Phía sau việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của các công ty chứng khoán

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Sau quý đầu năm làm ăn “thất bát” do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 dù thị trường đã hồi phục trở lại nhưng các công ty chứng khoán vẫn quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 theo chiều hướng kém tươi sáng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kết thúc quý I/2020, lợi nhuận sau thuế của hệ thống các công ty chứng khoán (CTCK) Việt Nam giảm 77% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 40/82 công ty lỗ với tổng mức lỗ lên tới 784 tỷ đồng trong khi quý I/2019 chỉ có 127 tỷ đồng.

Diễn biến kinh doanh tiêu cực này của các công ty chứng khoán là do dịch bệnh Covid-19 đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường cung cấp dịch vụ tài chính ở quy mô toàn cầu, tất nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Những kế hoạch thận trọng

Tại Đại hội đồng cổ đông của CTCK Rồng Việt (VDSC), các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu doanh thu đạt 313 tỷ đồng, giảm gần 6% và lợi nhuận sau thuế 36 tỷ đồng, giảm mạnh so với kế hoạch mà HĐQT đã thông qua ở thời điểm tháng 2/2020 (lợi nhuận trước thuế 72 tỷ đồng, tăng 66,3% so với năm ngoái).

Chia sẻ về nguyên nhân điều chỉnh kế hoạch, Phó Chủ tịch HĐQT VDSC Nguyễn Miên Tuấn cho biết, ở thời điểm chốt số liệu kế toán quý I/2020 (31/3) các chỉ số của thị trường chứng khoán rơi về vùng đáy nhiều cổ phiếu giảm sâu về dưới giá trị thật nên công ty phải trích lập khá nhiều cho danh mục đầu tư và ghi nhận lỗ 88 tỷ đồng.

Các CTCK chứng khoán đang nỗ lực vượt khó sau những tháng đầu năm "thất bát" (Ảnh: Internet)
Các CTCK chứng khoán đang nỗ lực vượt khó sau những tháng đầu năm "thất bát" (Ảnh: Internet)
 

Cũng theo ông Tuấn, trong tháng 5 trước sự phục hồi của thị trường công ty đã khắc phục được khoảng 80 tỷ đồng. Ở kịch bản tốt, đến hết quý II công ty có thể khắc phục được lỗ lũy kế thậm chí lợi nhuận là một con số dương.

Tương tự VDSC, kết thúc 3 tháng đầu năm VietinbankSC ghi nhận khoản lỗ gần 92 tỷ đồng đánh dấu quý có kết quả kinh doanh kém nhất kể từ khi hoạt động đến nay. Con số lỗ chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh.

Tại ĐHĐCĐ VietinbankSC đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức hơn 144 tỷ đồng, giảm hơn 18,3% so với thực hiện năm 2019. Được biết, năm 2019 Vietinbank SC không hoàn thành kế hoạch kinh doanh và quyết định không chia cổ tức (kế hoạch trước đó là 12% bằng tiền mặt).

Cũng như VDSC, công ty đang kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II sẽ bù đắp được khoản lỗ của quý I. Tuy nhiên, Vietinbank SC cũng không quên để ngỏ dự định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận nếu thị trường có diễn biến xấu.

Một số các CTCK khác cũng có dự định về bức tranh kinh doanh năm 2020 không mấy khả quan như Agriseco , FPTS... Trong khi các CTCK nội “đau đầu” với mục tiêu kinh doanh cho năm nay thì nhóm CTCK ngoại lại hừng hực khí thế khi đặt ra những mức tăng trưởng gây bất ngờ.

Có thể kể đến như CTCK KB Việt Nam (KBSV) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu 675 tỷ đồng và lợi nhuận 200 tỷ đồng, lần lượt tăng 42% và 38% so với năm 2019; KIS Việt Nam cũng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2020 đạt 242 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2019.

Nỗ lực tìm lối thoát

Theo chia sẻ của đại diện VietinbankSC, Việt Nam đã khống chế tốt dịch Covid-19 nhưng hệ lụy của dịch bệnh có thể ảnh hưởng lâu dài nên thị trường chứng khoán vẫn có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp ngành chứng khoán lại phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của thị trường.

Nhìn vào bức tranh kinh doanh của khối CTCK cho thấy, các mảng kinh doanh đều bị cạnh tranh mạnh mẽ nhất là từ khi có sự xuất hiện của các doanh nghiệp ngoại với tiềm lực tài chính mạnh mẽ.

Những công ty này sử dụng lợi thế nguồn vốn giá rẻ để gia tăng dư nợ margin, đồng thời giảm lãi suất cho vay và nới lỏng điều kiện vay.

Trong khi đó, một số đơn vị miễn phí giao dịch để lôi kéo khách hàng, chỉ cung cấp dịch vụ giao dịch thuần túy không có tư vấn nhằm mục tiêu thu lãi margin, gia tăng giá trị danh mục đầu tư của khách hàng.

Nhiều CTCK không có “cửa” cạnh tranh thậm chí đã phải tính đến phương án “bán mình” cho một đối tác nước ngoài nhằm tái cơ cấu xóa lỗ lũy kế, tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đối tác trong giai đoạn hiện tại là hết sức khó khăn bởi mọi thị trường đều đang có xu hướng bão hòa.

Sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh khiến cổ phiếu trên sàn của nhóm các CTCK cũng không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Cụ thể, trong 20 CTCK có cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, ngoại trừ một số “ông lớn” như SSI, HCM, VND… vững giá trên mệnh giá, phần lớn các cổ phiếu còn lại đều có thị giá rớt dưới mệnh giá, thậm chí chỉ loanh quanh trong khoảng 1.000 - 2.000 đồng/cp.

Trong giai đoạn khủng hoảng của thị trường những tháng đầu năm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã ra tay “cứu giá” cổ phiếu bằng cách mua vào để gia tăng tỷ lệ sở hữu nhằm gửi thông điệp an toàn đến cho giới đầu tư nhưng động thái này hầu như không xuất hiện trong khối các CTCK.

Động thái này đã khiến các nhà đầu tư trên thị trường càng trở nên hoang mang với nhóm cổ phiếu chứng khoán. Tuy nhiên, lãnh đạo một số CTCK cho biết trong bối cảnh niềm tin thị trường suy yếu, tâm lý nhà đầu tư nhạy cảm thì các động tác “cứu giá” của doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, đầu tư vào sản phẩm có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Nhìn chung, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020 với nhiều kịch bản có thể là cách được các CTCK chọn lựa để có thể ứng biến tốt hơn với tình hình thị trường cũng như sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực.

Việt Nam đã khống chế tốt dịch Covid-19 nhưng hệ lụy của dịch bệnh có thể ảnh hưởng lâu dài nên thị trường chứng khoán vẫn có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp ngành chứng khoán lại phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của thị trường.