Tầm ngắm khối ngoại

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Trái ngược với sự suy giảm số lượng của nhà đầu tư nội, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đều đặn mở tài khoản và giải ngân vào thị trường. Động thái này chứng tỏ thị trường chứng khoán Việt Nam đã, đang và sẽ vẫn hấp dẫn khối ngoại.

Tầm ngắm khối ngoại
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đều đặn mở tài khoản và giải ngân vào thị trường. Nguồn: internet

Ngoại tăng, nội giảm

Theo thống kê, số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài mở mới năm 2013 tăng 56% so với năm 2012. Đến cuối tháng 12/2013, tổng số tài khoản đầu tư chứng khoán đạt khoảng 1,3 triệu tài khoản (tăng 40.000 tài khoản so với thời điểm cuối năm 2012), số tài khoản mở mới trong các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 114.000, 90.000 và 40.000 tài khoản.

Dù tổng tài khoản mở mới tăng thấp nhất trong 3 năm, nhưng số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài lại tăng 56% so cùng kỳ năm trước, đạt 676 tài khoản (cấp mới 412 tài khoản cá nhân và 264 tài khoản tổ chức).

Ngược lại, sự giảm sút số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước bắt nguồn từ quá trình cơ cấu trong nội bộ ngành chứng khoán. Xét chung toàn thị trường đã có 3 Công ty chứng khoán đóng cửa và 15 công ty bị Uỷ ban chứng khoán Nhà nước rút giấy phép. Trong năm 2013, các Công ty chứng khoán tăng cường củng cố hệ thống và tập trung phát triển các tài khoản hiện hữu hơn là phát triển mới.

Cùng với số lượng tài khoản mở mới, nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng mua bán mạnh trên thị trường, dù thông tin Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) sớm cắt giảm QE3 thời điểm giữa năm, khiến dòng vốn ngoại có xu hướng thoái khỏi các thị mới nổi. Nhiều nước trong khu vực bị bán ròng khá mạnh như Thái Lan hay Indonesia, trạng thái mua ròng cũng giảm mạnh ở hầu hết các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít nước có dòng vốn ngoại dương và tăng trưởng cho dù quy mô vẫn còn khá khiêm tốn. Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch mua ròng của khối ngoại trong năm 2013 đạt 6.824 tỷ đồng (tăng 53,1% so năm 2012). Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp dòng vốn ngoại tăng trưởng. Cho dù quy mô còn khiêm tốn khi chỉ bằng nửa tổng vốn khối ngoại đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn đỉnh 2010, nhưng đây vẫn là tín hiệu đáng mừng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chỉ số P/E và P/B của VN Index đang ở mức hấp dẫn so với các nước trong khu vực khi đạt lần lượt là 12,6x và 1,77x. Đặc biệt, kết quả kinh doanh năm 2013 được cải thiện khiến mặt bằng P/E giảm khá nhanh. Nếu so sánh với các thị trường biên và các thị trường trong khu vực, chỉ số P/E của các doanh nghiệp trên HOSE rẻ thứ 5 trong số 20 thị trường theo dõi.

Đích ngắm VN30

Theo phân tích của Công ty chứng khoán BIDV, diễn biến giao dịch của vốn ngoại trong năm vừa qua cho thấy khối ngoại tập trung mua mạnh trong quý I  và bán mạnh trong tháng 6, 7 và 8. Dòng vốn ngoại chỉ quay trở lại kể từ tháng 9 với sự tham gia tích cực của nhóm nhà đầu tư ngoài ETF và duy trì ổn định đến hết năm 2013.

Tuy nhiên, dòng vốn ngoại vẫn luôn đóng vai trò quan trọng đến sự ổn định chung của thị trường. Có thể dẫn chứng về hiện tượng này bằng các hoạt động của quỹ ETF. Thực tế, cả 2 quỹ ETF đều hoạt động năng nổ và hiện chiếm khoảng 24% giá trị mua ròng khối ngoại. Đặc biệt, diễn biến của TTchứng khoán kể từ đầu năm 2014 đến nay tiếp tục đi theo xu hướng này khi khối ngoại mua ròng rất mạnh.

Tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam từ 2009, cả 2 quỹ ngoại Market Vectors Vietnam Index (VNM) và FTSE Vietnam Index (FTSE) đang ngày càng có ảnh hưởng đến hoạt động mua bán của khối ngoại nói riêng và thị trường nói chung. Nếu so với các quỹ đã đầu tư vào thị trường Việt Nam ở giai đoạn đầu như Dragon Capital và Vinacapital, tổng tài sản khoảng 670 triệu USD của 2 quỹ ETF này là khá khiêm tốn.

Thế nhưng, tầm ảnh hưởng đến thị trường của ETF rất lớn do tính năng động, tăng giảm quy mô quỹ, tính chất cổ phiếu đầu tư và ảnh hưởng của các kỳ rà soát danh mục. Hiện VNM và FTSE đều có mức tăng trưởng quy mô chứng chỉ quỹ phát hành lần lượt 19%, tương đương 1.410 tỷ đồng mua ròng và 2,6%, tương đương 244 tỷ đồng mua ròng trong năm 2013. Đây cũng là 5 năm liên tiếp 2 quỹ ETF này có sự tăng trưởng về quy mô chứng chỉ quỹ, đồng nghĩa việc các quỹ vẫn thu hút được vốn của nhà đầu tư.

Theo Công ty chứng khoán BIDV, các quỹ ETF rất tiềm năng do kết hợp ưu điểm của quỹ mở là có thể tăng giảm vốn dễ dàng và linh hoạt. Khi quy định mở room cho nhà đầu tư nước ngoài được thông qua trong năm 2014 sẽ là bước ngoặt quan trọng mở rộng cơ hội đầu tư của khối ngoại nói chung và quỹ ETF nói riêng vào thị trường Việt Nam.

Theo đó, nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 vẫn tiếp tục nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2013, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài vẫn chỉ tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn trong danh sách VN30. Đây là những cổ phiếu đầu ngành phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn và cũng nằm trong danh mục cổ phiếu của các quỹ ETF.