Nới room tín dụng vẫn bị hạn chế

Theo Đầu tư Chứng khoán

Mới đây, Techcombank chính thức thông báo đã được chấp thuận nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Sau Techcombank, liệu các ngân hàng có được cởi room tín dụng đồng loạt như trong các năm trước?

 Nhu cầu vốn vay tăng cao trong các tháng cuối năm .
Nhu cầu vốn vay tăng cao trong các tháng cuối năm .

Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư diễn ra vào tuần trước, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, với các doanh nghiệp Việt Nam, dòng tiền thường cần nhất vào hai quý cuối năm, còn trong 2 quý đầu năm hầu hết là giai đoạn trả nợ. Do vậy, các ngân hàng cũng thường tập trung giải ngân cho vay trong 2 quý cuối năm.

Theo ông Quốc Anh, đến cuối tháng 9 vừa qua, Techcombank tăng trưởng tín dụng gần đến hạn mức 14% và ngân hàng khá “căng thẳng” khi nhu cầu giải ngân tăng cao.

“Những người bên tài chính “nín thở” bởi không được giải ngân quá con số Ngân hàng Nhà nước cho phép, phải đợi dòng tiền về mới được giải ngân. Trong khi đó, khối bán buôn và bán lẻ mỗi ngày đều gọi chỉ để hỏi: Có giải ngân được hay không?”, ông Quốc Anh chia sẻ.

Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho các ngân hàng chỉ là 14%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chung của toàn ngành là 17% và đến tháng 6/2018, nhiều ngân hàng đã dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm.

Thậm chí, trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã vượt room tín dụng được giao như TPBank đã tăng ở mức trên 16%, hay LienVietPostBank tăng trưởng tín dụng 13% trong 6 tháng do mở rộng mạng lưới và tăng vốn... Vì vậy, các ngân hàng xin nới room tín dụng trong những tháng cuối năm là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới có Techcombank chính thức thông báo đã được NHNN chấp thuận nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Với câu hỏi ngân hàng mình đã được nới room tăng trưởng tín dụng chưa, lãnh đạo cao cấp của LienVietPostBank, VIB, OCB, NCB cho biết, vẫn chưa có thông tin chính thức của NHNN, dù các ngân hàng đều có kiến nghị xin nới room.

Theo báo cáo của NHNN trước Quốc hội, tính đến đầu tháng 10, tín dụng của hệ thống ngân hàng ở tăng trưởng 9,89% so với cuối năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ là 11,73%. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, dư nợ tín dụng đối với kinh doanh bất động sản cho đến cuối tháng 8/2018 tăng 5,2% so với cuối năm 2017.

Tốc độ này được người đứng đầu NHNN cho biết là thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành và tín dụng cho kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 7,4%. Cùng kỳ năm 2017, cho vay bất động sản tăng 9,79% và chiếm tỷ trọng khoảng 6,7%.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tăng khoảng 6,5% so với năm 2017 và chiếm tỷ trọng 1,6% tổng tín dụng toàn ngành. Cùng kỳ năm 2017, dư nợ cho vay với lĩnh vực này tăng khoảng 9% và chiếm tỷ lệ 1,57%. Dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán tăng 1,7% so với năm 2017 và chỉ chiếm tỷ trọng 0,36%.

“NHNN đã thực hiện rất nhất quán và kiên định chỉ đạo của Chính phủ và của Quốc hội, kiểm soát rất chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tăng hệ số tỷ lệ an toàn đối với các khoản cho vay bất động sản cũng như kiểm soát chặt chẽ dư nợ và tiến hành tập trung thanh tra để cảnh báo các tổ chức tín dụng còn tiềm ẩn rủi ro này”, Thống đốc nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đạt trên 11% và dự báo đến cuối năm, tỷ lệ này sẽ thấp hơn mục tiêu đầu năm đề ra từ 1 - 2%.

Tuy nhiên, cơ quan này không chịu bất kỳ một sức ép nào trong việc phải điều chỉnh room tăng trưởng tín dụng. Lý do là thị trường ổn định, lạm phát vẫn được kiểm soát, kinh tế vĩ mô thuận lợi, thanh khoản của hệ thống được đảm bảo, tín dụng bình quân các tháng tương đối đều đặn, hiệu quả, thực chất…

“Tinh thần là vẫn hạn chế nới room tăng trưởng tín dụng và việc nới room chủ yếu dành cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu Quỹ tín dụng nhân dân”, vị lãnh đạo thông tin.

Được biết, từ tháng 8/2018, tại Chỉ thị 04/CT-NHNN, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. Theo đó, NHNN đã thông báo không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém…