Năm buồn của cổ phiếu 'họ P'

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Tính đến thời điểm hiện tại, một vài doanh nghiệp ngành dầu khí đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2018 với nhiều sự thất vọng như lợi nhuận suy giảm, thậm chí còn có những khoản thua lỗ bất ngờ.

Các cổ phiếu họ “P” đã giảm mạnh trong thời gian qua. Nguồn: Internet
Các cổ phiếu họ “P” đã giảm mạnh trong thời gian qua. Nguồn: Internet

Mở đầu cho mùa công bố kết quả kinh doanh của ngành dầu khí là khoản lỗ 1.027 tỷ đồng của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR) trong quý IV/2018, phần lỗ thuộc về công ty mẹ là 1.010 tỷ đồng.

Trong kỳ, BSR ghi nhận hơn 29.238 tỷ đồng doanh thu nhưng giá vốn cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp bị âm 831 tỷ đồng và là nguyên nhân có sự xuất hiện của khoản lỗ trên.

Kinh doanh “thất bát”

Tính chung năm 2018, BSR ghi nhận doanh thu 110.951 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 3.572 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuộc về công ty mẹ là 3.630 tỷ đồng.

Với kết quả kém thuận lợi trong quý IV/2018, số lỗ lũy kế của BSR tính tới cuối năm 2018 là 346 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp (DN) ngành dầu khí khác cũng gây bất ngờ cho giới đầu tư là CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PV Coating – mã: PVB) khi báo lỗ trong quý IV/2018 (quý III/2018 vượt chỉ tiêu lợi nhuận).

Cụ thể, trong quý IV, doanh thu của PV Coating đạt 14,8 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng 10% lên 29,4 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 14,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước, PV Coating cũng lỗ gộp 17,7 tỷ đồng).

Lợi nhuận khác chỉ còn 5,3 tỷ đồng, giảm mạnh 93% do không còn hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình; lợi nhuận sau thuế của PV Coating ghi nhận số lỗ 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 38,6 tỷ đồng.

Với việc lỗ trong quý IV, lợi nhuận cả năm 2018 của PV Coating chỉ còn 23,1 tỷ đồng, giảm 59% so với năm trước và không hoàn thành kế hoạch năm (28 tỷ đồng).

Trong khi đó, CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS, mã: PXS) mới đây cũng công bố kết quả kinh doanh quý IV không hiệu quả, mang lại sự thất vọng lớn cho các nhà đầu tư.

Theo đó, tương tự các DN khác, doanh thu trong kỳ của PVC-MS vẫn tăng trưởng tốt khi đạt hơn 100 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán vượt doanh thu lên tới 104,6 tỷ đồng nên công ty lỗ gộp hơn 40 tỷ đồng.

Mặc dù đã nỗ lực cắt giảm các chi phí như tài chính, quản lý DN nhưng PVC-MS vẫn lỗ 56,4 tỷ đồng (cũng kỳ lỗ 34 tỷ đồng).

Kết thúc năm 2018, PVC-MS chỉ đạt 232,5 tỷ đồng doanh thu thuần, bằng 1/3 so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm 139,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 943,8 tỷ đồng. Theo PVC-MS, đây là năm đầu tiên mà DN này báo lỗ trong lịch sử hoạt động.

Dù không rơi vào cảnh thua lỗ, nhưng “ông lớn” Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGas – mã: GAS) cũng không tránh khỏi “năm kinh tế buồn” của ngành dầu khí khi đà tăng trưởng có dấu hiệu chững lại trong quý IV/2018.

Theo BCTC của PVGas, trong quý IV, doanh thu của DN đạt 19.118 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ nhưng giá vốn cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế giảm 13% so với quý IV/2017 về 3.273 tỷ đồng.

Chưa công bố chính thức con số kết quả kinh doanh nhưng mới đây, lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil – mã: OIL) đã tiết lộ về khoản lỗ 140 tỷ đồng trong tháng 12/2018, việc này đồng nghĩa với việc lợi nhuận quý IV của công ty sẽ không mấy khả quan.

Lý giải về nguyên nhân thua lỗ nặng trong quý IV/2018, Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, do thị trường dầu thô thế giới biến động bất thường, giá dầu thô giảm tới 42% trong quý IV làm cho giá sản phẩm giảm theo, như giá xăng Mogas 92 từ 91,81 USD/thùng còn 53,78 USD/thùng.

Sự biến động giá dầu thô này đều gây bất lợi cho tất cả các nhà máy lọc hóa dầu trên thế giới, kể cả những đơn vị kinh doanh, phân phối xăng dầu.

Tất cả tại giá dầu?

Giá dầu không những ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn mà còn ảnh hưởng tới cổ phiếu BSR trên thị trường chứng khoán.

Từ mức giá chào sàn 22.400 đồng/cp, đến nay thị giá của BSR chỉ còn 12.300 đồng/cp, tương đương mức giảm 45%. Từ đầu năm 2019 tới nay, thị trường chứng khoán có 17 phiên giao dịch thì BSR đã có tới 8 phiên giảm giá và 4 phiên đứng giá.

Tương tự, cổ phiếu GAS đã bứt phá mạnh mẽ lên 124.000 đồng/cp hồi đầu tháng 10 nhờ giá dầu bứt phá, vốn hóa thị trường của GAS cũng tăng lên 237.212 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, sau đà thăng hoa cùng giá dầu, hiện GAS cũng lao dốc theo giá dầu, đang giao dịch tại mức giá 90.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường đã giảm về mức 172.255 tỷ đồng. Không những giảm so với cách đây 4 tháng mà so với đầu năm 2018, GAS cũng đã giảm tới 19,3%.

Đối với PVC-MS, bên cạnh đà lao dốc của kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu PXS cũng “hẩm hiu” không kém khi giảm mạnh từ vùng đỉnh 11.500 đồng/cp hồi đầu năm 2018 về mức 4.390 đồng/ cp, tương đương 62%.

Tuy nhiên, rủi ro trong hoạt động kinh doanh của PVC-MS lại không đến từ giá dầu mà là từ biến động giá thị trường của các loại nguyên vật liệu dùng cho thi công, doanh thu đến từ giá trị của các dự án.

Trong trường hợp của PV Coating, được đánh giá là một DN độc quyền bởi ngành nghề kinh doanh mang tính đặc thù là bọc ống dầu khí, PVB từng được kỳ vọng là cổ phiếu sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư.

PVB cũng hòa nhịp vào “sóng dầu khí” hồi tháng 10 nhờ giá dầu, bứt phá mạnh mẽ lên mức 24.000 đồng/cp, tăng mạnh so với mức giá 14.000 – 16.000 đồng/cp của những tháng trước đó. Thế nhưng, PVB cũng lao dốc theo “sóng dầu khí” ngay sau đó, hiện tại đã quay về xuất phát điểm là mức giá hơn 15.000 đồng/cp.

Hiện vẫn còn nhiều DN niêm yết chưa công bố BCTC năm 2018 nhưng những cổ phiếu dầu khí khác như PVD, PVS, PPC… cũng đã giảm khá nhiều so với vài tháng trước.

Tuy nhiên, thực tế thì giá dầu không tác động ngay vào kết quả kinh doanh của nhiều DN, mà tác động chính vào kỳ vọng của nhà đầu tư.

Việc có đầu tư vào cổ phiếu ngành dầu khí hay không là quyết định của mỗi nhà đầu tư, nhưng với bất cứ nhóm ngành nào, sự đầu tư có chọn lọc, không “đu” theo sóng nào sẽ khiến các nhà đầu tư bớt đau tim hơn.