Sau quá trình nghiên cứu, học tập kinh nghiệm triển khai chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh tại một số thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển trên thế giới, Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cơ bản hoàn tất. Ngày 20/8/2014, toàn văn Dự thảo đã được công bố trên website của Ủy ban nhằm lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân và các thành viên thị trường trước khi trình Chính phủ chính thức ban hành. Thời gian góp ý với các nội dung đề cập trong Dự thảo Nghị định đến hết ngày 12/9/2014.

Theo Dự thảo Nghị định, Sở Giao dịch Chứng khoán là tổ chức duy nhất được thiết lập các chứng khoán phái sinh để niêm yết và tổ chức giao dịch trên Sở sau khi được UBCKNN chấp thuận. Các chứng khoán phái sinh được niêm yết và giao dịch trên Sở gồm: hợp đồng tương lai; hợp đồng quyền chọn; các chứng khoán phái sinh khác theo quy định của Bộ Tài chính.

Dự thảo cũng đưa ra quy định công ty chứng khoán phải được UBCKNN chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh. Điều kiện để công ty chứng khoán được chấp thuận hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh gồm: được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Điều 60 Luật Chứng khoán; có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 500 tỷ đồng trở lên... Các ngân hàng thương mại muốn tham gia các hoạt động bù trừ, thanh toán cho giao dịch chứng khoán phái sinh cũng phải được UBCKNN chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Điều kiện chấp thuận cho hoạt động bù trừ, thanh toán là ngân hàng lưu ký có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở lên; được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản về việc thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán phái sinh...

Có thể thấy quy định cao hơn của cơ quan quản lý với các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại về vốn khi tham gia kinh doanh và hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh như yêu cầu về vốn điều lệ lớn hơn là nhằm đảm bảo an toàn tài chính. Theo đó, với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng, công ty chứng khoán vẫn chưa được phép kinh doanh chứng khoán phái sinh mà phải nâng lên tối thiểu 500 tỷ đồng. Tương tự với ngân hàng thương mại, ngưỡng 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ Dự thảo Nghị định đưa ra sẽ loại một số ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ hiện tại là 3.000 tỷ đồng tham gia khâu bù trừ, thanh toán nhằm tăng tính an toàn cho sản phẩm mới cũng như cho thị trường.

Theo TS. Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, chứng khoán phái sinh là công cụ quan trọng giúp cho nhà đầu tư thực hiện phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, đây là loại thị trường phức tạp, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía nhà đầu tư, thành viên thị trường cũng như cơ quan quản lý. Sau khi Dự thảo Nghị định nhận được ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, thành viên thị trường, UBCKNN sẽ trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2014. Theo lộ trình, đến năm 2016, chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh sẽ chính thức vận hành.

Nhiều điểm mới với chứng khoán phái sinh

HÀ ANH

(Tài chính) Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Một số quy định cao hơn đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán khi tham gia lĩnh vực này cũng đã được xác định.

Xem thêm

Video nổi bật