Nhóm cổ phiếu nào "dính đòn" khi Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ?

Theo DIỄM NGỌC - NGUYỄN LONG/enternews

Việc Mỹ gán mác thao túng tiền tệ đối với Việt Nam sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Vậy nhóm cổ phiếu nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, đến tháng 6/2020, Thụy Sỹ và Việt Nam đã can thiệp rất nhiều vào thị trường tiền tệ để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế. Do đó, quốc gia này đã đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia thao túng tiền tệ.

Thông tin nói trên đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. Chốt phiên, VN-Index giảm 15,22 điểm (-1,43%), xuống 1.051,77 điểm với 148 mã tăng, trong khi có tới 290 mã giảm. Đáng chú ý, khối ngoại đã bán ròng 21,66 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 776,84 tỷ đồng, tăng 135,14% về lượng và 242,3% về giá trị so với phiên trước.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nếu Mỹ và Việt Nam không đàm phán, giải quyết được vấn đề liên quan đến thao túng tiền tệ, thì Mỹ sẽ tiến hành các lệnh trừng phạt thuế quan đối với Việt Nam.

Khi đó, cổ phiếu nhóm xuất khẩu sẽ là nhóm ảnh hưởng nặng nề nhất, cụ thể là nhóm ngành Thủy sản, Dệt may và Gỗ. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp đầu tư FDI, tuy nhiên nhiều khả năng Mỹ sẽ không áp thuế đối với nhóm doanh nghiệp này.

“Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là hiện tại Mỹ chưa đưa ra lệnh trừng phạt kinh tế cụ thể nào cho Việt Nam, trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng sắp tới thời điểm chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden. Trong khi ông Joe Biden là người có quan điểm ôn hòa, do vậy chưa chắc Mỹ sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt đối với Việt Nam”, ông Minh nhận định.

Cùng quan điểm trên, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động giao thương với Hoa Kỳ sẽ phải tiếp tục theo dõi sát sao những động thái từ phía các cơ quan như Bộ Tài chính Mỹ và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR). Đặc biệt, hai cuộc điều tra gần đây theo Điều khoản 301 về gian lận thương mại đối với hai ngành hàng đồ gỗ và dệt may là điều đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp đồ gỗ và dệt may Việt Nam.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phối hợp và làm việc chặt chẽ với những đối tác Hoa Kỳ để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra từ các biện pháp áp thuế trừng phạt, nếu có.

Ngay sau khi có thông tin Việt Nam bị Mỹ gán mác thao túng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Theo NHNN, Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế - thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ và sẽ phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.