Ngân hàng chủ động tạo quỹ vốn an sinh

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Điểm qua 18 năm Việt Nam thực hiện chuỗi dự án tài chính nông thôn do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, có thể khẳng định rằng, ngành Ngân hàng có công đầu trong việc đưa nguồn vốn an sinh xã hội với tổng trị giá 548 triệu USD của WB đến nông dân và doanh nghiệp (DN) khu vực nông thôn ở các địa phương.

Việt Nam là quốc gia triển khai thành công nhất mô hình RDF trên thế giới. Nguồn: internet
Việt Nam là quốc gia triển khai thành công nhất mô hình RDF trên thế giới. Nguồn: internet

Trong khi Việt Nam hiện còn tới 21 tỷ USD vốn ODA chưa giải ngân được thì Dự án Tài chính Nông thôn III (RDF III) đã giải ngân toàn bộ số vốn đúng thời hạn. Không những thế, với sự đóng góp lớn của 30 TCTD, bao gồm 21 ngân hàng thương mại và 9 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), dự án RDF III đã đạt được toàn bộ các mục tiêu phát triển, giúp hơn 135.000 người dân và DN khu vực nông thôn tiếp cận được với nguồn vốn, đồng thời tạo ra trên 140.000 việc làm mới ở khu vực nông thôn.

Đặc biệt, thông qua các QTDND cơ sở, Dự án đã giúp nâng cao một bước khả năng tiếp cận vốn của đông đảo tầng lớp nông dân tại các vùng xa xôi hẻo lánh, đồng bào dân tộc thiểu số.

Điểm qua 18 năm Việt Nam thực hiện chuỗi dự án tài chính nông thôn do ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ có thể khẳng định rằng, ngành Ngân hàng có công đầu trong việc đưa nguồn vốn an sinh xã hội với tổng trị giá 548 triệu USD của WB đến nông dân và DN khu vực nông thôn ở các địa phương.

Trước tiên phải kể đến công lớn của BIDV. Với tư cách là ngân hàng đầu mối bán buôn duy nhất được WB ủy thác, nhiều năm qua, ngân hàng này đã dành tâm huyết xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai các hợp phần của dự án khá cụ thể và bài bản.

Trong dự án RDF I, chỉ với 6 tổ chức tín dụng tham gia thực hiện cho vay, nhưng khi kết thúc giai đoạn thực hiện, dự án này đã tạo ra một quỹ quay vòng có thời gian tồn tại đến năm 2022 với nguồn vốn trị giá 1.461 tỷ đồng. Theo BIDV, đến nay quỹ quay vòng của RDF I đã lên tới hơn 3.100 tỷ đồng và vẫn đang tiếp tục được giải ngân theo các điều kiện và điều khoản của Hiệp định tín dụng đã ký giữa Chính phủ Việt Nam và WB.

Tương tự, đối với RDF II, theo Hiệp định, WB tài trợ cho dự án này nguồn vốn tương đương 200 triệu USD nhưng khi kết thúc giai đoạn thực hiện vào tháng 9/2009, BIDV đã trả cho Bộ Tài chính số tiền lãi là 455 tỷ đồng. Nguồn quỹ quay vòng do RDF II tạo ra sẽ tồn tại đến năm 2027. Quan trọng hơn, dự án này đã tạo ra gần 450.000 khoản vay và trên 275.000 việc làm mới để cá nhân, hộ gia đình, DN nông thôn đầu tư phát triển vào ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt.

Trong khi đó, tại dự án RDF III vừa mới kết thúc giai đoạn rút vốn giải ngân, theo công bố của BIDV, toàn bộ nguồn vốn tài trợ của WB (200 triệu USD) đã được các TCTD cho vay. Dự án này đặc biệt thành công hơn 2 dự án trước đó là tạo ra nguồn quỹ quay vòng cực lớn, lên tới 5 tỷ USD. Nguồn vốn này sẽ tiếp tục được cho vay đến năm 2033, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho người dân nghèo ở các địa phương.

Ngoài vai trò của BIDV, thành công của các dự án RDF kể trên phải ghi nhận những đóng góp của các ngân hàng triển khai thực hiện. Trong đó nổi bật nhất là các ngân hàng như Agribank, Sacombank và SHB. Riêng trong dự án RDF III, từ hạn mức ban đầu WB cấp cho Agribank là 475 tỷ đồng đến thời điểm kết thúc dự án vừa qua, ngân hàng này đã nâng tổng số vốn lên mức 1.315 tỷ đồng, chiếm 35% tổng hạn mức của cả dự án.

Sau 5 năm triển khai dự án, Agribank đã thực hiện cho vay quay vòng hơn 4.550 tỷ đồng tới hơn 82.500 khách hàng. Đặc biệt, Quỹ cho vay tài chính vi mô (MLF III) của dự án đã thu hút khoảng 37.500 khách hàng vay là các cá nhân, hộ gia đình và DN vi mô.

Trong khi đó, theo thống kê của Sacombank, kết thúc dự án RDF III, ngân hàng này đã triển khai giải ngân 100% hạn mức 650 tỷ đồng được phân bổ. Trong cả hai cấu phần của dự án, Sacombank đều tham gia tích cực, triển khai đến 30 tỉnh thành tại hơn 100 điểm giao dịch, với tổng dư nợ giải ngân đến thời điểm hiện nay là 2.300 tỷ đồng, cung ứng nguồn vốn đến 38.000 khách hàng.

Phía SHB cũng ghi nhận rằng, trong 5 năm thực hiện dự án, hạn mức tín dụng được WB cấp cho ngân hàng này liên tục tăng từ 50 tỷ đồng lên đến 437 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, SHB đã sử dụng cho vay quay vòng với tổng giá trị giải ngân đến nay đạt hơn 1.000 tỷ đồng với hơn 4.200 khoản vay được tài trợ; tạo ra gần 9.000 việc làm cho người dân nông thôn.

Kết thúc dự án RDF III, WB đánh giá Việt Nam là quốc gia triển khai thành công nhất mô hình RDF trên thế giới. Để có được những thành công lớn này, đóng góp của toàn bộ hệ thống ngân hàng trong nước một lần nữa cần được ghi nhận là những yếu tố quan trọng tạo nên nguồn quỹ vốn vay phúc lợi cực lớn, mang về sự đổi thay tích cực cho bộ mặt nông thôn Việt Nam.