“Siết” tín dụng chảy vào bất động sản

PV.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có văn bản số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Nguồn: Internet
Giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Nguồn: Internet

Theo đó, để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng và tăng trưởng tín dụng bền vững theo đúng chủ trương của Chính phủ và định hướng của NHNN, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của NHNN.

NHNN yêu cầu hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.

Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; Nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; Giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro và phù hợp với các quy định tại Thông tư số 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và các quy định phát luật khác có liên quan.

Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo các chuyên gia bất động sản, trước thực trạng trong mấy năm gần đây nhiều ngân hàng thương mại xem việc cho vay bất động sản là “miếng bánh” ngon và cho vay rất mạnh tay, nên dòng tín dụng có dấu hiệu “ồ ạt” chảy vào thị trường địa ốc. Điều này dẫn đến hệ lụy là nhiều nhà đầu tư lấy dự án bất động sản làm tài sản thế chấp vay ngân hàng, phải chịu áp lực trả nợ, trong khi khả năng thu hồi vốn của các ngân hàng rất khó khăn.

Thêm vào đó, hiện tượng dư cung đang xảy ra với phân khúc nhà ở cao cấp, ở một khía cạnh nào đó thì đây là biểu hiện của “bong bóng”. Trong năm 2017, lượng cung tăng mạnh khiến một số phân khúc dư thừa sản phẩm. Hơn nữa, kể từ sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, cung nhà ở bình dân bị thu hẹp lại khá nhiều, dưới 20% vào năm 2017. Tương lai gần sẽ còn giảm nhiều hơn nữa nếu không có gói hỗ trợ kích cầu.

Thống kê của NHNN cho thấy năm 2017 tổng dư nợ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là gần 450.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng dư nợ nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản khoảng 8,5%.

NHNN khuyến cáo các tổ chức tín dụng cần thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.

Theo ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank, việc "siết" dòng tín dụng chảy vào bất động sản, chứng khoán sẽ giúp hệ thống tài chính ngân hàng phát triển bền vững. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng cũng cần lựa chọn dự án khả thi để cho vay, hạn chế việc cho vay ồ ạt để nợ xấu quay trở lại. Hệ thống tài chính ngân hàng sẽ có thể sử dụng nguồn vốn cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ, thay vì tập trung vào khu vực phát triển bất động sản.