Phát triển thị trường trái phiếu: Giảm áp lực cho ngân sách nhà nước

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) 835.267 tỷ đồng là tổng dư nợ của thị trường trái phiếu (TTTP) tính đến cuối tháng 8/2014. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những diễn biến thuận lợi trên cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp đã khiến TTTP trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Trái phiếu có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn: hanoimoi.com.vn
Trái phiếu có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn: hanoimoi.com.vn
Chính vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống thành viên đấu thầu, tăng tính thanh khoản, tăng cường phát hành trái phiếu kỳ hạn dài và điều hành linh hoạt lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) sẽ là những biện pháp cần thiết hỗ trợ thị trường phát triển.
 
Tăng tính thanh khoản

Thống kê của Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho thấy, sau 5 năm đi vào hoạt động (từ 2009 đến nay), TPCP đã liên tục phát triển và trở thành kênh huy động vốn đắc lực cho nền kinh tế. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính cho biết), tính từ đầu năm đến nay, khối lượng trái phiếu phát hành bao gồm cả TPCP và trái phiếu DN đã đạt 229.282 tỷ đồng. Dư nợ của TTTP thời điểm cuối tháng 8 là 835.267 tỷ đồng.

Tại thị trường TPCP, tính đến cuối tháng 8, Kho bạc Nhà nước đã phát hành được 192.773 tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất trên thị trường đã giảm từ 1,74 đến 2,1% đối với các kỳ hạn dưới 10 năm trong năm 2013. Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản tiếp tục ổn định, khối lượng giao dịch tăng cao trong những tháng qua, bình quân là 2.375 tỷ đồng/ngày trong 8 tháng đầu năm. 

Đại diện Viện nghiên cứu Nomura (Nhật Bản), đối tác hỗ trợ tích cực cho các cơ quan quản lý Việt Nam trong việc phát triển thị trường vốn cho biết, khi Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cấp vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ Kỹ thuật - Tài chính ASEAN - Nhật Bản thì TTTP Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Nhiều TPCP được phát hành một cách tự phát, thiếu tổ chức thông qua bảo lãnh phát hành chứ chưa có hình thức đấu thầu. Nhưng trong vòng 10 năm qua, TTTP tại các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam đã phát triển đầy ấn tượng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, TTTP cũng còn tồn tại một số hạn chế. Trong số 54 thành viên trên thị trường, doanh số giao dịch của các ngân hàng thương mại chiếm tới 86% giao dịch toàn thị trường. Trong khi đó, TTTP lại thiếu vắng các định chế tài chính như: Tổ chức bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tham gia.

 Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, việc tham gia TTTP của các ngân hàng thương mại thời gian qua đã góp phần tăng tính thanh khoản của thị trường. Nhưng xét về dài hạn sẽ khiến thị trường phát triển thiếu bền vững bởi chức năng của các ngân hàng là cấp tín dụng cho nền kinh tế chứ không phải đầu tư vào TPCP. 

Nhiều giải pháp phát triển thị trường

Trước sự lớn mạnh của TTTP, Bộ Tài chính đã có nhiều phương án nhằm xây dựng thị trường này trở thành kênh huy động vốn quan trọng của Chính phủ. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống thành viên đấu thầu để thiết lập đại lý cấp 1 trên TTTP, Bộ sẽ nghiên cứu và công khai lịch biểu phát hành TPCP bao gồm: Kỳ hạn, khối lượng trái phiếu phát hành phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường. Phương án tăng thanh khoản theo hướng giảm mã trái phiếu, tăng quy mô niêm yết của một số mã trái phiếu và tăng cường phát hành TPCP từ 5 năm trở lên đã được tính đến. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ điều hành lãi suất TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh một cách linh hoạt, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ và diễn biến trên thị trường. Đặc biệt, cơ quan này sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển. 

Để thu hút các định chế tài chính - bảo hiểm tham gia, các chuyên gia tài chính cho rằng, nên có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển, khuyến khích theo hướng: Các tổ chức bảo hiểm xã hội tham gia trực tiếp vào TTTP sơ cấp, thứ cấp thông qua việc mua TPCP ngắn và dài hạn thay vì cho vay trực tiếp với NSNN. Bên cạnh đó, cần xác lập cơ chế để Bảo hiểm tiền gửi tham gia đầu tư TPCP; phát triển các quỹ hưu trí bổ sung trên cơ sở mở rộng diện tham gia bảo hiểm để thu hút thêm các nguồn vốn dài hạn từ khu vực dân cư; đồng thời đa dạng hóa các loại hình đầu tư nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTTP.