"Săn" doanh nghiệp trả cổ tức khủng

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đang bước vào giai đoạn cao điểm, những thông tin về kết quả kinh doanh quý I đang dần được hé lộ. Bên cạnh những thông tin này, phương án chi trả cổ tức luôn được các nhà đầu tư tìm kiếm.

Chính sách cổ tức cũng thể hiện tiềm lực tài chính. Nguồn: Internet
Chính sách cổ tức cũng thể hiện tiềm lực tài chính. Nguồn: Internet

Sở dĩ, những khoản cổ tức luôn được quan tâm bởi đây là lợi ích thiết thực của những người sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp, đồng thời chính sách cổ tức cũng thể hiện tiềm lực tài chính và "tấm lòng" người lãnh đạo sẵn sàng chia sẻ với cổ đông.

Nhiều "trái ngọt"

"Quán quân" trả cổ tức khủng tính đến thời điểm hiện tại là Vinacafe Biên Hòa (mã: VCF) với tỷ lệ 240%. Trong năm 2018, doanh nghiệp này cũng gây xôn xao thị trường với mức chi trả cổ tức lên tới 660% bằng tiền mặt.

Tiếp đến là CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) với tỷ lệ chi trả là 50%, tương ứng cổ đông sở hữu một cổ phiếu được nhận về 5.000 đồng. Thời gian thanh toán vào 31/5/2019.

Với hơn 137,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Minh Phú sẽ phải chi tổng số tiền 700 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2018 cho cổ đông.

Ngày 19/4 tới, CTCP Quảng cáo và Hội chợ thương mại Vinaxad (mã: VNX) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức năm 2018 bằng tiền tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu một cổ phiếu được nhận về 5.000 đồng.

Đây là mức chia cổ tức cao nhất trong 6 năm qua (từ năm 2013) và cũng đã vượt xa kế hoạch đề ra trước đó là 25% bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 18/4 và thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 10/5/2019.

Một doanh nghiệp ngành dệt may là Tổng CTCP May Việt Tiến (mã: VGG) cũng chia cổ tức đến 35% bằng tiền mặt. Ước tính, VGG sẽ chi tổng cộng 154,4 tỷ đồng để trả cổ tức. Năm 2018 mang lại kết quả khá khả quan cho VGG khi công ty thực hiện vượt 16% kế hoạch doanh thu, còn về lãi ròng lại vượt đến 66% kế hoạch được giao.

CTCP Thực phẩm Cholimex (mã: CMF) chi trả cổ tức năm 2018 bằng tiền tỷ lệ 30%. Thời gian thanh toán 31/5/2019. Đồng thời công ty cũng chốt danh sách cổ đông tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2019.

CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi – mã: CAV) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ 2019 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 13/4 tới với mục tiêu kinh doanh trong năm 2019 gồm doanh thu hợp nhất 8.900 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 479 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức 50%, trong khi kế hoạch đề ra là 35%.

Trong đó, công ty đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 vào cuối năm 2018 với tỷ lệ 15%, tương ứng với số tiền 86,4 tỷ đồng, phần còn lại công ty sẽ trả vào ngày 17/5/2019, dự kiến Cadivi sẽ chi khoảng 201,6 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông lần này.

Ngoài ra, những doanh nghiệp khác như CTCP Viglacera Hạ Long (mã: VHL, CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã: RAL)… cũng mang tới cho cổ đông của mình những khoản cổ tức tiền mặt từ 20 đến 25%.

Vẫn nên cẩn trọng

Theo quan điểm của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, "chiến thuật" săn cổ phiếu có cổ tức cao không chỉ để hưởng mức cổ tức mà còn là kỳ vọng về sự ảnh hưởng của những thông tin này sẽ tác động đến thị giá của cổ phiếu.

Nếu mua được cổ phiếu có cổ tức cao, sau đó lại bán được giá tốt thì nhà đầu tư đó được coi là khá thành công bởi những thông tin từ doanh nghiệp như dự kiến trả cổ tức giá cao, chốt cổ tức, ngày không hưởng quyền… sẽ tạo thành những thông tin nâng đỡ giá cổ phiếu, có khi kéo dài đến nửa năm.

Tạo được hiệu ứng tốt nhờ thông tin cổ tức trong thời gian gần đây có thể kể đến cổ phiếu VNX với 12 phiên tăng trần liên tiếp từ mức giá 1.200 đồng/cp lên 6.300 đồng/ cp, tương đương mức tăng đạt 425% nhưng lượng giao dịch trung bình chỉ đạt 100 đơn vị mỗi phiên.

Tuy nhiên, chiến lược này dường như chỉ phù hợp với những nhà đầu tư "lướt sóng" bởi theo quan điểm của các nhà đầu tư dài hạn, cổ tức chỉ là một yếu tố đánh giá mức hấp dẫn của cổ phiếu, năng lực của doanh nghiệp.

Thậm chí có quan điểm cho rằng mức cổ tức khủng chưa chắc đã tốt, quan trọng vẫn là triển vọng của doanh nghiệp.

Hồi đầu năm 2018, "bé hạt tiêu" có vốn điều lệ hơn 24 tỷ đồng đang giao dịch trên UPCoM là CTCP Công nghiệp hóa chất Đà Nẵng (Cico – mã: DCI) đã gây bất ngờ với mức cổ tức 358% bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến giá của cổ phiếu DCI, đây không thể là một cổ phiếu tốt khi suốt cả thời gian lên sàn, Cico hầu như có rất ít giao dịch khớp lệnh.

Từ mức giá chào sàn 63.000 đồng/cp, đến nay DCI chỉ còn giao dịch tại mức giá 2.800 đồng/cp. Nguyên nhân chủ yếu là do những lần điều chỉnh giá khi trả cổ tức của công ty.

Từng được mệnh danh là "siêu cổ" khi tăng trưởng liên tiếp nhiều năm liền nhưng kết quả kinh doanh kém quả quan đã khiến cổ phiếu VCS của Vicostone điều chỉnh nhanh chóng.

Hiện cổ phiếu VCS đang giao dịch tại vùng giá 70.000 đồng/cp, tương đương đã "bốc hơi" khoảng 50% thị giá so với mức đỉnh 140.000 đồng/ cp hồi tháng 4/2018.

Đáng chú ý, Vicostone cũng là một trong những doanh nghiệp có mức trả cổ tức khủng trong năm vừa qua với tỷ lệ 140%, trong đó có 40% là tiền mặt và 100% là cổ phiếu.

Nhìn chung, đối với bất kỳ nhà đầu tư theo trường phái nào thì việc cân bằng giữa trả cổ tức để đảm bảo quyền lợi cổ đông và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp mới là yếu tố quan trọng nhất.