Ổn định tỷ giá - một kết quả nổi bật

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Một trong những kết quả nổi bật trong công tác điều hành kinh tế thời gian qua là sự ổn định của tỷ giá. Việc ổn định tỷ giá VND/USD đã có nhiều tác động tích cực, mà rõ nhất là góp phần kiềm chế lạm phát, cải thiện cán cân thanh toán.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê về tốc độ tăng giá USD bình quân/năm (năm trước bằng 100) qua một số năm gần đây và bình quân 8 tháng 2013, cho biết giá USD tăng khá cao trong thời kỳ 2008-2011 (bình quân tăng 6,91%/năm), đã chậm lại khá nhanh và ở mức thấp trong năm 2012 (so với tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân 9,21%); trong 8 tháng 2013, mặc dù đã 3 lần “nổi sóng” nhẹ, làm cho giá USD tháng 8/2013 so với tháng 12/2012 tăng 1,59%.

Mặc dù chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước so với giá vàng trên thế giới ở mức khá cao, nhưng bình quân 8 tháng năm nay so với cùng kỳ năm 2012, giá USD vẫn tăng tương đối thấp so với giá tiêu dùng (bình quân tăng 0,43% so với bình quân tăng 6,9%).

Sự ổn định của giá USD do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do nhập siêu đã giảm xuống (từ trên 18 tỷ USD năm 2008 xuống 9,8 tỷ USD năm 2011); năm 2012, lần đầu tiên trong 20 năm đã xuất siêu 0,78 tỷ USD và ước 8 tháng 2013 chỉ nhập siêu dưới 0,6 tỷ USD. Lượng ngoại tệ từ các nguồn vào Việt Nam đã tăng khá. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục từ 2008 đến nay đạt trên dưới 11 tỷ  USD/năm, ước 8 tháng 2013 đạt 7,56 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ 2009 - 2012 thực hiện đạt trên dưới 3,6 tỷ USD/năm; 8 tháng năm 2013 đạt 2,74 tỷ USD, tăng 8,68%. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) trong 6 tháng năm 2013 vào thị trường chứng khoán ước đạt 404 triệu USD, cao gấp 8 lần cùng kỳ năm trước. Lượng kiều hối gửi về Việt Nam liên tục tăng lên từ 2010 và đến năm 2012 đạt khoảng 10,5 tỷ USD, khả năng năm 2013 có thể còn đạt cao hơn. Lượng ngoại tệ do khách quốc tế chi tiêu tại Việt Nam liên tục tăng lên trong các năm, đạt kỷ lục 6,83 tỷ USD vào năm 2012; 8 tháng 2013 sẽ tăng lên vì lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Có nguyên nhân quan trọng do lạm phát được kiềm chế từ năm ngoái đến năm nay. CPI tháng 12/2012 so với tháng 12/2011 chỉ còn tăng 6,81%; CPI tháng 8/2013 so với tháng 12/2012 chỉ còn tăng 3,53%, thấp hơn so với CPI cùng kỳ nhiều năm trước. Có nguyên nhân do lãi suất gửi tiết kiệm bằng VND tuy đã giảm nhanh trong thời gian qua, nhưng vẫn còn chênh lệch lớn so với lãi suất tiền gửi bằng USD. Có nguyên nhân do việc điều hành của Nhà nước trong việc kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; mặc dù thực tế thị trường có mấy lần tạo sóng và trước tin đồn, rồi kiến nghị phá giá đồng nội tệ, nhưng Chính phủ vẫn giữ quan điểm ổn định, linh hoạt trong điều hành tỷ giá.

Việc ổn định tỷ giá VND/USD đã có nhiều tác động tích cực. Tác động rõ nhất là góp phần kiềm chế lạm phát về hai mặt. Một mặt, có tác động kiềm chế sự tăng lên của chi phí đẩy, nhất là đối với hàng nhập khẩu- một trong những yếu tố quan trọng của lạm phát. Mặt khác, giảm thiểu tác động của tâm lý kỳ vọng lạm phát, nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia, mà tâm lý, lòng tin tuy không phải là yếu tố kinh tế trực tiếp như các yếu tố về kinh tế, nhưng trong nhiều trường hợp tác động còn lớn hơn cả các yếu tố về kinh tế.

Một tác động khác rất quan trọng là góp phần cải thiện cán cân thanh toán, giảm việc găm giữ ngoại tệ, giảm tình trạng “đô - la  hoá” nền kinh tế, thông qua việc mua vào ngoại tệ trên thị trường, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm sự an toàn của nền tài chính quốc gia.

Việc ổn định tỷ giá VND/USD còn có tác động quan trọng góp phần không làm tăng nợ và tăng trả nợ nước ngoài khi tính bằng VND. Ngoài ra, sự ổn định của tỷ giá cũng là một trong những yếu tố góp phần làm cho GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế đã tăng nhanh trong mấy năm nay (nếu năm 2010 đạt 1.273 USD, năm 2011 đã tăng lên 1.517 USD, năm 2012 đã tăng lên 1.749 USD và khả năng 2013 có thể đạt 1.900 USD).

Mặc dù tỷ giá ổn định, nhưng vẫn chưa thể chủ quan, lơ là. Tuy tính bình quân 8 tháng năm nay so với cùng kỳ năm 2012 thì tỷ giá VND/USD mới tăng 0,43%, nhưng nếu so tháng 8/2013 với tháng 12/2012 tỷ giá VND/USD đã tăng 1,59%, còn nếu so tháng 8/2013 với tháng 8/2012 đã tăng 1,63%. Từ đầu năm đến nay, giá USD đã có tới 3 lần “nổi sóng” với mức độ khác nhau làm cho chênh lệch giữa thị trường chính thức và thị trường tự do tăng lên.

Trong thời gian qua, bên cạnh tác động của thị trường, nhất là yếu tố tâm lý, yếu tố tạo sóng của các nhà đầu cơ, còn có tình trạng một số tổ chức tín dụng do dư tiền đồng, không đẩy được tín dụng cho sản xuất kinh doanh, đã chuyển sang đầu tư mua ngoại tệ, cũng tạo nên sóng trên thị trường ngoại tệ.

Việc cung ứng vàng qua đấu thấu để giúp cho các tổ chức tín dụng tất toán trạng thái vàng để tăng cung cho thị trường nhằm ổn định thị trường vàng, ổn định tỷ giá cũng tương đương với một lượng ngoại tệ không nhỏ. Việc nhập siêu có thể gia tăng, khi nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước tăng làm cho nhập khẩu tăng về lượng (trong khi 8 tháng 2013 so với cùng kỳ năm trước, lượng xăng dầu nhập khẩu giảm tới 24,9%, lượng lúa mì giảm tới 44,7%...); khi giá nhập khẩu tăng. Đồng USD trên thị trường thế giới tăng giá và một số nước đã giảm giá đồng nội tệ của họ, nhất là Ấn Độ, Nhật Bản.