Nới room ngoại có thể giúp Việt Nam nâng hạng thị trường

Hoa Sơn

Việc nới room không chỉ đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp phù hợp với quy định về sở hữu nước ngoài tại các điều ước quốc tế, pháp luật chuyên ngành và chủ trương thu hút dòng vốn nước ngoài của Chính phủ, mà còn tăng tính minh bạch cho thị trường và đặc biệt sẽ góp phần đẩy nhanh việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán có điều khoản quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với công ty đại chúng.

Quy định này góp phần đảm bảo nguyên tắc xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo cam kết quốc tế và pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, Nghị định 60/2015/NĐ-CP cũng cho phép công ty đại chúng quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức quy định tại điều ước quốc tế hoặc pháp luật chuyên ngành và phải được cụ thể hóa tại điều lệ công ty, qua đó đảm bảo nguyên tắc cẩn trọng trong lộ trình mở đối với từng lĩnh vực ngành, nghề đặc thù liên quan đến an ninh an toàn quốc gia.

Tuy nhiên, thực tễ cho thấy, một số công ty đại chúng đã thực hiện thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức quy định, thậm chí có trường hợp nghị quyết đại hội cổ đông đã thống nhất giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài về mức 0%. Điều này đã làm ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Đặc biệt, tình trạng này cũng cản trở tiến trình nâng hạng thị trường của Việt Nam.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc trên, tại Dự thảo Nghị định quy định chi thiết một số điều Luật Chứng khoán sửa đổi mới đây không còn quy định cho phép công ty đại chúng được quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài của doanh nghiệp. Theo bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Dự thảo nghị định lần này vẫn tiếp tục kế thừa các quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP về nguyên tắc xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng theo cam kết quốc tế và pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, điểm mới là việc bỏ quy định cho phép đại hội cổ đông quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài như trước đây, qua đó giúp đảm bảo được quyền của các cổ đông nước ngoài, tăng tính minh bạch của thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty đại chúng, giúp các nhà đầu tư nước ngoài chủ động chiến lược đầu tư, do đó tác động tích cực đến tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán.

Với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2 đến 3 năm tới, một số công ty chứng khoán ước tính Việt Nam có thể hút dòng vốn ngoại lên tới 1,4 tỷ USD đến 1,9 tỷ USD nhờ được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Nhiều chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng, Dự thảo Nghị định này lần này sẽ góp phần giải quyết nút thắt về vấn đề room ngoại trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Theo chuyên gia chứng khoán Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, luật hiện hành quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty đại chúng tham gia các ngành kinh doanh không có điều kiện ở mức 49%, nhưng tỷ lệ này có thể được nới lỏng lên mức 100% sau khi được đại hội cổ đông thông qua và trình lên cơ quan quản lý phê duyệt. Dự thảo quy định mới đã giải quyết nút thắt này bằng cách tự động áp dụng sở hữu nước ngoài 100% cho các công ty đại chúng, trừ khi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật chuyên ngành có các quy định cụ thể thấp hơn. Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn có giới hạn chặt chẽ hơn, ví dụ: ngành ngân hàng có sở hữu nước ngoài ở mức 30%.

Chuyên gia Đinh Quang Hinh cũng dự báo trong kịch bản lạc quan, nếu các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi kịp có hiệu lực trong nửa đầu năm 2021, cùng với việc hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2021. Sau đó, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá lại thị trường thường niên của MSCI vào tháng 5/2022, và việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực một năm sau đó vào tháng 6/2023.

Hiện nay, Morgan Stanley Capital International (MSCI) vẫn duy trì xếp hạng thị trường cận biên đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong đợt đánh giá phân loại thị trường hàng năm vào tháng 5/2020, và Việt Nam không được thêm vào danh sách theo dõi được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Dù hiện Việt Nam đã đáp ứng tất các tiêu chí định lượng, nhưng lại chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí định tính, như độ mở của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế, trong đó thể hiện chủ yếu qua giới hạn sở hữu nước ngoài...

Mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect cũng đã có Báo cáo đánh giá triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi (Emerging Markets). Theo VNDirect, hiện nay, tỷ trọng thị trường Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index là 17,22%, lớn thứ 2 trong rổ chỉ số và chỉ xếp sau thị trường Kuwait (36,53%). Theo ước tính của MSCI, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index sẽ tăng lên 25,2% và số lượng cổ phiếu lên con số 16 khi Kuwait được nâng hạng thị trường Emerging Markets.

Các cổ phiếu Việt Nam hiện đang có trong danh mục của MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index sẽ được các quỹ ngoại theo dõi các chỉ số thị trường cận biên mua ròng sau khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn đang chiếm tỷ trọng cao như VNM, VIC, VHM, MSN, VRE, HPG và VCB. Theo VNDirect, điều này có thể giúp hàng trăm triệu USD đổ vào thị trường Việt Nam, quy mô của dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể còn lớn hơn, lên đến 200-210 triệu USD nếu tính thêm đóng góp từ các quỹ chủ động.

Với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2 đến 3 năm tới, một số công ty chứng khoán ước tính Việt Nam có thể hút dòng vốn ngoại lên tới 1,4 tỷ USD đến 1,9 tỷ USD nhờ được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong đó, khoảng 779 triệu USD đến 1.039 triệu USD sẽ đến từ các quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và chỉ số thị trường mới nổi của FTSE; và 670 triệu đến 891 triệu USD từ các quỹ đầu tư chủ động đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các thị trường mới nổi.