Tác động của quản trị rủi ro đến giá trị niêm yết của các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 2/2020

Rủi ro tài chính xảy ra đối với các doanh nghiệp ngày càng đa dạng về loại hình và tinh vi về mức độ, vì vậy, thực hiện quản trị rủi ro tài chính (ERM) là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với doanh nghiệp. Bằng phần mềm kinh tế lượng EViews và các kỹ thuật dữ liệu bảng, bài viết xem xét ảnh hưởng của việc thực hiện ERM đến giá trị niêm yết của doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy mô của doanh nghiệp (SIZE) và tỷ số lợi nhuận trên tài sản (ROA)có tác động thuận chiều lên Tobin’s Q ở mức ý nghĩa <10%. Các nhân tố còn lại đều không tìm thấy tác động ở mức ý nghĩa <10%, thậm chí là chưa tìm thấy tác động của ERM lên Tobin¬’s Q. Những phát hiện này kỳ vọng hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội áp dụng hiệu quả và toàn diện hệ thống quản lý rủi ro.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Rủi ro tài chính xảy ra đối với các doanh nghiệp (DN) ngày càng đa dạng về loại hình và tinh vi về mức độ. Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường kinh doanh và đầu tư có nhiều lợi thế, nên các DN có những đặc trưng riêng và những đặc trưng này có ảnh hưởng nhất định đến công tác ERM. Vì vậy, nghiên cứu tác động của ERM đến giá trị DN là việc làm cần thiết. Để đánh giá tác động ERM đến giá trị DN, bài viết phân tích mẫu thu thập từ 33 DN trên địa bàn TP. Hà Nội. Các DN được nhóm tác giả lựa chọn nghiên cứu, đánh giá là các DN xây dựng hoạt động trong lĩnh vực xây lắp (doanh thu từ hoạt động xây lắp chiếm trên 50%) niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK). Trên cơ sở đó, đề xuất khuyến nghị giải pháp nhằm giúp các DN xây dựng niêm yết trên địa bàn TP. Hà Nội áp dụng hiệu quả và toàn diện hệ thống quản lý rủi ro.

Cơ sở nghiên cứu

Harrington et al. (2002) cho rằng, trong khuôn khổ ERM, các công ty nên xác định, đo lường tất cả các mức rủi ro (bao gồm rủi ro hoạt động và cạnh tranh) và quản lý chúng theo cách tiếp cận tích hợp, liên tục và tập trung.

Đo lường các mức rủi ro tại các công ty tài chính ở Hoa Kỳ và châu Âu, các nghiên cứu của McShane et al (2011), Farrell & Gallagher (2015), Bromiley et al (2015) cũng cho ra nhiều kết quả, nhưng các kết quả này còn chưa thống nhất và còn nhiều hạn chế.

Hoyt và Liebenberg (2011), Bertinetti và cộng sự (2013), Baxter và cộng sự (2013), Eckles et al (2014) và Farrell và Gallagher (2015) đã chỉ ra rằng, ERM có ảnh hưởng tích cực đến hiệu suất của công ty được đo lường bằng giá trị thị trường, hoặc trong các chỉ số kế toán.

Nghiên cứu mẫu của 117 công ty bảo hiểm Hoa Kỳ giao dịch công khai trong khoảng thời gian từ 1998 - 2005, Hoyt & Leibenberg (2011) đưa ra kết quả, ERM có tác động tích cực đến giá trị DN và phí bảo hiểm định giá là lớn (20%). Bertinetti và cộng sự (2013) sử dụng mẫu của 200 công ty lớn ở châu Âu để đánh giá ảnh hưởng của ERM đến giá trị DN. Mẫu bao gồm các công ty giao dịch công khai từ 17 ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả ngành Tài chính. Kết quả nghiên cứu của họ đã xác nhận những phát hiện của các nghiên cứu đề cập trước đó.

Sử dụng một mẫu của 354 công ty bảo hiểm giao dịch công khai ở Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2008, Eckles et al (2014) nhấn mạnh rằng, việc áp dụng ERM làm giảm rủi ro của công ty và nó cũng làm tăng hiệu suất kế toán cho một đơn vị rủi ro nhất định.

Trong nghiên cứu của mình, Beasley và cộng sự (2008) đã tìm thấy phản ứng thị trường không đáng kể khi các công ty tài chính tuyên bố bổ nhiệm giám đốc rủi ro trưởng (một ủy quyền cho việc áp dụng ERM). Sử dụng mẫu của các công ty Hoa Kỳ cho năm tài chính 2005, Gordon et al (2009) nhận thấy rằng, ảnh hưởng tích cực của ERM đến hiệu suất của công ty (được đo bằng lợi nhuận thị trường vượt quá một năm) phụ thuộc vào việc triển khai ERM phù hợp với các yếu tố cụ thể của công ty như thế nào.

Tương tự, sử dụng xếp hạng ERM tiêu chuẩn và nghèo nàn cho các công ty bảo hiểm, McShane et al (2011) lập luận rằng, giá trị DN có liên quan tích cực với mức độ quản lý rủi ro truyền thống tăng lên và tiêu cực với xếp hạng ERM cao hơn.

Như vậy, trên thế giới, tác động của ERM đến giá trị DN đã được quan tâm và nghiên cứu khá toàn diện. Còn ở Việt Nam, vấn đề ERM trong các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam hiện nay mới được chú ý trong vài năm gần đây và số lượng nghiên cứu về vấn đề này còn rất ít. Do đó, cần thiết phải có thêm các đánh giá liên quan đến vấn đề ERM để bổ sung bằng chứng thực nghiệm. Những nghiên cứu, đánh giá, giải pháp đề xuất sẽ góp phần giúp các DN xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội áp dụng hệ thống quản lý rủi ro hiệu quả và toàn diện hơn.

Mô hình và phương pháp nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Từ cơ sở nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:

Tobin’s Qit = α + β1 ERMit + β2 SIZEit + β3 ROAit + β4 GRit + β5 LEVERAGEit + β6 DIVIDENSit + εit.

Trong đó:

Tobin’s Q là giá trị DN, được tính bằng cách lấy giá trị thị trường của cổ phiếu cộng với giá trị sổ sách của các khoản nợ chia cho giá trị sổ sách của tài sản.

ERM thể hiện công tác quản trị rủi ro trong DN. Sẽ nhận giá trị bằng 1 nếu năm đó DN có báo cáo rủi ro đầy đủ theo quy định, hoặc DN có chức danh CRO hay CEO và bằng 0 trong các trường hợp còn lại.

SIZE là quy mô của DN, được tính bằng logarit của tổng tài sản.

ROA là tỷ suất sinh lời trên tài sản, được tính bằng thu nhập ròng trên tổng tài sản của DN.

GR là tốc độ tăng trưởng của doanh thu.

LEVERAGE là nợ vay, được tính bằng giá trị sổ sách của các khoản nợ chia cho giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu.

DIVIDENS là biến giả, sẽ nhận giá trị bằng 1, nếu năm đó DN trả cổ tức và bằng 0 trong trường hợp ngược lại.

Phương pháp nghiên cứu

Về dữ liệu nghiên cứu, mẫu nghiên cứu sử dụng trong bài viết chủ yếu là các DN xây dựng hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội và tham gia niêm yết trên TTCK trong thời gian từ 2012 – 2018. Nguồn dữ liệu lấy từ Fiinpro và thu thập thủ công từ báo cáo thường niên, báo cáo tình hình quản trị của các công ty niêm yết.

Về phương pháp phân tích, nghiên cứu sử dụng phần mềm EVIEWS nhằm thống kê mô tả dữ liệu và đánh giá tác động của ERM đến giá trị DN.

Tác động của quản trị rủi ro đến giá trị niêm yết của các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội - Ảnh 1

Kết quả nghiên cứu

Thống kê mô tả dữ liệu

Kết quả thống kê mô tả cho thấy, hệ số TOBIN_Q trung bình của các DN xây dựng đang là  0.930503, cao nhất là 1.665694 và thấp nhất là 0.563066. Giá trị trung bình của ERM là 0.647321, cao nhất là 1.00 và thấp nhất là 0.00; SIZE trung bình là 11.98027, SIZE cao nhất là 13.22591 và thấp nhất là 10.63326; ROA trung bình là 2.294241, ROA cao nhất là 18.71 và thấp nhất là -15.48; GR trung bình là 20.36567, GR cao nhất là 2587.970 và thấp nhất -100; LEVERAGE trung bình là 4.152054, cao nhất là 19.66 và thấp nhất là 0.28; DIVIDENDS trung bình là 0.861607, cao nhất là 1.00 và thấp nhất là 0.

Kết quả hồi quy

Xem xét cụ thể hơn về tác động của từng biến trong mô hình nghiên cứu đến giá trị DN cho thấy, chỉ có SIZE và ROA được cho là có gây ảnh hưởng thuận chiều lên Q ở mức ý nghĩa 5%. Các nhân tố còn lại đều không tìm thấy tác động ở mức ý nghĩa <10%, thậm chí là chưa tìm thấy tác động của ERM lên Q.

Mô hình đánh giá tác động của quản trị rủi ro tài chính tới giá trị DN được đo lường bằng chỉ tiêu TOBIN_Q, cụ thể là:

TOBIN’S Qit = α + β1 ERMit + β2 SIZEit + β3 ROAit + β4 GRit + β5 LEVERAGEit + β6 DIVIDENSit + εit.

Hàm hồi quy mẫu:

TOBIN’S Qit = -1.173355 + -0.017507 ERMit + 0.171905 SIZEit + 0.010419 ROAit – 1.10E-05 GRit + 0.007305 LEVERAGEit + 0.001982 DIVIDENSit

Kết luận và khuyến nghị

Từ tương quan đánh giá của các nghiên cứu trong và ngoài nước, bài viết góp phần bổ sung bằng chứng thực nghiệm về tác động của ERM đến giá trị DN tại các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ có SIZE và ROA được cho là có gây ảnh hưởng thuận chiều lên Tobin’s Q ở mức ý nghĩa <10%. Các nhân tố còn lại đều không tìm thấy tác động ở mức ý nghĩa <10%, thậm chí là chưa tìm thấy tác động của ERM lên Tobin’s Q.

Kết quả từ nghiên cứu có thể giúp các DN xây dựng lý giải được ảnh hưởng của ERM đến giá trị DN, từ đó giúp các nhà quả trị DN lựa chọn các quyết định tài chính, phương án sản xuất kinh doanh cho phù hợp nhằm tối đa hóa giá trị DN.

Thực tế cho thấy, đặc trưng của các DN xây dựng là quy mô vốn lớn, vì các công trình xây dựng có quy mô lớn, thời gian thi công dài. Do đó, các DN xây dựng có quy mô vốn lớn sẽ có lợi thế cạnh tranh và có ảnh hưởng tích cực đến giá trị DN. Khả năng sinh lời của DN tốt là yếu tố quan trọng tác động tích cực đến giá trị DN. Theo đó, nhóm tác giả đề xuất các DN, đặc biệt là các DN hoạt động trong linh vực xây dựng cần đặc biệt chú trọng công tác ERM DN. Bởi vì, trong thực tế các DN hiện nay vẫn nặng về tính hình thức, mô tả kết quả qua báo cáo tài chính, chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả ERM.        

Tài liệu tham khảo:

1. Farrell, M., & Gallagher, R. (2015), The Valuation Implications of Enterprise Risk Management Maturity. Journal Risk and Insurance, 82(3), 625–657;

2. Hoyt, R., & Liebenberg, A. (2015), Evidence of the value of enterprise risk management. Journal of Applied Corporate Finance, 27(1), 41–47;

3. Pagach, D. P., & Warr, R. S. (2010), The effects of enterprise risk management on firm performance. Working Paper, Social Science Research Network. Available at SSRN;

4. Baxter, R., Bedard, J. C., Hoitash, R., & Yezegel, A. (2013), Enterprise risk management program quality: Determinants, value relevance, and the financial crisis. Contemporary Accounting Research, 30, 1264–1295;

5. Eckles, D. I., Hoyt, R. E., & Miller, S. M. (2014), The impact of enterprise risk management on the marginal cost of reducing risk: Evidence from the insurance industry. Journal of Banking and Finance, 43, 247–261.