Những cú "sang tay" khủng trên sàn chứng khoán năm 2019

Theo Thùy Linh/thoibaokinhdoanh.vn

Trong năm 2019, dù thanh khoản trên thị trường có sự sụt giảm nhưng các giao dịch thoả thuận và phát hành riêng lẻ lại diễn ra khá sôi động trong đó có những thương vụ nhiều nghìn tỷ đồng gây chú ý cho nhà đầu tư tại thời điểm đó.

SK Group với Vingroup và Masan

Những cú "sang tay" khủng trên sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 1

Ngày 16/5/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn SK (SK Group - Hàn Quốc) chính thức ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, SK Group sẽ đầu tư khoảng 23.300 tỷ đồng (1 tỷ USD) để mua cổ phiếu của Vingroup và trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn này.

Cụ thể, SK đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ Vincommerce với giá trung bình là 113.000 đồng/cp.

Sau khi hoàn tất chào bán cổ phần, vốn điều lệ của Vingroup sẽ tăng lên gần 34.299 tỷ đồng và SK sẽ là cổ đông nước ngoài lớn nhất nắm giữ 6% vốn điều lệ.

Thương vụ tại Vingroup vừa hết nóng, thị trường chứng khoán ghi nhận giao dịch thoả thuận gần 110 triệu cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group) với tổng giá trị 110.000 tỷ đồng, tương đương 470 triệu USD.

Giao dịch được thực hiện bởi 3 lệnh với khối lượng lần lượt là 50 triệu, 49 triệu và 11 triệu cổ phiếu, giá 100.000 đồng/cp. Như vậy, SK chính thức trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất của Masan Group.

Cũng với cổ phiếu MSN, trong 4 phiên giao dịch từ ngày 15-20/3/2019 đã gây bất ngờ với khối lượng thoả thuận lớn lên tới 23,74 triệu cổ phiếu, chiếm 2% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của Masan, tổng giá trị giao dịch ước tính lên tới 2.049 tỷ đồng.

KEB Hana Bank mua 15% cổ phần BIDV

Những cú "sang tay" khủng trên sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 2

Sẽ là thiếu xót nếu không nhắc đến thương vụ KEB Hana Bank - một nhà đầu tư của Hàn Quốc đã mua hơn 603,3 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sau khi đầu tư. Tổng giá trị của giao dịch là hơn 20.295 tỷ đồng, tương ứng hơn 882 triệu USD. 

Với mức giá này, đối tác ngoại đã mua mỗi cổ phiếu BID với giá 33.640 đồng. Đây là thương vụ M&A có giá trị cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, BIDV cũng trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay.

Từ sự hợp tác này, KEB Hana Bank sẽ hỗ trợ BIDV trên 6 lĩnh vực là quản trị chiến lược, nâng cao quản trị rủi ro, đa dạng hoá các tài sản sinh lời, phát triển ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, và nâng cao phát triển nguồn nhân lực...

Theo ông Phan Đức Tú, chủ tịch BIDV, đây là giao dịch có lợi ích kép bởi khi KEB Hana Bank sở hữu 15% cổ phần, thời gian sở hữu tối thiểu 5 năm, trong khi BIDV nhận được hỗ trợ từ ngân hàng hàng đầu Hàn Quốc trong 6 lĩnh vực.

Hợp tác chiến lược còn có ý nghĩa lớn hơn là giúp nâng cao mối quan hệ thương mại giữa hai nước, phù hợp với đường lối chủ trương của Chính phủ Việt Nam và chính sách của Hàn Quốc.

Vụ thâu tóm "thần tốc" của Vinamilk

Những cú "sang tay" khủng trên sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 3

Sau nhiều lần chào mua công khai và cũng không ít lần nhận được cái "lắc đầu" của Hội đồng quản trị CTCP GTNfoods (mã: GTN) từ đầu năm 2019, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) vẫn không từ bỏ ý định thâu tóm đơn vị sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu này nhằm mở rộng kinh doanh.

Theo đó, Vinamilk tích cực gom mua cổ phiếu GTN trên sàn giao dịch, tính đến đầu tháng 11/2019, Vinamilk đã sở hữu 43,17% vốn tại GTNfoods trong khi đó, cơ cấu cổ đông tại GTNfoods liên tục có biến động bởi động thái bán ra của nhiều cổ đông lớn.

Tuy nhiên, phiên giao dịch 16/12/2019, diễn biến giao dịch của GTN khá lạ khi khối lượng cổ phiếu khớp lệnh chỉ đạt gần 724.000 đơn vị (tương đương giá trị khoảng 16 tỷ đồng), nhưng lượng cổ phiếu giao dịch theo phương thức thoả thuận lên đến gần 79 triệu đơn vị với tổng giá trị 1.799 tỷ đồng.

Tuy không rõ bên mua, bên bán nhưng nhà đầu tư có thể dễ dàng đoán ra các giao dịch này có liên quan đến thương vụ Vinamilk mua vào cổ phần GTN trong lộ trình thâu tóm Sữa Mộc Châu. 

Bởi trước khi giao dịch này diễn ra, GTNfoods đã triệu tập phiên họp ĐHĐCĐ bất thường để thông qua phương án cho phép Vinamilk nâng sở hữu lên 75% vốn tại GTNfoods mà không cần chào mua công khai.

Cũng chính trong phiên giao dịch được xem là phiên "chốt" của Vinamilk trong thương vụ này,  GTNfoods cũng thống nhất sẽ chuyển nhượng toàn bộ 99,99% vốn CTCP Nông nghiệp GTN (GTNfarm) với giá 490,5 tỷ đồng. Đồng thời, bán 99,95% vốn Công ty Khai thác Tài sản GTNfoods với giá 235,5 tỷ đồng và bán 100% vốn Công ty Hàng Tiêu dùng GTNfoods giá 8 tỷ đồng.

"Bom tấn" cổ phiếu quỹ Vincom Retail và Vinhomes

Những cú "sang tay" khủng trên sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 4

Cho rằng, giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị thực Vincom Retail và Vinhomes "đồng thuận" trích lợi nhuận sau thuế chưa phân phối mua lại lượng lớn cổ phiếu quỹ nhằm bảo vệ quyền lợi của công ty và cổ đông.

Cụ thể, Vincom Retail VRE thông báo đã mua lại 56,5 triệu cổ phiếu VRE trong thời gian từ 14/11 đến 13/12. Với giá giao dịch bình quân 34.561 đồng/cp, Vincom Retail đã chi 1.952,7 tỷ đồng cho lượng cổ phiếu quỹ đã mua. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của VRE giảm từ 2,33 tỷ xuống 2,27 tỷ cổ phiếu.

Tương tự, Vinhomes cũng mua lại 60 triệu cổ phiếu VHM thời gian thực hiện từ 15/11 đến 10/12. Giá giao dịch bình quân là 92.425 đồng/cp, tương đương tổng giá trị lô cổ phiếu quỹ đạt 5.544 tỷ đồng. Sau giao dịch, Vinhomes giảm lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành từ 3,35 tỷ xuống 3,29 tỷ đơn vị.

Trong thời gian mua cổ phiếu quỹ, Vinhomes gây chú ý tại phiên giao dịch ngày 3/12 khi mua hơn 32,23 triệu cổ phiếu VHM chỉ trong một ngày. Đặc biệt, có tới 30 triệu cổ phiếu được giao dịch theo hình thức thoả thuận mà bên bán là một nhà đầu tư nội.

Số lượng cổ phiếu mua vào trong một lệnh thỏa trên tương đương 50% số cổ phiếu quỹ đã đăng ký mua. Ước tính theo giá đóng cửa giao dịch ngày 3/12, số tiền mà ông lớn bất động sản này đã chi ra gần 2.960 tỷ đồng.

Eximbank "sang tay" hơn nửa số cổ phiếu tự do

Những cú "sang tay" khủng trên sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 5

Trong năm 2019, Eximbank xứng đáng được nhận danh hiệu "nữ hoàng thị phi" bởi những lùm xùm liên quan đến lãnh đạo cấp cao, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông...,đặc biệt là những giao dịch thoả thuận khủng cổ phiếu EIB trên sàn chứng khoán.

Theo dữ liệu của Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HoSE), tính từ đầu năm đến ngày 12/7 có tổng cộng 661,5 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được các nhà đầu tư trao tay, tương ứng với giá trị giao dịch gần 11.353 tỷ đồng.

Trong đó, có 630 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức thoả thuận, chiếm hơn một nửa lượng cổ phiếu Eximbank được tự do chuyển nhượng.  

Các giao dịch này không diễn ra dàn trải mà tập trung cục bộ vào khoảng thời gian nhất định. Điển hình như từ ngày 4/1 đến 17/1 có tới gần 113 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận, hay trong thời gian 1/4 - 17/4 có gần 207 triệu cổ phiếu cũng được thỏa thuận.

Đáng nói, những giao dịch cao đột biến của cổ phiếu Eximbank lại diễn ra cùng lúc với những lùm xùm trong nội bộ ngân hàng. Thực tế, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank đã kéo dàu trong nhiều năm qua, nhất là sau khi ông Lê Hùng Dũng nghỉ hưu năm 2015 nhưng bắt đầu trở nên phức tạp hơn bao giờ hết kể từ sau ngày 22/3/2019, thời điểm 7 thành viên HĐQT Eximbank đã họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú thay cho ông Lê Minh Quốc.

Đến nay, Eximbank vẫn chưa thể tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm 2019 vì những mâu thuẫn chưa được cởi bỏ. Hiện tại, giới đầu tư không biết người đại diện theo pháp luật của Eximbank là ai? Ai đang là người chịu trách nhiệm cho một tổ chức tín dụng có tổng tài sản lên tới gần 160.000 tỷ đồng, trong đó gần 130.000 tỷ đồng tiền gửi của người dân.