Những doanh nghiệp niêm yết nào có thể tăng trưởng khả quan trong quý III?

Theo Thanh Hà/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Thép, Cảng biển, Phân bón, Hóa Chất,... được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc; trong khi các doanh nghiệp Hàng không, Bán lẻ, F&B,... có thể tăng trưởng âm, thậm chí lỗ.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố lợi nhuận ước tính quý III/2021 của 32 doanh nghiệp, trong đó nhiều cái tên được kỳ vọng tăng trưởng khả quan, song cũng có không ít doanh nghiệp tăng trưởng âm, thậm chí thua lỗ.

THÉP, CẢNG BIỂN, PHÂN BÓN KHỞI SẮC

Nhờ sản lượng và giá bán bình quân đều tăng, các doanh nghiệp thép được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong quý III/2021.

SSI Research ước tính Hòa Phát (mã HPG) có thể đạt lợi nhuận ròng hơn 8.700 tỷ đồng trong quý III, tăng trưởng 131% so với cùng kỳ nhờ việc tăng 167% sản lượng HRC mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong các dòng sản phẩm. Ngoài ra, giá thép xây dựng tăng 50% và giá HRC gấp đôi cũng giúp tăng đáng kể biên lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen (mã HSG) trong quý IV (theo niên độ tài chính của Hoa Sen, tương đương với quý III thông thường) ước tính sẽ tăng 110% lên 950 tỷ đồng. Động lực chủ yếu đến từ sản lượng tăng 6,5% và giá bán bình quân tăng 72%.

Nhóm cảng biển, vận tải biển cũng được đánh giá khả quan nhờ giá cước tăng cao bên cạnh các dịch vụ mới phần nào có thể bù đắp sự sụt giảm sản lượng vận chuyển qua cảng.

SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong quý III của Gemadept (mã GMD)  có thể đạt hơn 20%. Dù lượng hàng qua cảng đã giảm trên diện rộng, nhưng khu vực Cái Mép vẫn duy trì mức tăng trưởng tích cực và tăng trưởng hàng hóa qua cảng Gemalink vẫn ổn định. Các cảng Hải Phòng cũng triển khai các dịch vụ mới, giúp bù đắp sự sụt giảm ở một số cảng ở miền Nam Việt Nam.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong quý III của Hải An (mã HAH) ước tính đạt khoảng 80 tỷ đồng, tăng 250% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng vận chuyển bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa nghiêm ngặt và sự sụt giảm năng lực sản xuất, tuy nhiên lợi nhuận vẫn tăng trưởng mạnh có thể là do tăng thị phần và giá cước, cũng như doanh thu từ cho thuê tàu cao hơn đáng kể.

Các doanh nghiệp phân bón, hóa chất cũng được hưởng lợi lớn nhờ giá sản phẩm tăng cao. Lợi nhuận sau thuế quý III của Hóa chất Đức Giang (mã DGC) có thể tăng 82% lên 430 tỷ đồng nhờ giá bán tại các mặt hàng chính tăng cao. Ngoài ra, doanh thu từ các sản phẩm mới (phốt pho vàng, acid photphoric thực phẩm và các loại khác) cũng tăng mạnh.

Trong khi đó, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý III của Đạm Cà Mau (mã DCM) có thể tăng đến 173% lên 300 tỷ đồng, nhờ tăng giá bán urê. Giá urê tại Trung Quốc đã tăng 75% so với cùng kỳ, cao hơn so với tốc độ tăng giá dầu nhiên liệu (65%).

Được đánh giá sẽ hưởng lợi từ quá trình đẩy nhanh xu hướng chuyển đổi số doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế quý III của FPT (mã FPT) ước tính tăng 21% so với cùng kỳ lên 1.700 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế trong hai tháng 7 và 8 tăng 17%; tháng 9 dự kiến tăng 29% so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp. SSI Research cho rằng lĩnh vực công nghệ vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính của FPT cho giai đoạn còn lại của năm 2021.

Một doanh nghiệp dược phẩm được dự báo sẽ tăng trưởng dương là Traphaco (mã TRA) với lợi nhuận sau thuế quý III ước đạt 60 tỷ đồng, tăng 23%. Doanh số bán hàng đã giảm nhẹ trong nhưng vẫn duy trì ở mức cao do hầu hết các tỉnh ở miền Bắc đóng cửa ngắn hơn. Công ty cũng được hưởng lợi từ các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu phát sinh kể từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 như Andrographis Paniculate (giảm ho, giảm đờm), vitamin (tăng cường hệ miễn dịch), nước muối súc miệng...

Ngoài ra, các doanh nghiệp như MSN, NT2, QNS, STK, TNH và các ngân hàng gồm ACB, CTG, HDB, MBB, TCB, TPB, VCB, VPB cũng được SSI Research dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong quý III.

BÁN LẺ, HÀNG KHÔNG TĂNG TRƯỞNG ÂM, THẬM CHÍ LỖ

Mặt khác, ảnh hưởng nặng nề do giãn cách xã hội kéo dài tại các thành phố lớn khiến ngành hàng không, bán lẻ, F&B,... gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp có thể sẽ tăng trưởng lợi nhuân âm, thậm chí lỗ trong quý III.

SSI Research ước tính Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV)sẽ lỗ trong quý III/2021 do Việt Nam đang trải qua nhiều lệnh giãn cách xã hội. Do đó, hầu hết cảng hàng không không có hành khách trong khi công ty vẫn cần duy trì hoạt động tại tất cả các sân bay của mình.

Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) cũng được SSI Research dự báo lỗ ròng 140 tỷ đồng trong quý III. Doanh thu thuần ước giảm 71,2% so với cùng kỳ, đạt 1.130 tỷ đồng do các hạn chế về giãn cách xã hội kéo dài ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh thành khác ở miền Nam kể từ đầu tháng 7. PNJ đã đóng cửa 274 cửa hàng (82% tổng số cửa hàng), trong khi doanh thu bán hàng trực tuyến chỉ là chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế quý III của Thế Giới Di Động (mã MWG) ước tính sẽ giảm 25% so với cùng kỳ, đạt 709 tỷ đồng. Nguyên nhân do việc đóng cửa các cửa hàng Điện Máy Xanh/Thế Giới Di Động (khoảng 2.000 cửa hàng trong tháng 7 và tháng 8), và việc hạn chế dịch vụ giao hàng tận nhà tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Ngược lại, mảng hàng tiêu dùng bù đắp sự sụt giảm doanh thu do Bách Hóa Xanh được hưởng lợi từ việc dự trữ hàng tiêu dùng và việc đóng cửa chợ truyền thống.

Theo dự báo của SSI Research, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của Sabeco (mã SAB) trong quý III dự kiến lần lượt đạt 4.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 50% và 30% do các quy định giãn cách xã hội kéo dài ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh thành khác ở miền Nam kể từ đầu tháng 7. Tuy nhiên, SSI Research đánh giá tác động tiêu cực đến Heineken sẽ nhiều hơn và Sabeco có thể lấy lại được thị phần đã mất trước đó.

Trong khi đó, doanh số bán xe máy và ôtô đã lần lượt giảm 46% và 29% trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Hầu hết các mảng kinh doanh cốt lõi của VEAM Corp (mã VEA) và các công ty liên doanh đều sụt giảm sâu. SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế quý III của VEAM Corp sẽ đạt 977 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.

Khác với Traphaco, Imexpharm (mã IMP) là một trong những công ty dược phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vì cả hoạt động sản xuất và phân phối đều bị gián đoạn trong quá trình thực thi Chỉ thị 16, chưa kể đến các yêu cầu của Chính phủ về thực hiện quy định "3 tại chỗ" tại một số tỉnh thành phía Nam. Lợi nhuận sau thuế quý III dự kiến sẽ giảm khoảng 15% so với cùng kỳ, xuống 47 tỷ đồng.

Ngoài ra, SSI Research còn dự báo các doanh nghiệp gồm GAS, PVS, DBC, PPC, VIB cũng sẽ tăng trưởng âm trong quý III/2021.