Tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào “sức khoẻ” ngân hàng

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 là 21%, không phải là chỉ tiêu bắt buộc mà phụ thuộc vào từng sức khoẻ ngân hàng. Tính đến thời điểm này, các nhà điều hành chính sách tiền tệ nhận định, tăng trưởng tín dụng cuối năm đạt quanh mức 18% để “không gây bất ổn”.

Tín dụng là nhân tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016. Nguồn: Internet
Tín dụng là nhân tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016. Nguồn: Internet

Đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, mức tăng trưởng tín dụng 21% không phải là chỉ đạo của Chính phủ. NHNN không bị “gây sức ép” lên tốc độ tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. 

Tín dụng tăng đều 

Thời điểm này, chỉ còn hơn 1 tháng nữa năm tài chính 2017 sẽ kết thúc, điều dư luận quan tâm nhất lúc này là tăng trưởng tín dụng sẽ đạt con số bao nhiêu trên tổng mục tiêu 21% cho năm nay, hệ thống ngân hàng có an toàn, vốn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính- ngân hàng, điểm sáng của ngành ngân hàng thời gian qua là tín dụng. 

Điểm qua về tốc độ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay có thể thấy, tín dụng tăng trưởng đều qua các tháng. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 4,86%, cao nhất 6 năm. Tuy nhiên, sang những tháng tiếp theo, tín dụng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan.

Cụ thể, tháng 5 đạt 6,8%, sang tháng 6 tăng lên mức 8%. Ước tính đến hết tháng 8/2017, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đạt 11,5% so với cuối năm 2016, cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%.

Đặc biệt, bước sang những tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng tăng cao, song không vì thế mà tín dụng có mức tăng trưởng “dồn cục” như những năm trước.

Nhìn vào mức tăng trưởng tín dụng 2 tháng gần đây có thể thấy tín dụng vẫn được NHNN kiểm soát chủ động, tháng 9 đạt 11,02%, tháng 10 tăng lên mức 12,83% (cùng kỳ tăng gần 12%).

Tuy nhiên, hai tháng còn lại của năm sẽ là thời điểm “nóng” về nhu cầu tín dụng. Nếu tín dụng tăng trưởng quá đà sẽ gây ra những hệ lụỵ cho nền kinh tế. Thực tế, bài học nhãn tiền này đã từng xảy ra vào năm 2007 khi tín dụng tăng gần 54%, năm 2009 tăng 36% đã gây ra những hệ lụy rất lớn không chỉ trong kinh tế, mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn hệ thống ngân hàng như: nợ xấu tăng cao, nhiều vụ đại án liên quan đến sai phạm trong hoạt động ngân hàng. Thậm chí, một số ngân hàng có nguy cơ phá sản, buộc NHNN phải mua lại 0 đồng.

Trả lời phiên chất vấn tại Quốc hội, người đứng đầu NHNN khẳng định, đến nay, ngành ngân hàng vẫn kiểm soát chặt chẽ tổng mức tăng trưởng tín dụng cũng như chất lượng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng bền vững.

“NHNN điều hành chính sách tiền tệ căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của CP để tăng trưởng tín dụng cuối năm đạt quanh mức 18% để không gây bất ổn”, Thống đốc nói.

Kiểm soát chặt tín dụng

Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến nay tín dụng chủ yếu tập trung vào sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng là nhân tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, với lĩnh vực cho vay rủi ro như chứng khoán, bất động sản, NHNN đã có giải pháp kiểm soát tín dụng vào bất động sản như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, trung bình, thu nhập thấp.

“Đối với lĩnh vực chứng khoán, tỷ trọng hiện nay thấp, giảm mạnh so với 2016. Cụ thể tỷ trọng cho vay hiện khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối 2016”, ông Hưng nhấn mạnh.

Riêng việc cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán, NHNN quy định rất rõ ràng, chặt chẽ. Thống đốc cho biết, điều kiện để cho vay chứng khoán là các ngân hàng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay; ngân hàng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán giới hạn 5% vốn điều lệ… “Với các quy định này, chúng tôi tin tưởng đủ chặt để kiểm soát rủi ro”, Tư lệnh ngành ngân hàng khẳng định.

Với câu hỏi liên quan đến nợ xấu, Thống đốc cũng thông tin đến các đại biểu về những chuyển biến tích cực ngay sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tròn 3 tháng có hiệu lực, với những con số đáng mừng.

Theo đó, công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay khoảng 16.000 tỷ đồng. 

Hiện nay, không chỉ có VAMC, các ngân hàng khác cũng đang rốt ráo thu hồi nợ xấu, đặc biệt công tác thu giữ tài sản đảm bảo đã thuận lợi hơn rất nhiều giúp các ngân hàng cũng như VAMC nhanh chóng thu hồi được vốn “đóng băng” suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, tại phiên chất vấn, Thống đốc NHNN cho biết, việc xử lý ngân hàng yếu kém hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về pháp lý. Chính vì vậy, nếu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, tái cơ cấu ngân hàng sẽ tiến triển tốt hơn trong thời gian tới.