Thận trọng với giao dịch nội bộ

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Những cổ đông nội bộ thường tích trữ cổ phiếu của công ty nếu hoạt động tốt trong dài hạn nhưng cũng sẽ là đối tượng bán ra cổ phiếu trước khi doanh nghiệp trải qua các giai đoạn khó khăn.

Hoạt động mua bán cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, ban lãnh đạo và người có liên quan là giao dịch hết sức bình thường nhưng giao dịch với số lượng nhiều, thường xuyên sẽ xuất hiện nhiều nghi vấn. Nguồn: Internet.
Hoạt động mua bán cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, ban lãnh đạo và người có liên quan là giao dịch hết sức bình thường nhưng giao dịch với số lượng nhiều, thường xuyên sẽ xuất hiện nhiều nghi vấn. Nguồn: Internet.

Mới đây, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) đã phát đi thông báo đăng ký bán 60 triệu cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) nhằm mục đích tái cấu trúc tài chính.

HAGL đang nắm giữ hơn 513 triệu cổ phiếu HNG, tương đương gần 58% vốn điều lệ của HAGL Agrico. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của HAGL tại đây sẽ giảm xuống còn 51,04%.

Liên tiếp công bố thông tin

Thông tin được đưa ra đúng thời điểm cả HAG và HNG đều đang liên tiếp cùng nhau phá đỉnh, HNG đã đạt mức giá 19.000 đồng/cp trong phiên 11/7, ghi nhận mức tăng gần 26,7% trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Ngay trong phiên đầu tiên HAGL bắt đầu bán ra (12/7) HNG đã giảm 1,1% xuống còn 18.800 đồng/cp. Trong khi đó, giao dịch của HAGL sẽ kết thúc vào ngày 12/8.

Nhóm quỹ đầu tư VI Group (Vietnam Investment) cũng vừa có thông báo về việc giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Gemadept xuống còn 20,44%, do VI Fund II, L.P đã bán ra thành công gần 30 triệu cổ phiếu GMD.

Ngoài ra, hai quỹ thành viên còn lại gồm VI Partners và VI Fund I, L.P cũng đăng ký bán ra toàn bộ số cổ phiếu GMD đang nắm giữ trong tháng 7 đến đầu tháng 8. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sự rời đi của quỹ ngoại này phần lớn được cho là để “dọn đường” cho công ty TNHH SSJ Consulting (Việt Nam), công ty con của Sumitomo (Nhật Bản).

Ở chiều mua vào, vừa qua ông Vũ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà (SongDa IC), đã mua thành công 3 triệu cổ phiếu SDD, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,8% lên 23,54% và trở thành cổ đông lớn.

Ở chiều ngược lại, ông Đinh Văn Nhân, cựu Chủ tịch HĐQT, cũng đã bán lượng cổ phiếu tương đương và không còn là cổ đông lớn. Với những diễn biến trên, nhiều khả năng vị Chủ tịch Vũ Hà Nam đã mua phần cổ phiếu từ ông Nhân.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG), cũng đã mua thành công hơn 5,5 triệu cổ phiếu HPG trong khoảng thời gian từ 28/6 đến 8/7, tăng tỷ lệ sở hữu lên 25,35% tại Hòa Phát.

Đây được cho là hành động trấn an tâm lý cổ đông do cổ phiếu HPG đang có diễn biến lạc nhịp với thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Hiện, HPG đang giao dịch tại mức giá 21.900 đồng/ cp, giảm 19,5% so với hồi đầu tháng 3.

Nhìn chung, hoạt động mua bán cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, ban lãnh đạo và người có liên quan là giao dịch hết sức bình thường nhưng giao dịch với số lượng nhiều, thường xuyên sẽ xuất hiện nhiều nghi vấn.

Những nghi vấn là hoàn toàn có cơ sở bởi một điều lạ là đa phần những giao dịch nội bộ, giao dịch cổ đông lớn hay các bên liên quan đều xuất hiện tại những doanh nghiệp bị thua lỗ, hoặc có vướng mắc trong hoạt động kinh doanh.

Thông thường, những thông tin mua bán cổ phiếu của nội bộ thường có ảnh hưởng tới diễn biến giá của cổ phiếu trên sàn, cổ đông nội bộ mua vào sẽ khiến cổ phiếu tăng giá hoặc ngược lại.

Than-trong-voi-giao-dich-noi-b-2558-6630

Nhà đầu tư không nên đưa ra quyết định chỉ dựa vào động thái mua vào của một vị lãnh đạo nào đó

Động thái nhạy cảm

Ngay cả trong trường hợp tích cực, nhà đầu tư vẫn có thể nghi vấn về một sự toan tính như đẩy giá, tạo thanh khoản ảo, dùng thông tin kiếm lời… Do đó, những doanh nghiệp thực sự tốt thường không có lý do để thực hiện những hành động “cá cược” với niềm tin như vậy.

Thật vậy, nhìn lại những trường hợp mua bán đã nêu ở trên, ông Đinh Văn Nhân đã bán lượng cổ phiếu 3 triệu đơn vị bằng phương thức thỏa thuận với giá bán 2.700 đồng/cp, trong khi giá thị trường của SDD thời điểm đó (5/7) là 2.800 đồng/cp.

Hiện, cổ phiếu SDD đã giảm về đúng mức giá 2.700 đồng/cp ngay khi ông Vũ Hà Nam hoàn thành giao dịch.

Đáng chú ý, sau khi kết thúc năm tài chính 2018, SongDa IC ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp thua lỗ, khoản lỗ lũy kế đến hết ngày 31/12/2018 là 19,36 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết theo quy định.

Ngay cả đối với “ông lớn” ngành thép Hòa Phát, hoạt động mua vào cổ phiếu của Chủ tịch cũng diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận của Hòa Phát nói riêng và ngành thép nói chung đang trong đà “lao dốc”.

Kết thúc quý I/2019, dù doanh thu bán hàng vẫn tăng nhưng lợi nhuận từ thép của Hòa Phát đã giảm khoảng 14% do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Ngay cả với giao dịch thoái vốn của HAGL tại HAGL Agrico dù về bề nổi thì có thể đến từ việc hợp tác với Thaco nhưng vẫn có ý kiến cho rằng có một sự “bất thường” trong hoạt động bán ra của công ty mẹ, bởi cổ phiếu HNG đã tăng quá cao trong thời gian qua.

Do đó, việc theo dõi những động thái của các cổ đông nội bộ là điều hoàn toàn hợp lý bởi họ có thể bán cổ phiếu với nhiều lý do nhưng mua cổ phiếu là sẽ có mục đích rõ ràng. Nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn còn ảm đạm và có khá nhiều vụ mua bán “chui” cổ phiếu vừa bị xử phạt trong thời gian gần đây.

Để nhận ra bản chất của các giao dịch này, ngoài chuyên môn, nhà đầu tư cần kinh nghiệm trong việc đánh giá thực trạng doanh nghiệp, thời điểm diễn ra giao dịch cũng như nhìn lại các mối quan hệ của người tham gia giao dịch để đặt ra nghi vấn với những giao dịch không hoàn toàn “vô tư”.