Thời của giao dịch thỏa thuận

ViệcTTCK những tháng cuối năm 2012 diễn biến tương đối trầm lắng với thanh khoản thấp và chỉ số VN - Index biến động trong biên độ hẹp không phải là điều ngạc nhiên. Tâm lý thận trọng, chờ các thông tin vĩ mô tích cực hơn vẫn là xu hướng chủ đạo của giới đầu tư trong và ngoài nước ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các NĐT lớn, đặc biệt là cổ đông của những doanh nghiệp (DN) niêm yết quy mô lớn vẫn không ngừng “bám sàn”, thực hiện các chiến lược tái cơ cấu đầu tư. Minh chứng rõ nhất là sự “bùng nổ” của các giao dịch thỏa thuận, tạo nên những đợt “sóng ngầm” bên ngoài bảng giao dịch khớp lệnh điện tử.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VN Direct, trong 10 tháng đầu năm 2012, có khoảng 24 mã chứng khoán niêm yết trên hai sàn HoSE và HNX diễn ra hoạt động giao dịch thỏa thuận từ 5 triệu cổ phiếu trở lên. Tổng giá trị các giao dịch thỏa thuận nói trên đạt hơn 24.706 tỷ đồng - một số tiền rất lớn trong bối cảnh thị trường trầm lắng. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu tài chính-ngân hàng chiếm tỷ lệ giao dịch thỏa thuận áp đảo, một phần vì vốn điều lệ của các ngân hàng niêm yết khá lớn, tối thiểu cũng 3.000 tỷ đồng. Mặt khác, việc Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng đã và đang tác động đến việc thay đổi sở hữu của các cổ đông lớn… Đơn cử như cổ phiếu STB của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank), chỉ trong hai tháng 9 và 10/2012, đã có trên 90 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận với giá trị lên tới gần 1.700 tỷ đồng. Hồi đầu năm, trong phiên giao dịch ngày

9/1/2012, STB lần đầu tiên lập kỷ lục là cổ phiếu có giao dịch thoả thuận “khủng” nhất từ trước tới nay với hơn 148 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên, trị giá 2.338 tỷ đồng. Cổ phiếu ACB của Ngân hàng cổ phần Á Châu cũng có phiên giao dịch thỏa thuận “khủng” trong tháng 9/2012 với hơn 34 triệu cổ phiếu được trao tay, đạt giá trị 554,6 tỷ đồng, tương đương hơn 5% vốn điều lệ. Một cổ phiếu ngân hàng mới niêm yết chưa lâu là MBB của Ngân hàng cổ phần Quân đội từ đầu năm đến nay cũng có nhiều phiên giao dịch thỏa thuận với khối lượng từ 5 - 7 triệu đơn vị, tổng giá trị chuyển nhượng tương đương 735 tỷ đồng… Gần đây, cổ phiếu EIB của Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam cũng tạo nên một con “sóng ngầm” mới khi chỉ tính từ đầu tháng 10 đến 7/11/2012, đã có khoảng 135 triệu cổ phiếu EIB được trao tay ngoài sàn theo phương thức thoả thuận, với số tiền trên 2.300 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu năm tới nay, các NĐT đã “trao tay” bằng phương pháp giao dịch thoả thuận trên 300 triệu cổ phiếu EIB, trị giá hơn 5.000 tỷ đồng.

Ẩn số của cuộc "chơi"?

Theo các chuyên gia tài chính, những con số về khối lượng và giá trị cổ phiếu nêu trên cho thấy “sóng ngầm” chuyển nhượng cổ phần vẫn rất sôi động, bất chấp thị trường trầm lắng trong ngắn hạn. Giới đầu tư lớn - cổ đông của các DN niêm yết, dường như vẫn đang “bám sàn” chặt chẽ, đồng thời đưa ra các chiến lược mua bán riêng nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Đơn cử như giao dịch thỏa thuận “khủng” xảy ra tại STB từ đầu năm đến nay trùng với những thời điểm một số cổ đông lớn của ngân hàng này là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và Ngân hàng ANZ, Công ty cổ phần Sacomreal, Thành Thành Công thoái vốn. Với những mã cổ phiếu như HBB của ngân hàng vừa bị sáp nhập là Habubank, hoạt động này là quá trình tiền M&A mà bên mua là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Từ thương vụ SHB mua và sáp nhập thành công HBB sau một quá trình giao dịch thỏa thuận “khủng”, không loại trừ trong tương lai sẽ có thêm những vụ M&A đình đám trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Rất có thể phương thức giao dịch thỏa thuận sẽ tiếp tục là công cụ để các bên sử dụng nhằm tăng tỷ lệ cổ phần cần nắm giữ, đồng thời đạt được các mục tiêu trong M&A. Xét ở phương diện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đây là hoạt động tích cực vì các ngân hàng rất cần được bổ sung đội ngũ cổ đông mới, có tiềm lực tài chính. Ở chiều ngược lại, những chủ sở hữu cũ không đủ khả năng cáng đáng, chèo lái tổ chức tài chính, hoàn toàn có thể rút lui bằng con đường này…

Với TTCK, việc “bùng nổ” các giao dịch thỏa thuận “khủng” cho thấy ít ra các NĐT lớn vẫn bám sát diễn biến của thị trường, bất chấp bối cảnh ngắn hạn còn không ít khó khăn. Điều này là nguồn dưỡng khí quan trọng, nuôi dưỡng thị trường từng bước ổn định để trở lại chu kỳ tăng trưởng khi kinh tế vào đà hồi phục.

Bài đăng Tài chính & Đầu tư số 11-2012

Sóng "ngầm" ngoài sàn

Hải Vân

(Tài chính) Thị trường chứng khoán (TTCK) chưa thể sớm khởi sắc nhưng việc “bùng nổ” các giao dịch thoả thuận cho thấy đang có “sóng ngầm” ngoài sàn. Đặc biệt, không ít cổ đông lớn có thể đã tăng mua cổ phiếu ở mức giá thấp, nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty triển vọng.

Xem thêm

Video nổi bật