Ngân hàng tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng

Theo Linh Linh/bizlive.vn

Hiện nay, thị trường ngoại tệ trong nước đã có bước phát triển đáng kể, do vậy, bên cạnh việc thực hiện giao dịch truyền thống là mua/bán ngoại tệ giao ngay, Ngân hàng Nhà nước triển khai giao dịch kỳ hạn với các tổ chức tín dụng để bổ sung công cụ cho các thành viên trên thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân về ngoại tệ đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Hiện nay, thị trường ngoại tệ trong nước đã có bước phát triển đáng kể, do vậy, bên cạnh việc thực hiện giao dịch truyền thống là mua/bán ngoại tệ giao ngay, NHNN triển khai giao dịch kỳ hạn với các TCTD để bổ sung công cụ cho các thành viên trên thị trường.
NHNN thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn, trên cơ sở cân nhắc diễn biến lãi suất, tỷ giá, sẽ hỗ trợ các TCTD chủ động hơn trong việc cân đối dòng tiền (bao gồm cả cân đối dòng tiền phục vụ tín dụng) và có thêm lựa chọn trong việc bán ngoại tệ cho NHNN, từ đó khuyến khích TCTD bán ngoại tệ cho NHNN để tăng dự trữ ngoại hối.
Cùng với việc mua kỳ hạn, NHNN giảm tỷ giá mua ngoại tệ trên cơ sở cân nhắc phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Cung cầu thị trường ngoại tệ trong nước những tháng gần đây khá thuận lợi: cán cân thương mại từ tháng 7 trở lại đây liên tục xuất siêu, trong đó tháng 8 và tháng 9 xuất siêu ở mức cao (lần lượt 1,58 tỷ USD và 1,1 tỷ USD); các dòng vốn nước ngoài FDI, FII, kiều hối tiếp tục thuận lợi.
Trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, trạng thái ngoại tệ của các TCTD ở mức dương cao, vì vậy để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, NHNN giảm tỷ giá mua ngoại tệ kết hợp với thực hiện mua kỳ hạn để khuyến khích các TCTD sớm bán ngoại tệ cho NHNN.
Đồng thời, trên thị trường quốc tế, mặc dù USD có diễn biến tăng giá sau cuộc họp của Fed từ 20/9 đến nay, tuy nhiên nếu so với cuối năm 2016 thì tính đến ngày 6/10, USD thế giới đã giảm giá trên 8%; VND đang giảm giá với hầu hết đồng tiền các đối tác thương mại.
Do vậy, các chuyên gia trong ngành đánh giá, việc NHNN giảm tỷ giá mua là phù hợp với diễn biến trên thị trường quốc tế, đồng thời mức giảm được cân nhắc phù hợp với mặt bằng chung thị trưởng để vẫn đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Trong một đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg về mức độ ổn định tiền tệ của một số đồng tiền thuộc khu vực châu Á, Việt Nam đồng (VND) được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở châu Á.
Bloomberg đưa ra nhận định này dựa trên phân tích về biến động của đồng tiền Việt Nam trong những tháng liên tiếp gần đây. Các chuyên gia trong nước thì cho rằng, sự ổn định sẽ còn được duy trì đến hết năm nhờ những yếu tố tích cực của nền kinh tế.
Theo những số liệu mà Bloomberg đưa ra, có thể thấy đường đi của VND so với USD kể từ đầu năm đến nay tương đối bằng phẳng. Biến động có chăng chỉ xảy ra ở những tháng đầu năm do yếu tố thời vụ.
Quan sát những số liệu này, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, ông cũng có nhận định trùng khớp với Bloomberg với 2 lý do căn bản: Thứ nhất, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng tỷ giá trung tâm và qua đó tỷ giá cũng ổn định hơn.
Về cầu nhập siêu kiểm soát tốt hơn, 9 tháng thì nhập siêu ở mức 0,44 tỷ USD, trong khi đó nguồn cung lại rất dồi dào ở cả khía cạnh giải ngân FDI, ODA, kiều hối và khách quốc tế đến Việt Nam tăng 28%.
Thứ hai, theo con số chính xác mà Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố cho chúng ta biết, kiều hối của Việt Nam năm 2016 là 13,4 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với năm 2015. Dự báo kiều hối năm nay sẽ tăng ở mức khoảng 5-7%, như vậy, mức kiều hối về Việt Nam năm 2017 dự kiến sẽ vượt con số 14 tỷ USD và Việt Nam tiếp tục là 1 trong 15 nước dẫn đầu về kiều hối.
Cùng chung nhận định về sự ổn định giá trị của đồng Việt Nam, ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cũng cho rằng, dòng vốn nước ngoài rút ra khỏi các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan khá mạnh trong khi tại Việt Nam lại không phải chịu hiện tượng rút vốn ồ ạt của nước ngoài.
Trái lại, Việt Nam lại thu hút được thêm đầu tư nước ngoài, kể cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán. Qua 9 tháng năm 2017, riêng đầu tư vào mua cổ phần và cổ phiếu đã lên tới 4,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần năm 2016. Đây cũng là nhờ vào chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam rất ổn định.
Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - ông Phạm Hồng Hải cũng nhận định, hiện VND là đồng tiền có tính ổn định nhất trong khu vực, nên HSBC cũng nhận thấy, không có áp lực gì lớn lên tỷ giá trong năm nay.
Với những thành công trong điều hành lãi suất, tỷ giá thời gian qua đã góp phần tăng niềm tin của nhà đầu tư với môi trường đầu tư và chính sách vĩ mô của Việt Nam, đồng thời giúp nâng hạng hệ thống ngân hàng.
Trong báo cáo mới công bố hôm 31/10, Moody's Investors Service đã nâng triển vọng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” trong vòng 12-18 tháng tới, qua đó phản ánh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế tươi sáng và bức tranh tích cực đối với các ngân hàng được xếp hạng tín nhiệm.