Tăng thêm vốn cho nền kinh tế

Theo baocongthuong.com.vn

Thanh khoản cao, tín dụng tăng đều qua các tháng là động lực để ngân hàng thương mại tăng cường cho vay. Từ cuối quý III, nhiều gói tín dụng trị giá hàng nghìn tỷ đồng với chính sách hỗ trợ phù hợp và lãi suất ưu đãi đã được các ngân hàng triển khai.

Thanh khoản cao, tín dụng tăng đều qua các tháng là động lực để ngân hàng thương mại tăng cường cho vay. Nguồn: internet
Thanh khoản cao, tín dụng tăng đều qua các tháng là động lực để ngân hàng thương mại tăng cường cho vay. Nguồn: internet

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong tháng 7 vẫn ở mức dồi dào, thể hiện mặt bằng lãi suất liên ngân hàng qua đêm tính đến 18/7 là 1,11%, giảm 0,14 điểm % so với tháng 6, thấp nhất trong nhiều năm qua; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hút ròng hơn 26.000 tỷ trong khoảng 3 tuần từ ngày 1 - 22/7.

Bên cạnh đó, huy động vốn của hệ thống cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2015, trong khi tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương. Những yếu tố này chính là lực đẩy để các ngân hàng tập trung đưa vốn ra nền kinh tế, đảm bảo đủ vốn cho mùa kinh doanh cuối năm ngay từ quý III.

Đơn cử, Viet Capital Bank dành hạn mức 1.000 tỷ đồng hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các doanh nghiệp (DN) vừa, nhỏ và siêu nhỏ thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và xây dựng vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh không cần tài sản bảo đảm.

Các DN được vay tín chấp tối đa lên đến 1,5 tỷ đồng, kèm theo đó là ưu đãi về lãi suất và miễn phí sử dụng nhiều loại dịch vụ như: Dịch vụ chi lương qua thẻ, phí đăng ký và sử dụng dịch vụ thanh toán thuế điện tử... Hay tại VIB áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi 6,99%/năm trong 6 tháng đầu cho các khoản vay trên 12 tháng. Lãi suất sau thời gian ưu đãi được tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 3,99%/năm.

Gần đây nhất, SHB cũng đã công bố gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi bằng USD đối với DN xuất khẩu, thực hiện từ nay đến hết năm 2016 với lãi suất áp dụng là 2,35%- 2,8%/năm. Đây thực sự là giải pháp tài chính thiết thực cho các DN xuất khẩu nhằm giải quyết nhu cầu bổ sung nguồn vốn lưu động để thanh toán tiền mua nguyên vật liệu, hàng hóa phục vụ cho việc gia công, sản xuất, chế biến và kinh doanh hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh vốn cho DN nhỏ và vừa (SME) cũng được các ngân hàng tập trung giải ngân. Cụ thể, Ngân hàng Á Châu (ACB) dành 14.000 tỷ đồng để hỗ trợ tài chính cho SME, lãi suất từ 7,5%/năm. Riêng các ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến lương thực và thực phẩm, cao su, nhựa được ngân hàng áp dụng lãi suất c chỉ từ 7%/năm và được duy trì ổn định trong suốt năm 2016.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho SME vay ngắn hạn với lãi suất VND từ 6,71%/năm, lãi suất USD từ 2,68%/năm và ưu đãi 20 - 50% phí dịch vụ cho các DN nhập khẩu… Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB - cho hay, đối tượng và phân khúc khách hàng mà ngân hàng quan tâm để đẩy mạnh phát triển chiến lược bán lẻ vẫn là SME.

Song song với việc hỗ trợ nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại tới nền kinh tế, NHNN mới đây cũng đã tổ chức triển khai Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ DN. Trong đó, bên cạnh trọng tâm cải cách hành chính thì còn đẩy mạnh các chương trình đối thoại, kết nối DN.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: NHNN chi nhánh các tỉnh có thể chủ động tổ chức hoặc phối hợp với các sở, ban, ngành, phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh để có những hội nghị kết nối nhằm tháo gỡ cho DN một cách thiết thực.

Đối với cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ DN, NHNN yêu cầu từ nay tới cuối năm, các ngân hàng thương mại cần công bố công khai, minh bạch được một số điểm số lượng hồ sơ, điều kiện cho vay, thời hạn xử lý hồ sơ, phí.