Nhà đầu tư chứng khoán phản ứng thái quá

Theo sggp.org.vn

(Tài chính) Hàng loạt cổ phiếu tại 2 sàn bị bán tháo khiến VN-Index mất hơn 25 điểm và HNX-Index giảm 3,5 điểm trong phiên giao dịch hôm qua 12/5. Trong khi nhà đầu tư cá nhân nội tiếp tục quan ngại về diễn biến xung quanh tình hình biển Đông thì một số tổ chức đầu tư, nhà đầu tư ngoại tiếp tục mạnh tay mua vào.

Nhà đầu tư chứng khoán phản ứng thái quá
Các nhà đầu tư cần giữ bình tĩnh, tránh hội chứng “đám đông”. Nguồn: internet
Sợ hãi lấn át

Nếu thị trường bình thường, ít nhất sau phiên cuối tuần trước giảm khá mạnh, thị trường sáng 12/5 phải mở cửa tăng hoặc cân bằng. VN-Index mở cửa đã giảm ngay 1,04% với áp lực bán tăng mạnh. Việc kết thúc phiên, khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 99 triệu đơn vị - giảm hơn 16% và trên HNX gần 57 triệu đơn vị cùng với 457 cổ phiếu giảm giá trên hai sàn cho thấy, lo ngại vẫn là tâm lý chung của nhà đầu tư. Thanh khoản của phiên 12/5 không cao như phiên sụt giảm điểm mạnh ngày 8/5 cho thấy, động thái bắt đáy của nhà đầu tư đã có phần rụt rè hơn.

Theo bà Trần Hải Yến, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt, hiện thông tin chi phối chính diễn biến thị trường vẫn là những lo ngại xung quanh căng thẳng ngày càng leo thang tại biển Đông. Tình hình ngày một diễn biến phức tạp và khó lường đang khiến cho phần lớn nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoang mang và khi giải pháp cho tình hình tại biển Đông vẫn chưa rõ ràng thì sự lo lắng dẫn đến hành động bán tháo của nhà đầu tư cũng là điều dễ hiểu.

Thị trường nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục diễn biến khó lường trong ngắn hạn. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội cho biết, ông cũng bị bất ngờ khi phiên ngày 12/5 thị trường giảm mạnh. Theo tính toán, sau phiên giảm mạnh ngày 8/5 và phiên phục hồi sau đó (ngày 9/5) thì thị trường sẽ hình thành mặt bằng mới xung quanh ngưỡng 530 điểm. Do vậy, việc giảm đến 25 điểm là điều bất ngờ.

Cũng theo vị này, trong các phiên tới, thị trường sẽ xác lập một mặt bằng mới và sẽ khó đi xuống hơn nữa. Trái ngược với nhà đầu tư trong nước, khối ngoại lại tiếp tục thêm một phiên mạnh tay mua vào khi mua ròng gần 250 tỷ đồng, tương đương một nửa giá trị mua ròng của tuần trước.

Trong khi đó, từ đầu năm tới nay, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn đang ổn định và có chuyển biến tích cực; kết quả sản xuất kinh doanh sơ bộ quý 1 của các công ty niêm yết đều cho thấy khả quan hơn, tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ đã giảm; các tổ chức nước ngoài đều có đánh giá tích cực về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam; dòng vốn đầu tư gián tiếp riêng quý I gần gấp 2 lần cả năm 2013.

Cơ hội tích lũy cổ phiếu

Theo ông Đinh Ngọc Dũng, Trưởng phòng Tư vấn tài chính của Công ty Chứng khoán APEC, hy vọng thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp để không ảnh hưởng đến hòa bình và nền kinh tế. Về cơ bản, kết quả kinh doanh quý 1 của doanh nghiệp khá tốt. Do đó, yếu tố giá trị của các cổ phiếu vẫn được duy trì. Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, tổ chức này kỳ vọng tình hình biển Đông sẽ ổn định sớm và không có lý do hợp lý để bán tháo cổ phiếu tại thời điểm này. “Sự suy giảm thậm chí còn cơ hội đẻ trứng để cho các nhà đầu tư dài hạn để mua cổ phiếu Việt Nam với giá rất hợp lý”, SSI nhận định.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng, phiên giao dịch đầu tuần thị trường quay đầu giảm mạnh thể hiện tâm lý trong ngắn hạn vẫn bất ổn, nhà đầu tư chấp nhận bán cổ phiếu ở giá thấp, báo tháo diễn ra trên diện rộng. Điểm tích cực nhất đến từ giao dịch của khối ngoại là thị trường càng xuống sâu nhà đầu tư nước ngoài càng giải ngân mạnh. Đây là tín hiệu tốt cho thị trường khi các nhà đầu tư trong nước vẫn đang khá thận trọng.

“Trong các phiên tiếp theo, nhà đầu tư nên thận trọng và tiếp tục chú ý đến thanh khoản, việc theo dõi thanh khoản từ 3 - 5 phiên sẽ giúp nhà đầu tư nhận biết được dòng tiền đang đi vào hay đi ra và sự ổn định của thị trường. Nhà đầu tư nên giữ tâm lý bình tĩnh, tránh trạng thái bi quan quá mức do đây có thể sẽ là cơ hội để tích lũy cổ phiếu giá thấp cho mục tiêu trung - dài hạn”, FPTS nhận định.

Còn theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, xu hướng tăng điểm trong dài hạn thị trường cho tới thời điểm hiện nay vẫn đúng và việc tháo chạy khỏi thị trường bởi những quyết định không được tính toán kỹ lưỡng mà do tác động từ bên ngoài có thể sẽ gây nuối tiếc sau này. Những nhà đầu tư với quan điểm thận trọng vẫn có thể đứng ngoài để quan sát bởi rủi ro T+ có thể chưa cho phép nhà đầu tư lướt sóng trong giai đoạn này, tuy vậy, nếu chọn đúng những cổ phiếu đã giảm mạnh, doanh nghiệp có sức bật tốt thì “chắc chắn phần thưởng sẽ không nhỏ”.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên ngày 12/5 diễn ra với sự tiếp tục tháo chạy của các nhà đầu tư trong nước. Chốt phiên, VN-Index giảm 25,41 điểm, còn 517,05 điểm với 239 mã chứng khoán giảm giá, 16 mã chứng khoán đứng giá và 24 mã chứng khoán tăng giá. VN30-Index giảm 24,61 điểm, còn 563,3 điểm với 29 mã chứng khoán giảm giá, trong đó có hơn một nửa giảm sàn và chỉ 1 mã chứng khoán tăng giá.

Tại sàn Hà Nội, kết thúc phiên, HNX-Index cũng giảm 3,5 điểm, còn 70,69 điểm với 220 mã chứng khoán giảm giá, 17 mã chứng khoán đứng giá và 30 mã chứng khoán tăng giá. HNX30-Index giảm 9,98 điểm, còn 134,73 điểm. Mặc dù khối ngoại vẫn mua vào nhưng quy mô giao dịch chung toàn thị trường không bằng ngày 8/5. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt khoảng 2.100 tỷ đồng.