Sóng sẽ lại nổi khi tâm lý nhà đầu tư phục hồi

Theo Thu Hương/tinnhanhchungkhoan.vn

Trong bối cảnh hiện nay, đối với thị trường Việt Nam không có yếu tố nào là quá xấu.

Khi các yếu tố áp lực lên tâm lý nhà đầu tư qua đi, sóng sẽ lại nổi trên thị trường. Nguồn: Internet
Khi các yếu tố áp lực lên tâm lý nhà đầu tư qua đi, sóng sẽ lại nổi trên thị trường. Nguồn: Internet

Sau những phản ứng tích cực khi nhà đầu tư Thái Lan đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua chứng chỉ quỹ ETF, thị trường lại quay về với sắc đỏ do tâm lý nhà đầu tư bị chi phối bởi những tác động từ bên ngoài.

Theo các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán cơ sở kém hấp dẫn bởi rủi ro thông tin khó lường. Vì thế, một phần dòng tiền của nhà đầu tư lớn đang tập trung trên thị trường phái sinh.

Giám đốc một công ty chứng khoán tiết lộ, công ty ông có nhà đầu tư cá nhân đã tham gia thị trường với quy mô vốn 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng tiền có xu hướng rút ra khỏi thị trường cơ sở và đứng ngoài chờ đợi. Một vài điểm sáng là các cổ đông nội bộ liên tục đăng ký mua vào phát đi tín hiệu giá cổ phiếu đang hấp dẫn dẫn so với triển vọng của doanh nghiệp trong năm tới.

Thực tế, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đồng thuận theo xu hướng toàn cầu, nhưng có phần ngược lại với bức tranh của nền kinh tế Việt Nam và đặc biệt là sức khỏe của doanh nghiệp quy mô lớn đang niêm yết.

Theo báo cáo của SSI, hệ quả của việc dòng vốn rút khỏi các thị trường cận biên, mới nổi và vẫn có xu hướng tiếp tục trong năm 2019 là việc đồng tiền của nhiều quốc gia duy trì đà suy giảm sức mạnh.

Ngân hàng trung ương nhiều nước phải điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng lên để hạn chế cơ hội kinh doanh chênh lệch lãi suất. Bên cạnh đó, khi dòng vốn bị rút ra, các quốc gia có nhiều hoạt động liên quan tới tài trợ tài chính, vay nợ sẽ gặp áp lực tài chính lớn hơn.

Trước đây, các quốc gia cận biên, mới nổi tăng trưởng nhờ dòng vốn bên ngoài đổ vào nên nay càng bị ảnh hưởng bởi chi phí tài chính. Chưa kể, lãi suất vay vốn tăng lên sẽ hạn chế nguồn lực vay mượn để sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đứng trước áp lực thu hẹp sản xuất và nền kinh tế khó tăng trưởng tích cực trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, Việt Nam mang sắc màu khác với bức tranh chung của các thị trường mới nổi. Vốn FDI vẫn đổ mạnh vào Việt Nam và là trụ cột tăng trưởng quan trọng. Điều này có thể nhìn thấy qua tăng trưởng doanh thu của công ty xây dựng hàng đầu là Hòa Bình và Coteccons.

Cả hai công ty này vẫn tiếp tục tăng trưởng doanh thu ở mức hai con số trong năm qua, sau khi tăng mấy chục phần trăm trong năm ngoái, trong bối cảnh thị trường bất động sản nhà ở chững lại ngay từ đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng doanh thu năm nay được bù đắp bởi phân khúc nhà xưởng và bất động sản nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế.

Dù vậy, áp lực tăng giá của đồng USD so với đồng tiền của các nước châu Á cũng khiến tiền đồng chịu gánh nặng. Giới đầu tư đang lo ngại tỷ giá sẽ phải điều chỉnh vào thời điểm đầu năm 2019 để có sự chủ động trong cả năm mới. Đó chính là một trong những lý do nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng.

Tác động tiêu cực của việc đồng USD tăng giá là lãi suất trong nước có xu hướng tăng. Biểu đồ lãi suất ngắn hạn của các ngân hàng thương mại cho thấy, lãi suất đã nhích lên so với 3 tháng trước. Xu hướng này có thể tiếp tục trong năm 2019.

Đáng chú ý, Chính phủ đang ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, dòng tiền được định hướng vào sản xuất. Do đó, các ngành bất động sản, chứng khoán sẽ gặp khó khăn hơn về dòng tiền đầu tư trong thời gian tới.

Từ hai yếu tố tỷ giá và lãi suất nói trên, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên quan tâm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp hưởng lợi từ tỷ giá trong năm 2019 như doanh nghiệp ngành thủy sản xuất khẩu, dệt may và cảng biển. Với các doanh nghiệp vay nợ nhiều như thép, bất động sản, cần quan tâm đến chu kỳ thị trường để lựa chọn thời điểm thích hợp đầu tư.

Trong bối cảnh hiện nay, đối với thị trường Việt Nam không có yếu tố nào là quá xấu. Một vài yếu tố vĩ mô có thể diễn biến không thuận lợi cho doanh nghiệp như tỷ giá, lãi suất nhưng ở mức có thể kiểm soát. Các yếu tố như thu hút FDI, tiêu dùng tăng trưởng, hưởng lợi từ chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục phản ánh vào nền kinh tế sau những chuyển động được nhìn thấy từ hiện tại.

Theo đó, thị trường chỉ có tâm lý là xấu, nhưng thông thường trong các tình huống này, khi các yếu tố áp lực lên tâm lý nhà đầu tư qua đi, sóng sẽ lại nổi trên thị trường.