Minh bạch thông tin và khuôn khổ pháp lý phát triển tài chính vi mô tại Việt Nam

PV.

(Tài chính) Ngày 11/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Trung tâm Tư vấn Nguồn lực Tài chính vi mô (TCVM) Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (tiền thân là Nhóm Công tác TCVM Việt Nam - VMFWG) vừa phối hợp tổ chức Tọa đàm “Minh bạch thông tin và khuôn khổ pháp lý phát triển TCVM tại Việt Nam”. Tham dự buổi tọa đàm có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình, đại diện một số Bộ, Ngành, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh phát biểu tại Tọa đàm. Nguồn: NHNN.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh phát biểu tại Tọa đàm. Nguồn: NHNN.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức TCVM trong và ngoài nước đối với sự phát triển của hoạt động TCVM ở Việt Nam. Phó Thống đốc nhận định buổi tọa đàm sẽ là nơi để chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá về bức tranh TCVM tại Việt Nam, từ đó có những định hướng, giải pháp hoàn thiện khung pháp lý hoạt động TCVM, góp phần đưa hoạt động TCVM phát triển, đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo.

Hình thành từ những năm của thập niên 80, hoạt động TCVM tại Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong vai trò là một công cụ hiệu quả tạo cơ hội cho người nghèo, người thu nhập thấp tiếp cận dịch vụ tài chính. Bên cạnh những thành tựu đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước, các tổ chức TCVM, các chương trình dự án vẫn đang đối diện với những khó khăn, thách thức, đặc biệt với mục tiêu phát triển ngành TCVM chuyên nghiệp, vững mạnh nói chung và bền vững thể chế cho tổ chức cung cấp dịch vụ nói riêng.

Trên thực tế, mặc dù hệ thống pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TCVM ngày càng hoàn thiện hơn nhưng một số quy định hiện không còn phù hợp, do đó Chính phủ, các bộ, ngành cần hoàn thiện khung pháp lý một cách đồng bộ, phù hợp, từ hoạt động của các tổ chức TCVM chính thức đến hoạt động của các chương trình, dự án TCVM, nhằm thúc đẩy hoạt động TCVM phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Tọa đàm “Minh bạch thông tin và khuôn khổ pháp lý phát triển TCVM tại Việt Nam” đã cập nhật tiến trình thực hiện “Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm nâng cao nhận thức đối với các cơ quan hoạch định chính sách, chính quyền địa phương các cấp, các nhà đầu tư, nhà tài trợ, khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ TCVM để hướng tới phát triển hoạt động TCVM bền vững, minh bạch và có tác động thiết thực, đại diện Nhóm Nghiên cứu – Dự án Nghiên cứu TCVM 2014 giới thiệu đề tài nghiên cứu “TCVM tại Việt Nam: Đề xuất chính sách quan trọng” đã trình bày một số kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách và chương trình hành động cụ thể cần triển khai để tăng cường khả năng thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ.

Tọa đàm cũng chia sẻ đánh giá môi trường kinh doanh tạo điều kiện phát triển phổ cập tài chính/ TCVM tại Việt Nam, các vấn đề và bài học rút ra từ những thị trường phát triển ở châu Mỹ Latinh và thị trường đang phát triển nhanh tại châu Á.

Một trong những nội dung quan trọng của buổi Tọa đàm là minh bạch thông tin trong hoạt động TCVM. Minh bạch thông tin đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, lấy khách hàng làm trọng tâm, huy động nguồn vốn và quan hệ đối ngoại của tổ chức TCVM. Công bố thông tin về hoạt động và dịch vụ TCVM một cách chính xác và kịp thời sẽ giúp nâng cao uy tín và hình ảnh các tổ chức TCVM Việt Nam trong tâm trí khách hàng, đồng thời hỗ trợ quảng bá về tổ chức TCVM Việt Nam trong hệ thống tài chính Việt Nam và trên Thế giới.

Phần hai tọa đàm là Lễ Công nhận cá nhân và Tổ chức TCVM tiêu biểu Citi – Việt Nam 2014 (gọi tắt là Chương trình CMA 2014). Chương trình CMA là một hoạt động thường niên toàn cầu do Quỹ Citi/ Ngân hàng Citibank Việt Nam tài trợ từ năm 2007, được thực hiện bởi VMFWG, sự hỗ trợ của VINASME (Trung tâm Tư vấn Nguồn lực Tài chính vi mô (TCVM) Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (tiền thân là Nhóm Công tác TCVM Việt Nam), NHNN và Học viện Ngân hàng. Nhằm ghi nhận các khách hàng và tổ chức TCVM tiêu biểu đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành TCVM Việt Nam, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đến nay Chương trình CMA đã ghi nhận những đóng góp của 360 khách hàng TCVM tiêu biểu, 114 cán bộ tín dụng xuất sắc và 56 tổ chức TCVM tiêu biểu tại Việt Nam.

Năm 2014, Chương trình CMA hướng tới hiệu quả xã hội, hoạt động kinh tế bền vững, sáng tạo và ý thức trách nhiệm xã hội. Với sự tham gia của hơn 100 hồ sơ từ các tổ chức và khách hàng TCVM trên khắp mọi miền đất nước. Buổi lễ CMA năm nay công nhận 29 cá nhân và tổ chức TCVM tiêu biểu đã có những đóng góp tích cực và những thành tích xuất sắc trong công cuộc giảm nghèo và phát triển kinh tế đất nước.