Ngân hàng Nhà nước: Chưa giảm trần lãi suất huy động

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Nguồn tin từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chiều ngày 26/8 cho biết cơ quan này chưa có quyết định sẽ giảm lãi suất trần đối với tiền gửi ngắn hạn vào hệ thống ngân hàng.

Các ngân hàng có xu hướng tự điều chỉnh lãi suất huy động giảm sâu hơn mức trần quy định. Nguồn: internet
Các ngân hàng có xu hướng tự điều chỉnh lãi suất huy động giảm sâu hơn mức trần quy định. Nguồn: internet
Lãi suất trần Ngân hàng Nhà nước quy định hiện tối đa 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Trong vài ngày qua một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động tiền gửi từ dân cư. Điều này dấy lên suy đoán rằng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm.

Ví dụ, Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sáng 25/8 đã giảm khoảng 0,2 điểm phần trăm một năm với tiền gửi ở hầu hết các kỳ hạn.

Mức lãi suất này tuy giảm nhưng không bất ngờ với thị trường vì Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng có sự điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất đầu vào những ngày gần đây. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng áp dụng mặt bằng lãi suất đầu vào thấp như vậy từ lâu. Khối các ngân hàng quốc doanh đang chiếm khoảng 60% thị phần tiền gửi trên thị trường.

Các ngân hàng thương mại cổ phần lớn tuy duy trì lãi suất tiền gửi cao hơn khối gốc quốc doanh một chút nhưng có những chính sách ưu đãi linh hoạt hơn cho người gửi tiền để giữ chân khách.

Ở đầu ra, họ có những gói tín dụng ưu đãi hấp dẫn khác để duy trì sự chú ý của thương hiệu trên thị trường. Ví dụ, Maritime Bank từ 25-8 công bố một chương trình cho vay với mức lãi suất chỉ 0%/năm với khách hàng có khoản vay tiêu dùng, mua nhà, đầu tư kinh doanh, trả góp và các sản phẩm tín dụng cá nhân được giải ngân đầu tiên tính từ ngày 1 đến 5 hàng tháng. Khách hàng có khoản vay được giải ngân tiếp theo tính từ ngày 1 đến 10 hàng tháng sẽ được áp dụng mức lãi suất 0%/6 tháng đầu.

Các ngân hàng khác cũng tung ra nhiều gói tín dụng cho một số nhóm khách hàng chuyên biệt như tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu với mặt bằng lãi suất thấp hơn mặt bằng chung.

Vì thế, việc các ngân hàng đã và có thể tiếp tục hạ lãi suất huy động được giới ngân hàng không bất ngờ. Họ cho rằng đó là cách tốt nhất để giảm chi phí vốn đầu vào, giảm áp lực lợi nhuận và áp lực phải đẩy tín dụng ra với ngân hàng. Các ngân hàng đều đang thừa tiền, và thừa nhiều nhất là khối quốc doanh, giảm lãi suất đầu vào chính là động tác chặn bớt luồng tiền vào ngân hàng trong bối cảnh đầu ra tắc nghẽn.

Ví dụ, báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm của Vietcombank cho thấy ngân hàng đã tăng trưởng huy động tính tới 30/6 tới 14,52% trong khi tăng trưởng tín dụng tính đến cùng ngày chỉ 6,65% so với cuối năm 2013. Tức càng hút thêm tiền vào, ngân hàng càng chịu nhiều áp lực.

Một yếu tố khác, lạm phát chỉ tăng 0,22% trong tháng 8 và so với tháng 12/2013 thì CPI được công bố chỉ tăng 1,84%. Tỷ lệ này rất thấp nên ngân hàng không có cớ gì neo lãi suất ở mức cao.

Các ngân hàng cũng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất huy động không còn điều quan trọng bởi trong bối cảnh này, các ngân hàng đều có xu hướng tự điều chỉnh lãi suất huy động giảm sâu hơn mức trần quy định như một biện pháp tự vệ chứ không ai dại gì kéo lãi suất huy động lên gần mức trần, đồng nghĩa với việc đẩy giá vốn lên cao, tự gây khó cho mình.

Trong một thông báo ngày 15-8, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện lãi suất huy động bằng tiền đồng phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 6-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,1%/năm.

Cơ quan này cũng cho biết, hiện lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-8%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn. Một số ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp tốt chỉ ở mức 6-7%/năm.