Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam: Một vài trao đổi

ThS. Chu Thị Lê Dung

Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán tại Việt Nam là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam, từ năm 2016 sẽ bắt đầu triển khai giao dịch chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai dựa trên các chứng khoán cơ sở là chỉ số chứng khoán và trái phiếu chính phủ.

Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về vận hành thị trường chứng khoán phái sinh. Nguồn: Internet.
Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về vận hành thị trường chứng khoán phái sinh. Nguồn: Internet.

Vài nét về chứng khoán phái sinh

Jonh C. Hull (2003) đã nêu ra rằng, chứng khoán phái sinh (CKPS) là một công cụ tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào giá trị biến động của tài sản cơ sở. Tài sản cơ sở bao gồm hàng hóa thông thường, cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số chứng khoán, lãi suất hoặc tỷ giá. Sản phẩm CKPS bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau nhưng tập trung 4 nhóm sản phẩm chính: Hợp đồng kỳ hạn; Hợp đồng tương lai; Hợp đồng quyền chọn và Hợp đồng hoán đổi.

Hợp đồng kỳ hạn là sản phẩm CKPS cơ bản nhất. Hợp đồng kỳ hạn là CKPS giao dịch thỏa thuận, xác nhận cam kết mua hoặc bán một số lượng tài sản cơ sở nhất định theo một mức giá đã được xác định vào một ngày đã được ấn định trước trong tương lai.

Hợp đồng quyền chọn là một dạng hợp đồng giữa bên mua và bên bán, trong đó bên mua có quyền mà không có nghĩa vụ thực hiện quyền đã thỏa thuận. Hợp đồng hoán đổi là cam kết hợp đồng giữa hai bên trao đổi một chuỗi các dòng tiền trong tương lai. Các tài sản cơ sở hoán đổi bao gồm, lãi suất, tiền tệ, rủi ro tín dụng, cổ phiếu, hàng hóa cơ bản, bất động sản.

Hợp đồng tương lai được xem là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa vì các điều khoản, điều kiện trong hợp đồng được tạo ra và chuẩn hóa bởi Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK).

Theo Nghị định 42/2015/NĐ-CP, hợp đồng tương lai là CKPS niêm yết, trong đó xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong số các giao dịch sau: Mua hoặc bán một số lượng tài sản cơ sở nhất định tại một mức giá xác định vào một ngày đã được ấn định trước trong tương lai; Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã xác định trước tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại một ngày được ấn định trước trong tương lai.

Hợp đồng tương lai trên chỉ số đầu tiên ra đời ngày 24/2/1982, khi sở giao dịch Kansas tại Mỹ đưa ra hợp đồng tương lai trên chỉ số Value Line. Ngày 21/4/2982 Sở giao dịch Chicago đưa ra hợp đồng tương lai trên chỉ số S&P 500, đến năm 1986 hợp đồng tương lai này trở thành sản phẩm phái sinh có khối lượng giao dịch và giá trị lớn nhất thế giới. Những năm tiếp theo hợp đồng tương lai trên chỉ số bắt đầu hoạt động tại các thị trường tài chính lớn như: Australia, Nhật, Canada, Anh, Hong Kong và Singapore…

Trong đề án xây dựng và phát triển thị trường CKPS Việt Nam, trong giai đoạn đầu phát triển thị trường (2016-2020), các CKPS được phép giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán là các hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số thị trường chứng khoán và trái phiếu chính phủ.

Đây là những sản phẩm cơ sở có khả năng phát triển sản phẩm CKPS ban đầu tốt nhất. Thống kê trên thế giới cũng cho thấy hợp đồng tương lai trên chỉ số luôn là sản phẩm đặt nền móng cho việc xây dựng thị trường CKPS.

Hợp đồng tương lai là một sản phẩm ưa thích của nhà đầu tư với mục đích:

- Phòng hộ rủi ro: Nhà đầu tư có thể phòng ngừa rủi ro biến động về giá của tài sản cơ sở, khi sử dụng hợp đồng tương lai ở vị thế mua hoặc bán ở một mức giá đã xác định trước.

- Đầu cơ: Nhà đầu tư có thể kiếm lời với giá trị lớn dựa trên một khoản ký quỹ với giá trị nhỏ ban đầu.

- Tìm kiếm cơ hội từ chênh lệch giá: Giá của hợp đồng tương lai và giá của tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai thường biến động giống nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp giá của hai hợp đồng này có thể biến động khác nhau, nhà đầu tư có thể kiếm lời thông qua sự chênh lệch giá.

Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh chỉ số

Nguyên tắc phát triển CKPS ở Việt Nam là Nhà nước quản lý và giao dịch qua Sở Giao dịch Chứng khoán. Mô hình thị trường bao gồm các thành phần tham gia là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) (vận hành thị trường), ngân hàng thanh toán, đơn vị trung gian (thành viên giao dịch, thành viên bù trừ, nhà tạo lập thị trường) và các nhà đầu tư (doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư). HNX chịu trách nhiệm xây dựng và lựa chọn các sản phẩm để niêm yết và tổ chức giao dịch, cơ quan có thẩm quyền cấp phép; VSD sẽ thực hiện chức năng bù trừ và thanh toán theo cơ chế đối tác trung tâm – tức VSD sẽ là đối tác của tất cả các bên tham gia giao dịch để thực hiện việc bảo đảm thanh toán.

Để thị trường CKPS sớm đi vào hoạt động, cần tập trung một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật khuôn khổ pháp lý về CKPS và thị trường CKPS.

Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về vận hành thị trường CKPS trên cơ sở Nghị định 42/2015/NĐ- CP và Thông tư 11/2016/TT-BTC quy định rõ các điều kiện liên quan đến sản phẩm CKPS; các hoạt động giao dịch và thanh toán bù trừ cũng như điều kiện để được kinh doanh, cung cấp dịch vụ CKPS; hoạt động của từng thành viên giao dịch, thành viên tạo lập thị trường, thành viên bù trừ, trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán.

Bên cạnh đó, cần có các quy định về chế độ kế toán công cụ phái sinh, chế độ thuế, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động của thị trường CKPS, cần ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết và cụ thể về hoạt động của từng thành viên và có cơ chế kiểm tra giám sát sự vận hành thị trường CKPS để tránh những hành vi sai phạm, lũng đoạn thị trường.

Thứ hai, thúc đẩy học tập kinh nghiệm quốc tế.

CKPS và thị trường CKPS là lĩnh vực hoàn toàn mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn vận hành thị trường này, trong khi các quốc gia trong khu vực và thế giới đã hình thành khá lâu. Vì vậy, công tác xây dựng năng lực tổ chức thị trường CKPS cần được nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam trong việc thiết lập quản lý và vận hành thị trường. Do đó, cùng với công tác xây dựng khung pháp lý, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần tích cực thúc đẩy học tập kinh nghiệp quốc tế, tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước.

Thứ ba, chuẩn bị hệ thống hạ tầng công nghệ cho thị trường CKPS.

Hạ tầng công nghệ đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của việc vận hành thị trường CKPS, đặc biệt là hệ thống thanh toán đối tác bù trừ trung tâm. Trong tháng 3/2016, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu mô hình và kế hoạch phát triển hệ thống giao dịch và thanh toán bù trừ CKPS tới các thành viên thị trường. Tháng 4/2016, HNX đã công bố tài liệu đặc tả giao thức trao đổi thông tin qua giao thức FIX kết nối trên thị trường CKPS tới các công ty chứng khoán, NHTM tham gia thị trường.

Thứ tư, phát triển quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài.

Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới. So với giá trị vốn hóa toàn thế giới, thị trường Việt Nam chỉ tương đương 0,07% (khoảng 50 tỷ USD so với 69 nghìn tỷ USD). Quy mô thị trường vốn so với nền kinh tế của Việt Nam cũng nằm trong nhóm thấp nhất, với tỷ số thị trường vốn so với GDP đạt tỷ lệ 34,5% trong năm 2015.

Trong khi đó, tại nhiều nước trong khu vực, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều (Philippines là 72%, Malaysia là 98%, Thái Lan 84%, Nhật Bản là 108%, Hàn Quốc là 85%, thậm chí tại Singapore tỷ lệ này lên tới trên 203%). Đối với một thị trường chứng khoán có quy mô còn nhỏ bé và mức độ tham gia của các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn khá khiêm tốn, việc thu hút được các nhà đầu tư tham gia trong giai đoạn đầu sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của thị trường CKPS.

Thứ năm, triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giáo dục.

Thị trường CKPS chỉ có thể thành công, nếu cơ quan quản lý thị trường tài chính có được sự chuẩn bị đầy đủ và hiệu quả, nhất là về mặt kiến thức và kinh nghiệm cho các thành viên thị trường.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần phối hợp với các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mở các khóa đào tạo bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho các nhân viên công ty chứng khoán. Đồng thời, mở các khóa phổ cập kiến thức về CKPS cho đông đảo công chúng đầu tư, tuyên truyền rộng rãi, phổ biến pháp luật và mô hình dự kiến triển khai tới nhà đầu tư để các cá nhân và tổ chức có thể nắm bắt tiếp cận thị trường nhanh chóng và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định 42/2015/NĐ-CP ngày 5/5/2015 của Chính phủ;

2. Thông tư 11/2016/TT-BTC ngày 19//1/2016 của Bộ Tài chính;

3. Hull, J( 2003) Fundamental of Futures and Options Markets, Forth Edition.