NHNN hút ròng hơn 33.200 tỷ đồng trên OMO trong tháng 11

Theo Gafin

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tháng 11, giao dịch qua nghiệp vụ bán hẳn (sell outright) lấn át nghiệp vụ mua kỳ hạn (reverse repo).

NHNN hút ròng hơn 33.200 tỷ đồng trên OMO trong tháng 11
Tại nghiệp vụ bán hẳn, NHNN phát hành 37.723 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về, gấp 2,5 lần trị giá tín phiếu đã phát hành trong tháng 10.

Tháng này, NHNN chỉ phát hành tín phiếu kỳ hạn 56 ngày và 91 ngày mà không phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày như tháng trước. Lãi suất tín phiếu kỳ hạn 56 ngày ổn định ở 6%/năm, 91 ngày ở 6,8%/năm.
NHNN hút ròng hơn 33.200 tỷ đồng trên OMO trong tháng 11 - Ảnh 1

Nguồn: SBV/GAFIN

Bên cạnh việc hút tiền về, NHNN cũng phải bơm ra 4.398 tỷ đồng để thanh toán số tín phiếu 28 ngày đến thời gian đáo hạn. Như vậy, tháng 11 NHNN hút ròng 33.325 tỷ đồng qua nghiệp vụ bán hẳn.

Về phía nghiệp vụ mua kỳ hạn, NHNN chỉ bơm ra 12.118 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm, kỳ hạn 7 ngày, giảm 35% so với lượng bơm ra tháng 10. Lượng tiền bơm ra qua nghiệp vụ repo hầu như không biến động lớn, chỉ duy nhất có ngày 2/11 phải bơm ra đột biến gần 5.400 tỷ đồng trước sự kiện ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) thay chủ tịch HĐQT.

Với việc phải hút về 12.000 tỷ đồng đến kỳ đáo hạn, NHNN bơm ròng 118 tỷ đồng qua nghiệp vụ mua kỳ hạn trong tháng này.

NHNN hút ròng hơn 33.200 tỷ đồng trên OMO trong tháng 11 - Ảnh 2


Nguồn: SBV/GAFIN

Như vậy, tính chung tháng 11, NHNN hút ròng 33.207 tỷ đồng trên thị trường mở (OMO).

Trên thị trường liên ngân hàng, 2 tuần cuối tháng 11, lãi suất cho vay tiền giảm từ 0,5 - 1 điểm phần trăm so với tuần đầu tháng 11. Lãi suất qua đêm và 1 tuần khoảng 1,5%/năm, thấp nhất trong 5 tháng. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 2 tuần khoảng 2 - 2,5%/năm; 1 tháng khoảng 4,42 - 4,5%/năm

Theo công ty chứng khoán ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), việc NHNN hút ròng trên thị trường mở là nhằm điều hòa dòng vốn trên hệ thống. Bởi hiện nay, thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng dư thừa do lượng tiền gửi tăng còn tín dụng hầu như không cải thiên.

Báo cáo của Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 11 cho hay, tổng số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng đến 20/11 tăng 15,98%, trong khi dư nợ tín dụng với nền kinh tế mới tăng 4,15%/năm.

Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 13/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, tổ chức tín dụng hiện nay dư tiền nhưng số tiền này lại vẫn phải trả lãi tiền gửi. Điều này khiến các tổ chức tín dụng bị áp lực về sử dụng tiền, phải quay sang các kênh đầu tư khác, ví dụ như ngoại tệ, từ đó làm cho thị trường ngoại tệ lại bất ổn. Do vậy, NHNN phải phát hành tín phiếu để hút tiền về. "Đây là việc làm cực chẳng đã", lãnh đạo NHNN nói.

Trên thị trường trái phiếu sơ cấp, theo dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 11, khối lượng trái phiếu trúng thầu đạt 14.700 tỷ đồng, tăng 80% so với tháng 10. Tỷ lệ trúng thầu trái phiếu tháng 11 đạt gần 55%, tăng so với mức 35% của tháng trước.

Lãi suất trúng thầu trái phiếu tháng 11 dao động từ 9 - 11,1%/năm.

Hiện tượng "nóng lên" của thị trường trái phiếu cuối tháng 11 cho thấy, trái phiếu là sự lựa chọn an toàn của các ngân hàng để cải thiện nguồn lãi và cân bằng chi phí vốn trước thời điểm quyết toán năm 2012, BSC nhận định.