Quản lý thị trường vàng: Còn nhiều tranh cãi

TS. Phạm Đỗ Chí

Vàng từ ngàn xưa đã quý, nay vẫn còn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân Việt Nam. Vì thế, các chính sách quản lý vàng luôn rất nhạy cảm, rất cần được sự quan tâm đúng quy luật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ. Nếu để vàng tiếp tục tăng giá hoặc lên xuống thất thường sẽ là quả bom nổ chậm về tài chính.

Quản lý thị trường vàng: Còn nhiều tranh cãi
Quản lý thị trường vàng cần sự cẩn trọng

Liên thông  "nội - ngoại”

Khép lại những ngày lình xình trên thị trường tài chính sau sự kiện hai lãnh đạo của ngân hàng ACB bị tạm giữ, giá vàng trong nước đã tăng vọt trên 45 triệu đồng/lượng phiên cuối tuần, mở ra những ngày tăng giá mới từ 1/9/2012. Đây cũng là giai đoạn giá vàng trong nước đã thể hiện rõ ảnh hưởng bởi đà tăng của vàng thế giới, khi trong tháng tám, vàng thế giới đã tăng 4,5%. Tính đến ngày 5/9/2012, vàng đã ổn định với mức tăng nhẹ quanh ngưỡng 45,2 triệu đồng/lượng và chính thức đà tăng vọt mới khi đạt trên 47 triệu đồng/lượng vào ngày 14/9/2012. Tính tới thời điểm này, vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới tới 2,5-2,7 triệu đồng /lượng.

Khoảng cách của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới một phần là do cung chưa đáp ứng đủ cầu theo nguyên lý chung của thị trường. Quả vậy, do vàng SJC - thương hiệu vàng miếng mà NHNN độc quyền, chưa gia công kịp so với nhu cầu hiện có của thị trường. Một nghịch lý khiến giới quan sát khó đưa ra dự báo tiếp theo cho giá vàng trong nước, dù diễn biến của giá vàng thế giới tới đây đang có những tín hiệu khá rõ ràng, là nhiều doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu vàng miếng khác chưa kịp chuyển đổi, lại vẫn đang “tồn kho” hàng nghìn lượng vàng nhưng chưa được cấp phép gia công chuyển đổi. Đây là kết quả trực tiếp của những biện pháp quản lý thị trường vàng do NHNN ban hành từ vài tháng qua, nhất là việc cho độc quyền vàng miếng SJC.

Nhạy cảm câu chuyện huy động

Từ tháng 5/2012, “Đề án NHNN về việc phát hành chứng chỉ vàng” nhằm huy động nguồn lực trong dân đã được Chính phủ chấp thuận, nhưng may mắn thay vẫn chưa được đem ra thực hiện bởi có một số do dự chính đáng của NHNN. Quả thật, một vài giới quan sát chính sách vẫn có sự e ngại về mục tiêu sâu xa và tính khả thi của Đề án này.

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia hàng đầu về việc người dân có thói quen giữ vàng và lượng vàng được lưu giữ trong dân đạt tới hàng trăm tấn. Vừa qua, trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng ngày 13/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã đưa ra thống kê ước lượng con số đó khoảng 300 - 500 tấn. Nguồn lực đó rõ ràng rất lớn. Nhưng không phải cứ thấy nguồn lực lớn thì tính ngay chuyện huy động. Huy động lại là một câu chuyện khác, nhất là qua hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hỗn loạn và tràn đầy “rủi ro đạo đức” của hệ thống này hiện nay.

Theo ý kiến riêng của tác giả là không nên huy động vàng qua đề án NHNN hiện tại, cho dù nguồn lực đó lớn tới đâu. Khối lượng vàng đó có thể tương đương với khoảng 30-40 tỷ USD. Thử hỏi, nếu huy động được khối lượng vàng giá trị khổng lồ ấy vào nền kinh tế, các nhà hữu trách đã tính đến chuyện làm thế nào để phát huy được giá trị nguồn lực ấy giúp tăng trưởng kinh tế cho quốc gia, hay lại cho vào các dự án đầu tư công khổng lồ khi mà câu chuyện “nóng” của các Vinashin, EVN, hay Vinalines… vẫn ám ảnh đầu óc tất cả chúng ta?

Câu hỏi gốc vẫn là: làm thế nào để bảo đảm được an toàn lượng tài sản khổng lồ ấy của dân, của nước? Về chuyện huy động qua các tổ chức tín dụng sẽ làm đại lý cho NHNN, tác giả còn e ngại hơn nữa qua lý do nêu trên, dù các cách thức đã được tính toán khá cụ thể trong đề án này.

Đây là vấn đề lớn, nhưng có thể tóm ngắn gọn như thế này: Trong lịch sử tài chính thế giới, ít quốc gia nào dám… đụng tới vàng. Nói cách khác rõ hơn là rất ít chính phủ, hay ngân hàng trung ương nào đứng ra huy động vàng của dân. FED của Mỹ cũng chọn đứng ra ngoài thị trường phức tạp này dù vàng đã là căn bản của chế độ kim bản vị của thế giới trong nhiều thế kỷ.

Tác giả nghĩ rằng, NHNN không nên tính đến câu chuyện này, vì rủi ro cho dân và cho ngân sách quốc gia là rất lớn. Giá vàng hiện nay tuy đang ở mức rất cao, từ 1700-1.800 USD/ounce, nhưng có thể còn tăng cao hơn nữa theo các dự đoán quốc tế có uy tín.

Sự lao đao mới đây của vài cá nhân lãnh đạo ngân hàng trong việc bán khống một số vàng lớn cách đây vài tháng đã đem lại vài món nợ khổng lồ cho họ và các ngân hàng của họ, là một bài học lớn cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam và lãnh đạo NHNN trong việc quản lý thị trường vàng tương lai.

Nhiều chuyên gia đã phân tích và đưa ra dự báo về diễn biến của giá vàng thời gian tới, và họ đã sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro do biến động giá vàng thế giới. NHNN sắp tới khi định áp dụng đề án đã được Chính phủ cho phép, liệu sẽ có các dự báo để bảo hiểm rủi ro do biến động của giá vàng? Hay ta sẽ vướng mắc các lỗi lầm như hãng JP Morgan bên Mỹ, mới đây mất hàng mấy tỷ USD do lỗi nhân viên mà vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao?

Và NHNN liệu sẽ tin mình có dự báo chính xác về giá vàng tương lai, mà theo tác giả không ai đoán nổi? Liệu vàng có lên trên 2.000 USD/ounce, và thời điểm diễn ra sẽ vào lúc nào? Có thể sẽ rất lâu, nhưng cũng có thể sẽ chỉ sau một đêm, sau một biến động tại bất kỳ một khu vực địa kinh tế - chính trị nào đang rất nhạy cảm như Trung Đông, hay châu Âu, hay cả Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên... Bởi, chúng ta không thể kiểm soát và cũng không thể trả giá nổi cho sai lầm tính toán của các chuyên viên. Xin nhắc thêm là dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện cũng chỉ mới đạt đến khoảng 20 tỷ USD (theo số ước mới nhất giữa tháng 9/2012), chỉ bằng phân nửa giá trị vàng trong dân mà ta tạm ước tính trên đây!

Với các tổ chức, định chế tư nhân, nếu theo cơ chế thị trường, thì việc họ vay mượn, huy động vàng của người dân trên cơ sở thoả thuận và tự nguyện của các bên là bình thường. Nhưng, không nên đụng vào vàng của dân chúng qua luật lệ, qua chuyện NHNN và các ngân hàng quản lý trực tiếp sở hữu vàng của người dân, vì cũng khó tránh rủi ro.

Vì thế, riêng với vàng, theo tác giả, chúng ta nên tránh can thiệp cũng như tránh huy động. Nếu cần thiết phải hạn chế về mặt thanh toán, để nâng cao sự ổn định và vị thế cho đồng tiền Việt Nam, thì chỉ nên ra các quy định hạn chế dùng vàng làm phương tiện thanh toán,như điều mà NHNN đã làm rất tốt với việc ổn định ngoại tệ, chống đô la hoá trên thị trường thời gian vừa qua.

Sau hết, một vài giới chức tư pháp có thể nêu ra các dè dặt về luật lệ mà ta cũng cần xét đến trong việc huy động vàng có tính “bắt buộc”.

"Tự cổ chí kim”, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, và ở Việt Nam thì đã hàng ngàn năm nay, vàng đã giữ vai trò rất đắc lực với tư cách là “tiền” theo 3 chức năng quen thuộc: (i) Trong việc làm công cụ trao đổi, thanh toán thay tiền theo những phương thức, bao gồm cả chính thức và không chính thức; (ii) Dụng cụ giữ giá trị (store of value); (iii) Là phương tiện “đầu cơ” hợp pháp (speculative tool). Việc sử dụng chức năng làm công cụ thanh toán của vàng trong thương mại, giao dịch dân sự giữa cá nhân, tổ chức ở các vùng, miền và các quốc gia khác nhau cũng đã là một tập quán thanh toán quốc tế (một trong các nguồn hình thành Luật Quốc tế).

Vậy, nếu sắp tới Nhà nước “huy động” vàng vật chất 24K để phát hành một tờ giấy con con, gọi là “Chứng chỉ (Certificate)”, và cấm không cho dân thanh toán, giao dịch dân sự, thương mại bằng vàng và mua bán vàng trong dân nữa, thì liệu đây có thể coi là đã hạn chế (tước) bớt phạm vi của hai trong ba quyền năng (sử dụng và định đoạt) cấu thành quyền sở hữu tài sản của dân? Cho sở hữu, mà không cho sử dụng, định đoạt theo cơ chế thị trường, thì dường như chúng ta đang đi ngược với chính những định hướng mà chúng ta đề ra? Nếu không muốn nói là trái luật!

Như đã nói ở trên, ngoài các chức năng thanh toán trao đổi, để dành chống lạm phát, vàng cũng còn được dùng như một kênh đầu tư (chính xác hơn là để đầu cơ), một hoạt động đầu tư tài chính rất thông dụng trong nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế thị trường. Khi đã trót “huy động” hết vàng vật chất ở trong dân chúng, ta hãy giả sử như vậy, thì liệu rằng Nhà nước (qua NHNN) có thể bảo đảm cho tính thanh khoản của những tờ giấy con con trên, gọi là “chứng chỉ vàng”, một khi người dân đồng loạt đến các ngân hàng hay ngay cả NHNN, “bán” cái “chứng chỉ" đó, để nhận tiền, theo đúng giá thế giới (trong một kịch bản giá sẽ lại tăng lên như nhiều giới dự báo cho 3-5 năm tới), hay không?

Khi đã không cho dân mua bán vàng vật chất theo giá thị trường, vào bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là khi các ngân hàng đóng cửa chẳng hạn, thì Nhà nước đã hạn chế (tước bớt) của người dân cái quyền được đầu tư bằng vàng để mua/bán theo giá thị trường thế giới. Như vậy, chẳng phải là cũng đã hạn chế (tước) bớt phạm vi sử dụng quyền năng “sử dụng” và “định đoạt” của người dân đối với vàng, tài sản thuộc quyền sở hữu của chính họ, hay sao?

Ngoài ra, cần lưu ý rằng, khác với ý nghĩ ”giản dị” của vài chuyên viên ngân hàng khi đề nghị “huy động vàng”, thì đây còn là vấn đề liên hệ đến quyền sở hữu được ghi trong Hiến pháp - là bộ luật tối thượng trong một quốc gia. Còn thời kỳ nào kinh tế vĩ mô ổn định, đồng thời không còn bị mất giá do lạm phát, người dân sẽ ít "để ý” đến vàng như một phương tiện giữ giá trị. Đó phải chăng cũng là tính quy luật rất cần được các nhà chức trách để tâm.

Khi bắt đầu chính sách nới lỏng định lượng (Quantitative Easing-QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giá vàng đã lên mức kỷ lục 1.920 USD/ounce vào tháng 8/2011, sau đó xuống dần dưới 1.550 USD/ounce vào giữa tháng 5/2012. Đến đầu tháng 9/2012 giá vàng lên trở lại mức 1.700 USD/ounce ngay khi có tín hiệu QE3 sẽ được khởi động để kích thích tăng trưởng chậm chạp của kinh tế Mỹ. Và rốt cục khi FED tuyên bố chính sách QE3 hôm 13/9/2012, như nhiều quan sát viên tiên đoán, vàng đã nhảy lên mức 1.770 USD/ounce và được chờ đợi ít nhất là trở về đỉnh cao cũ .