Nới rộng biên giao dịch vàng: Người mua bán vàng dễ bị thua thiệt

Theo Báo Công an Nhân dân

“Với việc nới rộng biên độ mua bán của SJC, rõ ràng người dân khi tham gia vào thị trường sẽ bị thiệt hại vì họ sẽ phải mua vào giá cao, trong khi muốn bán ra lại phải chịu giá thấp" - Ông Đinh Nho Bảng, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhấn mạnh.

Nới rộng biên giao dịch vàng: Người mua bán vàng dễ bị thua thiệt
Việc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nới rộng biên độ mua bán vàng lên gấp 4, gấp 5 lần so với trước đó, khiến người mua sẽ phải chịu giá cao

10 ngày sau khi thị trường kinh doanh vàng miếng đi vào khuôn khổ, thị trường xuất hiện hiện tượng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nới rộng biên độ mua bán vàng lên gấp 4 gấp 5 lần so với trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc người dân có nhu cầu mua vàng sẽ phải chịu giá cao, trong khi doanh nghiệp (DN) bán vàng được lãi; ngược lại, người dân bán vàng sẽ chịu giá rẻ - khoản lợi nhuận này lại sẽ chui vào túi DN.

Vàng bán ra cao hơn mua vào 500.000 đồng/lượng

Sau thời điểm áp dụng biện pháp siết chặt kinh doanh vàng miếng có hiệu lực, giá vàng trong nước mấy ngày đầu đã đi theo xu hướng giảm, dù giá thế giới đứng yên, khiến cho khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được kéo lại gần, từ mức chênh 5 triệu đồng/lượng xuống còn chưa đầy 3 triệu đồng/lượng. Theo biểu đồ giá vàng của Công ty SJC, giá vàng do đơn vị này niêm yết có lúc đã xuống thấp nhất từ đầu tháng 9 tới nay, tức là thấp nhất trong gần 4 tháng rưỡi. Tuy nhiên, giá kim loại này đã nhanh chóng đảo chiều đi lên theo giá thế giới và khoảng cách chênh lệch với giá thế giới cũng theo đó tăng lên trên hơn 3 triệu đồng/lượng.

Song, thị trường không chỉ biến động giữa giá trong nước và giá thế giới, mà ngay cả biên độ mua vào - bán ra của các DN cũng bị phân hóa mạnh. Cụ thể, chỉ 4 ngày sau khi thực hiện mua bán vàng có điều kiện, độ vênh giá niêm yết mua và bán tại SJC tăng vọt lên 500.000 đồng/lượng. Đây cũng là biên độ phổ biến tại hầu hết các DN kinh doanh vàng miếng thời điểm đó. Đến thời điểm này, biên độ mua bán này có co hẹp hơn 1 chút, chênh khoảng 300.000 đồng/lượng với SJC Sài Gòn và hơn 200.000 đồng/lượng với SJC Hà Nội và SJC tự do. Cụ thể, SJC TP Hồ Chí Minh mua bán ở mức 45,40-45,70 triệu đồng/lượng. Doji và SJC tự do mua vào ở mức 45,48-45,50 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 45,68 triệu đồng/lượng. Thực ra, đây không phải là lần đầu và cũng không là sự kiện lạ khi DN nới biên độ mua bán vàng.

Trước đó, cách thời điểm siết kinh doanh vàng miếng 2 tuần, biên độ mua bán vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC vọt lên mức 800.000 đồng mỗi lượng. Thông thường, DN nới rộng khoảng cách giữa mua và bán khi thị trường có biến động mạnh nhằm hạn chế rủi ro. Chính Chủ tịch Tập đoàn Doji, ông Đỗ Minh Phú cũng cho rằng biên độ mua bán vàng hợp lý chỉ nên là từ 70.000 -100.000 đồng/lượng.

Cùng với đó, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới càng gần nhau thì người tiêu dùng càng được lợi. “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nghị quyết của Chính phủ, làm giá vàng trong nước sát giá thế giới. Dù không phải là vấn đề liên thông, nhưng việc thu hẹp khoảng cách từ 4 triệu còn hơn 2 triệu đồng là vấn đề đáng quan tâm, vì độ vênh này càng gần nhau, người tiêu dùng càng được hưởng lợi”, ông Phú khẳng định.

Người có nhu cầu mua bán vàng chịu thiệt

Theo ông Đỗ Minh Phú, giá vàng là vấn đề phức tạp, vì giá vàng trong nước chịu tác động nhiều yếu tố, đặc biệt sự lệch pha giá vàng thế giới và Việt Nam. Việc lệch pha này tác động, ảnh hưởng không chỉ phiên giao dịch đó mà cả ngày hôm sau. Do đó, liên thông giá vàng là một thách thức cho cơ quan quản lý. “Tôi tin tưởng, một khi đã theo cơ chế thị trường, NHNN sẽ chọn một giải pháp phù hợp. Hiện có nhiều ý kiến, kịch bản, đề xuất với NHNN. Chúng tôi cho rằng sẽ có hai khuynh hướng: 1 là áp đặt giá mua, giá bán cho toàn thị trường; 2 là đặt ra khung giá sàn, giá trần, trong khoảng đó, DN tùy theo thực tế, theo khả năng của mình để tham gia. Tôi ủng hộ phưong án thứ hai”, ông Phú nêu ý kiến.

Từ phía NHNN, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối cho rằng vì quy định mua bán vàng miếng có điều kiện mới được thực hiện, nên phải có thời gian để cơ quan quản lý triển khai các bước tiếp theo. Hiện NHNN đang có nhiều phương án để tham gia vào thị trường vàng, nhưng vẫn chưa “chốt” phương án nào cả, nên sẽ phải đợi trong khoảng chục ngày nữa. Có khả năng là sẽ lập Quỹ dự trữ vàng quốc gia để bình ổn giá vàng. 

Ông Đinh Nho Bảng, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng theo quy luật, thị trường vàng Việt Nam sẽ được định giá theo thế giới và theo quy luật cung cầu thị trường. Tất nhiên giá vàng phải do chính người có vàng quyết định để đảm bảo việc mua bán mang lại lợi nhuận.

“Với việc nới rộng biên độ mua bán của SJC, rõ ràng người dân khi tham gia vào thị trường sẽ bị thiệt hại vì họ sẽ phải mua vào giá cao, trong khi muốn bán ra lại phải chịu giá thấp. Còn phía DN, việc giãn khoảng cách mua bán khiến cho lượng khách hàng đến giao dịch ít hơn cũng sẽ không làm ảnh hưởng gì đến doanh thu, vì nếu như trước đây, họ phải bán 10 lượng vàng mới có được một khoản lợi nhuận nhất định, thì đến nay, họ chỉ cần bán 1 lượng vàng, là đã có khoản lãi tương đương” ông Bảng chia sẻ.