Những đại gia có nhiều công ty niêm yết trên thị trường

Theo Bảo Linh/nhadautu.vn

Việc niêm yết các công ty thành viên lên sàn chứng khoán có thể giúp giới chủ thuận lợi huy động thêm nguồn lực từ các cổ đông, thậm chí vốn nhà đầu tư nước ngoài,… bên cạnh kênh tín dụng quen thuộc từ các nhà băng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 28/7/2000 đã đánh dấu bước đi đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Việt Nam khi chính thức giao dịch với 2 cổ phiếu, đó là mã SAM của CTCP Đầu tư phát triển Sacom và mã REE của CTCP Cơ điện lạnh.

Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, 3 sàn giao dịch chứng khoán (gồm HOSE, HNX, UpCom) ghi nhận có 801 mã cổ phiếu đang niêm yết.

Cùng với đó, thị trường cũng xuất hiện xu thế nhiều ông chủ đưa các công ty thành viên lên sàn chứng khoán. Việc niêm yết công ty con có thể giúp giới chủ thuận lợi huy động nguồn lực từ cổ đông, vốn nhà đầu tư nước ngoài,… thay vì phải đi vay ngân hàng. Mặt khác, niêm yết lên sàn chứng khoán, đặc biệt sàn có tiêu chuẩn cao như HOSE, sẽ giúp nâng cao hình ảnh Tập đoàn trong vấn đề minh bạch, công khai tình hình tài chính và quản trị.

Đối với giới đầu tư, họ sẽ có thêm cơ hội kiếm lời khi thị trường có thêm nguồn hàng chất lượng hơn.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng với bộ 3 cổ phiếu VIC, VRE, VHM trong nhóm VN30

Đến cuối quý III/2019, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm 25,54% vốn VIC và sở hữu gián tiếp 32,67% doanh nghiệp thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.

Thông qua VinGroup, ông Vượng cũng đang nắm cổ phần tại hai mã vốn hóa lớn khác là CTCP Vinhomes (nắm 69,66%) và CTCP Vincom Retail (Sài Đồng, doanh nghiệp sắp M&A vào VinGroup nắm 32,3%, VinGroup sở hữu 18,4%, Vinhomes nắm 8,3%).  

Trong những năm qua, Vingroup tiếp tục tập trung và đẩy mạnh vào lĩnh vực công nghệ, công nghiệp và những sản phẩm đầu tiên của Vinsmart, Vinfast chính thức ra đời. Không những vậy, VinGroup còn thành lập Công ty hàng không Vinpearl Air và mở trường đào tạo phi công, thợ máy với mục tiêu gia nhập thị trường hàng không trong tương lai không xa.

Ở chiều ngược lại, VinGroup đã chia tay một số mảng kinh doanh như bán lẻ (sáp nhập VinComerce vào Masan, trang thương mại điện tử Adayroi sáp nhập VinID) hay giải thể mảng điện máy VinPro.

Dù vậy, nhóm cổ phiếu VinGroup vẫn thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư tổ chức. Trong năm qua, SK Group (Hàn Quốc) đã chi 1 tỷ USD mua cổ phần VinGroup. Ngoài ra, các cổ phiếu VIC, VHM, VRE đều được các quỹ ngoại như Dragon Capital, Tundra hay các nhóm quỹ ETFs tăng mạnh tỷ trọng trong danh mục.

Sau 9 tháng đầu năm 2019, kết quả kinh doanh 3 doanh nghiệp này đồng loạt tăng trưởng tốt. 

Cụ thể, lũy kế doanh thu thuần Vingroup đạt 92.614 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng 12% từ 8.377 tỷ lên 9.384 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng hơn gấp đôi lên 2.900 tỷ đồng.

Với VRE, lũy kế 9 tháng đạt doanh thu hơn 6.474 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018, lợi nhuận sau thuế tăng 15% lên mức 1.968 tỷ đồng. 

Kết quả kinh doanh của VinHomes cũng ấn tượng khi đạt 37.642 tỷ đồng doanh thu sau 9 tháng đầu năm, tương đương tăng 68%. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 17.347 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. 

Trên sàn chứng khoán, bộ 3 mã VIC, VRE, VHM đang nằm trong nhóm 30 mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt. Chốt phiên giao dịch 30/12, mã VIC đạt 115.000 đồng/cổ phiếu, VRE đạt 34.500 đồng/cổ phiếu, VHM đạt 85.500 đồng/cổ phiếu.

Ông Nguyễn Đăng Quang với 4 mảnh ghép trong hệ sinh thái

Trong Báo cáo thường niên 2018, Tập đoàn Masan đưa ra chiến lược phát triển 5 năm với 4 mảnh ghép gồm: CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), CTCP Masan Meat Life, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và CTCP Masan Resources (Masan Resources).

CTCP Hàng tiêu dùng Masan (mã MCH) là công ty con CTCP Tập đoàn Masan (nắm 81,5% vốn) – nắm gián tiếp qua Công ty TNHH MasanConsumer Holdings. Đây là một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, sản xuất kinh doanh các sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi như mỳ ăn liền (Omachi, Kokomi, Sagami) , gia vị (nước mắm Nam Ngư, Chinsu, nước tương Chinsu), đồ uống (nước khoáng Vĩnh Hảo), cà phê (Vinacafe). Hiện, Hàng tiêu dùng Masan đang niêm yết trên sàn UpCom với mã MCH.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu thuần MCH đạt 12.320 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 5.181 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 42,1%. Trừ các loại thuế, phí phát sinh, lợi nhuận sau thuế đạt 2.520 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số lãi 2.515 tỷ đồng đạt được 9 tháng đầu năm ngoái. EPS đạt 3.552 đồng.

CTCP Masan Meat Life - MEATDeli (mã MML - tiền thân là Masan Nutri-Science) được thành lập từ năm 2015, doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sang mô hình kinh doanh thịt đóng gói.

Hiện tại, MEATDeli đang sở hữu trực tiếp/gián tiếp 18 công ty con, hoạt động trong các mảng: Sản xuất, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, bột sắn, bột mỳ, ngô, gạo,…. Ngoài ra, MEATDeli cũng nắm 4 công ty liên kết, trong đó, doanh nghiệp đang sở hữu 24,9% CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (mã VSN).

Theo bản cáo bạch 2019, Masan Group và Công ty TNHH Tầm nhìn Masan Việt Nam (thành viên liên quan tới Masan Group) tính đến tháng 11/2019 đang nắm tổng cộng 87,27% vốn doanh nghiệp.

Vừa qua, MEATDeli đã niêm yết trên sàn UpCom với mã là MML. Chốt phiên giao dịch 30/12, mã này đạt 66.000 đồng/cổ phiếu, đi ngang ở mức giá tham chiếu.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần MEATDeli đạt gầ 10.104 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,86% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, với tỷ suất lợi nhuận gộp biên (Gross Margin) trong kỳ đạt 16,934%, cao hơn cùng kỳ là 15,29%, MEATDeli ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 324 tỷ đồng, tăng trưởng đến 53%.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã TCB) là miếng ghép sinh thái thứ ba của Masan Group (sở hữu 20%), hoạt động trong lĩnh vực tài chính.

Báo cáo thường niên 2018 Tập đoàn đánh giá, với chiến lược hệ sinh thái và đặt khách hàng làm trọng tâm, Techcombank đã trở thành ngân hàng cổ phần hàng đầu với doanh thu tăng trưởng trong vòng 13 quý liên tiếp.

Báo cáo cũng đánh giá, sự thâm nhập mạnh mẽ của Techcombank vào phân khúc khách hàng phổ thông giai đoạn 2019 và 2020 sẽ giúp nhà băng này tiếp tục đạt được tăng trưởng doanh thu bền vững nhờ vào thu nhập từ phí (hiện nay chiếm 21% tổng thu nhập hoạt động và sẽ nâng lên khoảng 40% đến 50%), tỷ lệ ROAE dẫn đầu ngành với +20% và đạt lượng khách hàng bán lẻ ít nhất 15 triệu người.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, Techcombank đạt 14,4 nghìn tỷ đồng  doanh thu và đạt 8,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tăng lần lượt 29% và 19% tương ứng so với cùng kỳ năm ngoái. 

Techcombank hiện đang niêm yết trên sàn HOSE với tên mã là TCB. Chốt phiên 30/12, thị giá TCB đạt 23.450 đồng/cổ phiếu, tăng 1,1% so với giá tham chiếu.

CTCP Masan Resources (mã MSR) là mảnh ghép thứ tư với 95,9% vốn thuộc sở hữu bởi Masan Group. Masan Resources hoạt động chính trong lĩnh vực Khoáng sản.

Được biết, doanh nghiệp này đang nắm Công ty Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo – đơn vị sở hữu một khu mỏ lộ thiên nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ở miền bắc Việt Nam, có các trữ lượng khoáng sản vonfram, florit, bismut, và đồng.

Hiện tại, CTCP Masan Resources đang niêm yết trên sàn UpCom với mã là MSR. Chốt phiên giao dịch 30/12, mã MSR đạt 16.200 đồng/cổ phiếu.  

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế MSR đạt 472,5 tỷ đồng, giảm 2,75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến ĐHĐCĐ thường niên 2019, Masan xác định hệ sinh thái sẽ bao gồm các mảng Y tế, Giáo dục, Thông tin liên lạc và một số lĩnh vực khác. Trong đó, sản phẩm chăm sóc cá nhân & gia đình và Bán lẻ.hai mảng ghép chiến lược.

Nói đi đôi với làm, vào ngày 3/12/2019, giới đầu tư bất ngờ khi Tập đoàn VinGroup và Tập đoàn Masan đã đạt thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Theo đó, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của VinGroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

VinGroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông. 

Chưa dừng lại ở đó, vào những ngày cuối tháng 12 đã công bố, Masan HPC - một công ty thành viên vừa được thành lập thuộc ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình, đã đưa ra đề nghị chào mua công khai lên đến 60% cổ phần của CTCP Bột giặt Net (NETCO – mã NET) với giá 48.000 đồng/cổ phiếu. 

Mức giá này tương đương định giá NETCO ở mức 46 triệu USD, hệ số giá trên thu nhập (P/E) xấp xỉ 19 lần. 

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết với các mã FLC, ROS

Nổi bật nhất trong số những doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn của ông Trịnh Văn Quyết là CTCP Xây dựng FLC Faros (mã ROS), có thời điểm cổ phiếu được đẩy lên tới hơn 225.000 đồng/cổ phiếu, song đến nay tính theo giá điều chỉnh thì đóng cửa phiên ngày 30/12 đã rớt xuống 18.600 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, đây vẫn là mức giá cao nhất trong số các mã còn lại như CTCP Tập đoàn FLC (mã FLC) hiện đạt 4.580 đồng/cổ phiếu. Chứng khoán BOS (mã ART) cũng chỉ có giá 2.400 đồng/cổ phiếu. CTCP Đầu tư và khoáng sản FLC Stone (mã AMD) với giá 2.020 đồng/cổ phiếu. Nhỉnh hơn trong số này có CTCP GAB (mã GAB) với giá là 17.300 đồng/cổ phiếu.

Là Chủ tịch HĐQT của các doanh nghiệp này nên ông Trịnh Văn Quyết cũng đang nắm giữ không ít cổ phiếu FLC và ROS. Việc sụt giảm mạnh của giá cổ phiếu trong năm đã khiến khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết "bốc hơi" mạnh.

Cụ thể, tính đến ngày 30/12/2019, ông Quyết nắm giữ hơn 150 triệu cổ phiếu FLC tương đương 21,19% cổ phần. Ông Quyết đang sở hữu hơn 312 triệu cổ phiếu ROS tính đến hết ngày 6/12/2019 (47,15%).

Mới đây, ông đã đăng ký bán 21 triệu cổ phiếu ROS với mục đích giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này. Theo thông báo, thời gian dự kiến thực hiện giao dịch là từ 6/12/2019 - 3/1/2020, theo phương thức giao dịch thỏa thuận.

Trong trường hợp giao dịch diễn ra thành công, ông dự kiến chỉ còn nắm hơn 291,2 triệu cổ phiếu, tương đương chiếm 51,30% vốn điều lệ ROS.

Tại buổi gặp mặt báo chí công bố sự kiện của Bamboo Airways chiều tối ngày 26/12, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết, mã FHH của CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes và mã BAV của CTCP Hàng không Tre Việt sẽ được niêm yết trên sàn HOSE trong tháng 1/2020.

Ông Nguyễn Duy Hưng – “ông trùm” chứng khoán đi làm nông nghiệp, thủy sản

Ông Nguyễn Duy Hưng được biết đến là nhà sáng lập và điều hành Công ty Chứng khoán Sài Gòn (mã SSI). Tính tới quý III/2019, Công ty Chứng khoán SSI là công ty chứng khoán dẫn đầu về thị phần trên cả hai sàn HNX và HOSE.

Ngoài SSI, ông Hưng cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn PAN. Hiện tại, doanh nghiệp đang niêm yết tại HOSE với mã PAN.

Hoạt động chính trong kỳ của PAN và các công ty con là nông nghiệp, thực phẩm, thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính,…

Theo dữ liệu, một số công ty con của PAN đang niêm yết trên sàn như: CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sàn Bến Tre (mã ABT), CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (mã LAF), CTCP Bibica (mã BBC). Ngoài ra, PAN cũng đang nắm 41,25% vốn CTCP Khử trùng Việt Nam (mã VFG). Cùng với đó, nhóm PAN Group nắm 64,45% vốn CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC),…

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu thuần hợp nhất lũy kế 9 tháng tập đoàn đạt 5.300 tỷ đồng, thực hiện 50,4% kế hoạch cả năm 2019. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 294 tỷ, tăng 2% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ đạt 171,6 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.