanh dành cho khách hàng DN nhỏ và siêu nhỏ” với tỷ lệ cho vay lên đến 100% giá trị tài sản đảm bảo. Cụ thể, sản phẩm được thiết kế chuyên biệt phù hợp với đặc điểm của phân khúc DN hoạt động dưới 3 năm và từ 3 năm trở lên.

Theo đó, với phân khúc khách hàng hoạt động dưới 3 năm thì tỷ lệ cho vay tối đa lên đến 90% giá trị tài sản bảo đảm, đặc biệt DN mới thành lập có thể tiếp cận vốn vay với tỷ lệ cho vay lên đến 75%. Lãi suất ưu đãi cũng là một điểm cộng cho sản phẩm khi lãi suất ưu đãi hơn 1,0%/năm so với lãi suất thông thường. Với phân khúc khách hàng DN kinh doanh từ 3 năm trở lên, DN có thể được áp dụng mức lãi suất cạnh tranh hơn mặt bằng chung trên thị trường là 1,5%/năm và tỷ lệ vay lên đến 100% giá trị tài sản bảo đảm.

Tại Vietcombank cũng vậy, lãnh đạo ngân hàng này cho biết kế hoạch từ năm 2017, ngân hàng sẽ hướng nhiều hơn đến cộng đồng DN nhỏ và vừa khi mà làm ăn với các DN lớn là các tổng công ty, tập đoàn ngày càng có nhiều bất cập. Trong đó, chỉ riêng DN công nghệ, Vietcombank đã có cam kết dành khoảng 10.000 tỷ đồng cho vay.

Trong khi đó BIDV cũng sẽ dành 10.000 tỷ đồng cho vay DN nhỏ và siêu nhỏ với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm, hạn mức cho vay được linh hoạt tính theo dòng tiền của khách hàng, đồng thời gia tăng thế chấp bằng các tài sản là động sản, hàng tồn kho, các khoản thu... để tăng hạn mức cho DN. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết ngân hàng triển khai hàng loạt sản phẩm với DNNVV, người về hưu ở cả chiều huy động và cho vay nhằm phân tán rủi ro và bảo đảm lợi nhuận bền vững.

Nói về rủi ro khi cho vay DN nhỏ và siêu nhỏ, một tổng giám đốc ngân hàng tại TP.HCM cho rằng, khi cho các DN nhỏ và siêu nhỏ vay vốn, ngân hàng xác định ngoài nợ xấu thì khối DN này sẽ mang lại nhiều phiền toái cho ngân hàng về mặt số liệu. Và cũng phải nói là tất nhiên với DN nhỏ không phải DN nào cũng có đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chí cho vay của ngân hàng. Ðáng chú ý là trước bối cảnh nợ xấu tăng hiện nay, các NHTM cũng sẽ phải thận trọng khi trao vốn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng luôn có chính sách hỗ trợ để giúp DN phát triển bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn và huy động đối với khối khách hàng DN nhỏ và siêu nhỏ tăng rất mạnh, có những đơn vị tỷ lệ này tăng từ 20-25%/năm. Thậm chí, có ngân hàng còn thành lập các trung tâm, câu lạc bộ chuyên biệt dành riêng cho cộng đồng này. Hay có ngân hàng còn chủ động miễn phí hàng loạt các dịch vụ tài khoản như sử dụng dịch vụ thanh toán thuế, dịch vụ Internet Banking và giảm phí dịch vụ theo các chương trình ưu đãi hiện hành của ngân hàng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người vay. Bên cạnh đó, để hỗ trợ vốn cho DN sản xuất, kinh doanh, nhất là các DNNVV, có NHTM còn cho biết họ đang chủ động xếp hạng tín nhiệm cho vay thông qua việc liên kết với các tổ chức gọi là quỹ bảo lãnh tín dụng…

Thực tế, việc ngân hàng ồ ạt hướng đến DN nhỏ và siêu nhỏ tạo ra cơ chế đặc biệt, không chỉ giúp các DN này tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn có chi phí hợp lý. Đồng thời, ngân hàng cũng được lợi ở chỗ bán các dịch vụ thanh toán tiền lương qua thẻ; dịch vụ ngân hàng cá nhân dành cho nhân viên của công ty; dịch vụ thu phí tiền nước, điện, viễn thông, Internet.

Bên cạnh đó, khi xác lập được niềm tin, ngân hàng giảm mức độ đòi hỏi tài sản bảo đảm. Đây được xem là giải pháp tạo cơ chế chính thống xuyên suốt về việc chăm sóc khách hàng DNNVV với các tiêu chí rõ ràng: ưu đãi tài chính và dịch vụ chuyên biệt; kết nối kinh doanh; cầu nối thông tin kiến thức. Trong đó, ngân hàng nhấn mạnh các ưu đãi tài chính như lãi suất tiền gửi, tiền vay có lợi cho khách hàng; rút ngắn thời gian giao dịch; được quyền lựa chọn các sản phẩm, tiện ích.