Nới room sở hữu ngân hàng đối với nhà đầu tư ngoại: Nỗi lo thao túng

Theo Báo Đầu tư

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra chưa hài lòng khi Dự thảo Nghị định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn còn dè dặt nới room.

Nới room sở hữu ngân hàng đối với nhà đầu tư ngoại: Nỗi lo thao túng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Dè dặt nới room

So với quy định hiện hành, Dự thảo Nghị định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các tổ chức tín dụng có nhiều điểm mới, như nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lên 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam (tỷ lệ này hiện nay là 15%), bỏ quy định nợ xấu dưới 3% mới được bán cổ phần cho đối tác nước ngoài…

Việc nới room cổ phần cho khối ngoại đã được các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất từ lâu. Theo ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered, việc cho phép tăng sở hữu của ngân hàng nước ngoài tại các ngân hàng trong nước là cách nhanh nhất để gia tăng dòng vốn mới vào hệ thống ngân hàng. “Đây cũng là cách nhanh nhất để áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro với các ngân hàng trong nước”, ông Louis Taylor nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc xem xét nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998, bằng việc nới room cho đối tác nước ngoài, Indonesia và Hàn Quốc đã đưa hệ thống ngân hàng thoát khỏi khủng hoảng và phát triển ổn định đến nay.

Tuy nhiên, việc nới room từ mức 15% lên 20% như Dự thảo và chỉ nới mạnh room với các ngân hàng yếu kém, theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, là chưa đủ mạnh để hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài.

“Tôi không nghĩ rằng, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu. Các ngân hàng này không có hệ thống chi nhánh ở các vị trí đắc địa, cơ sở khách hàng yếu và thiếu các sản phẩm cạnh tranh. Vì vậy, các ngân hàng này không có nhiều giá trị thương hiệu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Louis Taylor phát biểu.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phạm Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC cho rằng, tỷ lệ sở hữu phải nới ở mức trên 30% mới thực sự khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức cuối năm 2012, nhóm các ngân hàng nước ngoài khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên nâng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài lên 51 - 65%. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết, họ chỉ quan tâm mua lại ngân hàng yếu nếu được mua 100% cổ phần, bởi như vậy, họ mới có thể thay đổi toàn bộ cách quản trị của ngân hàng đó.

Lo bị thao túng

Theo một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước, tăng room sở hữu cổ phần của ngân hàng nước ngoài là giải pháp tốt để hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng nếu không thận trọng, quyền lợi của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, hệ thống ngân hàng có thể bị thâu tóm, khi các ngân hàng ngoại bắt tay nhau thao túng thị trường.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng từng khuyến cáo, nền kinh tế nước ta đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhất, đồng nghĩa với việc cổ phiếu ngân hàng bị định giá rất thấp. Vì vậy, với việc nới room, không loại trừ khả năng các ngân hàng ngoại sẽ ồ ạt mua lại ngân hàng trong nước. Rồi khi nền kinh tế hồi phục, hệ thống ngân hàng đã nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, thì doanh nghiệp trong nước có tiền cũng không thể mua lại.

Trên thực tế, dù cho rằng, tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng của Việt Nam không hấp dẫn, song nhiều nhà đầu tư nước ngoài thừa nhận, thị trường Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ đối với các nhà đầu tư ngoại.

Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định: “Tỷ lệ những người có tài khoản tại ngân hàng ở Việt Nam chỉ 12 - 15%, đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất trong khu vực. Điều này cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là rất lớn”.

Dù vậy, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, để thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng, nếu không nới room sở hữu cổ phần hơn nữa, thì Việt Nam phải rất nỗ lực thay đổi quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Chỉ khi đó, các nhà đầu tư mới dám mạnh dạn bỏ vốn vào các ngân hàng mà mình không được toàn quyền quyết định.