Sự trở lại của dòng vốn ngoại

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Sau giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kéo dài vài tháng trước đó, từ tháng 9 tới nay, dòng vốn ngoại đã quay lại mua ròng mạnh mẽ, tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, góp phần cải thiện thanh khoản thị trường.

 Khối ngoại tiếp tục đà mua ròng mạnh mẽ với tổng giá trị đạt gần 11.200 tỷ đồng. Nguồn: Internet
Khối ngoại tiếp tục đà mua ròng mạnh mẽ với tổng giá trị đạt gần 11.200 tỷ đồng. Nguồn: Internet

Thị trường chứng khoán chứng kiến sự “bùng nổ” trong giao dịch của khối ngoại trong phiên 2/10 với tổng khối lượng mua ròng đạt 110 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 11.118,5 tỷ đồng.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận lên đến gần 110 triệu cổ phiếu MSN ở mức giá 100.000 đồng/ cp đã có tổng giá trị đạt 10.881 tỷ đồng.

Niềm tin trở lại

Trong giai đoạn quý II/2018, dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, dòng vốn ngoại có xu hướng rút ra khỏi các thị trường cận biên trong đó có Việt Nam.

Theo đó, khối ngoại đã bán ròng rất mạnh trong giai đoạn này, thậm chí kéo dài sang tháng 7 của quý III, khối này chỉ bắt đầu tập trung mua ròng lại từ tháng 8 trở lại đây, nhưng mạnh nhất là từ giữa tháng 9.

Sự trở lại của khối ngoại đã có tác động tích cực đến nhà đầu tư trong nước khiến thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng có phần cải thiện hơn.

Trong một thống kê mới đây nhất của sàn HNX, trong tháng 9, bình quân khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 53,5 triệu cp/phiên (tăng 26,5% so với tháng trước), giá trị giao dịch đạt hơn 717 tỷ đồng/phiên (tăng xấp xỉ 15,6% so với tháng trước).

Nếu tính chung trên cả hai sàn niêm yết trong 9 tháng năm 2018, khối ngoại đã mua vào 4,2 tỷ cổ phiếu, trị giá 217.600 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 3,87 tỷ cổ phiếu, trị giá 186.700 tỷ đồng.

Tổng khối lượng mua ròng đạt 301 triệu cổ phiếu, trị giá 30.880 tỷ đồng, giữa hai sàn có sự phân hóa khi khối ngoại mua ròng mạnh tại sàn HoSE nhưng lại bán ròng trên HNX.

Cụ thể, tại sàn HoSE, khối ngoại đã mua ròng 343 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt 31.680 tỷ đồng, cao gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2017.

Về phía HNX, khối này đã bán ròng tổng cộng 42 triệu cổ phiếu, có giá trị 804 tỷ đồng trong 9 tháng qua (tăng 66% so với cùng kỳ năm 2017); sàn UPCoM cũng được khối ngoại mua ròng 1.684 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 26,7 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, những mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong 9 tháng qua, hầu hết đều “gọi tên” các tân binh.

Gây chú ý nhất là VHM của CTCP Vinhomes với việc thiết lập một giao dịch lịch sử với 249 triệu cổ phiếu được khối ngoại mua vào, tổng giá trị đạt 28.550 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD) chỉ sau khi chào sàn một ngày hồi giữa tháng 5.

Một cái tên khác không thể không nhắc đến là “người anh em” VRE của CTCP Vincom Retail cũng được khối ngoại mua ròng mạnh với 3.890 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn các “gương mặt” quen thuộc là YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 và HDB của HDBank với khối lượng lần lượt 2.502 tỷ đồng và 2.435 tỷ đồng. Hiện, tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư ngoại tại HDBank đã lên tới 27,52%.

Kỳ vọng vào khối ngoại

Trong những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 – tháng “mở màn” của quý IV, khối ngoại tiếp tục đà mua ròng mạnh mẽ với tổng giá trị đạt gần 11.200 tỷ đồng. Thanh khoản thị trường cũng cải thiện tích cực, trung bình 3 phiên giao dịch đạt 9.829 tỷ đồng.

Vừa qua, Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi hạng hai của FTSE Russell trong kỳ họp tháng 9, ngoài ra, nhiều khả năng có thể được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 3/2019 của MSCI

Diễn biến này mở ra cơ hội tham gia sân chơi lớn của thị trường chứng khoán toàn cầu từ đó kích thích dòng tiền tích cực trong ngắn hạn, cũng là động lực giúp các cơ quan quản lý tiếp tục cải cách, hoàn thiện thị trường.

Trong bối cảnh dòng vốn ngoại vẫn đang có dấu hiệu rút ròng ở nhiều quốc gia khu vực khi Fed tiếp tục tăng lãi suất và căng thẳng Mỹ-Trung chưa có giải pháp cụ thể, đây là thông tin rất tích cực để giữ và thu hút thêm dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.

Theo báo cáo thị trường chứng khoán tháng 10 vừa công bố của CTCK BIDV (BSC), trong trường hợp khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng hoặc mua ròng từ hiệu ứng xem xét nâng hạng thị trường, bên cạnh sự “bình tĩnh” của thị trường trước các thông tin thế giới, Vn-Index sẽ đóng cửa trên 1.000 điểm với vùng trung tâm 1.080 điểm vào cuối năm.

Khả năng xấu nhất, những thông tin tiêu cực từ thế giới mở rộng, thị trường nhạy cảm với những tác động thì với sự ổn định vĩ mô, triển vọng tăng trưởng tốt và sự cải thiện lợi nhuận tích cực từ các doanh nghiệp niêm yết, Vn- Index có khả năng duy trì trên 1.000 điểm vào cuối năm 2018.

Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay, dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 30 tỷ USD, nếu thị trường được nâng hạng, con số này có thể tăng lên gấp đôi.

Đưa ra đánh giá về sức ảnh hưởng của dòng vốn ngoại với thị trường chứng khoán Việt Nam, một chuyên gia chứng khoán cho rằng hiện quy mô thị trường đã tăng lên rất nhiều, do đó, cần lực lượng nhà đầu tư có quy mô lớn tương ứng, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường.

Trong trường hợp Việt Nam lọt vào danh mục thị trường mới nổi của FTSE Russel thì với tỷ trọng phân bổ vốn bình quân 1%, các quỹ ETFs sẽ mua vào 677 triệu USD.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/10, dù rung lắc mạnh, chỉ số Vn- Index tăng 1,61 điểm so với phiên trước đó lên 1.020,4 điểm; HNX cũng giao dịch tích cực khi đóng cửa tăng nhẹ 0,29 điểm lên 115,29 điểm.

Cũng theo thông báo của BSC, thị trường sẽ tăng điểm trong tháng 10, đạt mức 1.050 – 1.080 điểm nhờ mùa công bố KQKD và sự luân chuyển dòng tiền trước khi điều chỉnh lại vào cuối hoặc đầu tháng 11.