Thanh khoản ngân hàng có dấu hiệu "căng"

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Trong nửa đầu năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng luôn trong trạng thái dồi dào, nhưng từ tháng 8 đến nay có dấu hiệu “căng”, biểu hiện rõ nhất là lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh.

 Lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh tăng. Nguồn: Internet
Lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh tăng. Nguồn: Internet

Giới chuyên gia đánh giá, đây được xem là dấu hiệu lạ bởi tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 8 mới đạt 50% so với mục tiêu, trong khi nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng, nên việc cho vay vốn sẽ được siết chặt.

Vậy, điều gì đã khiến thanh khoản hệ thống trong hai tháng gần đây trái ngược hoàn toàn với sự dư thừa trong 6 tháng đầu năm?

Lãi suất tăng mạnh

Theo công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2018 đã cho thấy sự đảo chiều khi tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) đã cao hơn so với tăng trưởng tín dụng (mức chênh lệch đạt 1,6%).

Điều này đã giúp phần chênh giữa tăng trưởng M2 và tăng trưởng tín dụng lên mức 238 nghìn tỷ đồng tại thời điểm 20/6/2018 – mức cao nhất kể từ tháng 2/2017 – thay cho mức 54 nghìn đồng vào thời điểm 31/12/2017.

Nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua số lượng lớn ngoại tệ trong 6 tháng, nên đã bơm ra một lượng tiền lên đến 250 nghìn tỷ đồng để nâng dự trữ ngoại hối lên xấp xỉ mức 65 tỷ USD. Đây chính là lý do khiến thị trường ngân hàng luôn dồi dào tiền mặt.

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến ngày 30/8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 8,5% so với cuối năm 2017, tương đương với phần tăng thêm là 527 nghìn tỷ đồng, đạt 50% mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Trong khi đó, việc cung ứng vốn ra thị trường của các ngân hàng không còn ồ ạt như trước kia, mà chủ yếu dành vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên, hạn chế cho vay lĩnh vực bất động sản, BOT…

Một nguyên nhân nữa là nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng nên việc đẩy vốn ra thị trường ít hơn.

Thời gian qua đã xuất hiện những diễn biến lạ trên thị trường liên ngân hàng, đó là lãi suất liên tục tăng mạnh và neo ở mức cao kể từ đầu tháng 8 trở lại đây.

Cụ thể, từ ngày 6 – 10/8, lãi suất bình quân bằng VND trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên giao dịch ngày 10/8, lãi suất giao dịch kỳ hạn qua đêm đạt mức 4,51%/năm (tăng 2,29%), kỳ hạn 1 tuần ở mức 4,61% (tăng 2,13%), kỳ hạn 2 tuần ở mức 4,60% (tăng 1,83%) và kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,65% (tăng 1,17%).

Ngày 16/8 đã ghi nhận lãi suất VND chào bình quân liên ngân hàng tăng 0,07 – 0,10 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với phiên 15/8. Cụ thể: qua đêm là 4,70%/năm; 1 tuần là 4,73%/năm; 2 tuần là 4,73%/năm và 1 tháng là 4,75%/năm.

Đặc biệt, hai ngày cuối trong tháng 8, mức tăng đáng ngạc nhiên: Lãi suất qua đêm liên ngân hàng hôm 27/8 lên tới 4,6%/ năm, kỳ hạn 1 tuần cho tới 3 tháng đều ở mức 4,7%-4,9%/năm. Trong phiên 28/8, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt đôi chút nhưng vẫn ở quanh mức 4,6% qua đêm và 4,7%-5,1% từ 1 tuần cho tới 6 tháng.

BVSC nhận định: “Việc lãi suất liên ngân hàng neo ở mức cao trong nhiều tuần liên tục phản ánh sự eo hẹp trong thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng nói chung”.

Ngân hàng Nhà nước rút tiền

Các chuyên gia BVSC phân tích, những căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu dẫn truyền sang thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư).

Điển hình như các ngân hàng Bản Việt, SHB, Techcombank, Vietbank… đã điều chỉnh biểu lãi suất với mức điều chỉnh 0,1-0,3% tùy từng kỳ hạn. Một số ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng đã tăng lãi suất huy động 0,1 – 0,2 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn như BIDV, Vietcombank, VietinBank.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần xác nhận, lãi suất liên ngân hàng đang tăng do thanh khoản hệ thống có những căng thẳng nhất định, vì gần đây NHNN đang chủ động rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng nhằm thực giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Từ đó, có xu hướng rút VND mua USD dẫn đến lãi suất VND phải tăng để giữ chân khách hàng.

Theo thống kê của BVSC, kể từ ngày 30/7 – 24/8, NHNN đã hút ròng tổng cộng 23.687 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở (435 tỷ đồng) và tín phiếu (23.252 tỷ đồng).

Cùng với đó, hoạt động bơm tiền đồng mua ngoại tệ cũng đã không được thực hiện kể từ đầu quý III. Thậm chí, với sự căng thẳng của tỷ giá USD/VND, ước tính NHNN cũng đã phải bán ra trên 2 tỷ USD, đồng nghĩa hút thêm 46.000 tỷ đồng về. Diễn biến này là hoàn toàn đối lập với việc bơm 250.000 tỷ đồng để mua vào ngoại tệ trong hai quý đầu năm.

BVSC cho rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm trong thời gian tới, tuy nhiên mức tăng sẽ được giới hạn ở mức không quá nhiều (dưới 0,5%).

Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng cuối năm sẽ thấp hơn 6 tháng đầu năm (room tăng trưởng tín dụng cho năm nay chỉ là 15%, trong khi đa phần các ngân hàng đã dùng hết 2/3 hạn mức tăng tín dụng trong 6 tháng đầu năm).

Việc tăng lãi suất có thể cũng sẽ tập trung ở các kỳ hạn dài khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị giảm xuống còn 40% kể từ đầu năm 2019.