Thanh khoản tăng trong hiện trạng “xanh vỏ đỏ lòng”

Theo Hoàng Anh/tinnhanhchungkhoan.vn

Dòng tiền hồ hởi chảy vào kênh chứng khoán giúp thị trường chứng khoán giao dịch sôi động và tăng điểm. Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, đà tăng không có sự đồng thuận của số đông các mã, nên rủi ro ngắn hạn là thị trường có khả năng phân phối.

Thanh khoản tăng trong hiện trạng “xanh vỏ đỏ lòng”.
Thanh khoản tăng trong hiện trạng “xanh vỏ đỏ lòng”.

Phóng viên: Tuần qua, chứng khoán Việt Nam ghi nhận kỷ lục mới về giá trị giao dịch. Theo ông, thanh khoản tăng mạnh đến từ nguyên nhân nào?

Ông Trịnh Thanh Cần.
Ông Trịnh Thanh Cần.

Ông Trịnh Thanh Cần: Thanh khoản tăng mạnh trong ngày 14/10, nhưng quan sát kỹ hơn sẽ thấy hơn 1 tháng vừa qua thanh khoản đã từng bước tăng lên, từ trung bình 300 triệu cổ phiếu/phiên trong tháng 7, tháng 8 đến hơn 400 triệu cổ phiếu/phiên trong tháng 10, đỉnh điểm là gần 450 triệu cổ phiếu/phiên được chuyển nhượng, trị giá hơn 14.000 tỷ đồng trong 1 phiên của tuần qua.

Trước hết, phải nói đến nền tảng cơ bản tốt của thị trường. Chính sách lãi suất thấp đang cung cấp nguồn tiền dồi dào, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất điều hành, mới đây giảm thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 8/10 và các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động các kỳ hạn.

Trong khi kênh gửi tiền kém hấp dẫn thì kênh đầu tư vàng biến động khó lường khi giá vàng trong nước ở mức cao so với giá thế giới và đang ở vùng cao trong lịch sử.

Trái phiếu doanh nghiệp vốn có mức lợi suất cao cũng có chiều hướng bị thu hẹp do Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực vào đầu tháng 9 siết lại hoạt động phát hành công cụ này.

Do đó, kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn, mức đầu tư linh hoạt so với vàng và bất động sản, đồng thời đem lại cơ hội thu lợi nhuận cao.

Các nền tảng cơ bản khác là xã hội ổn định, kinh tế phục hồi, dịch Covid-19 được kiểm soát… Trong đó, GDP 9 tháng tăng trưởng cao so với hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo niềm tin kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi mạnh vào 2021.

Trong chuyển động tích cực của thị trường chứng khoán, nhóm được quan tâm nhất gần đây là cổ phiếu ngân hàng, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong đà tăng của chỉ số chung. Đây là nhóm dẫn sóng chính, cải thiện tâm lý nhà đầu tư và chiếm một phần lớn thanh khoản của thị trường.

Bên cạnh đó, các giao dịch thỏa thuận tại nhiều cổ phiếu lớn góp phần tạo tâm lý tích cực cho thị trường như cổ phiếu SAB có giao dịch thỏa thuận 26 triệu đơn vị (hơn 4.000 tỷ đồng) trong ngày 14/10 do Heineken chuyển nhượng; TCB, EIB, VPB, HPG đều là các mã vốn hóa lớn có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao giao dịch thỏa thuận “khủng” trong ngày 14/10.

Kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp sắp được công bố, triển vọng quý IV cũng như cả năm sẽ rõ nét hơn. Hoạt động tái cơ cấu danh mục đón đầu dự đoán kết quả kinh doanh, kế hoạch chia cổ tức trong quý I và II/2021 cũng sẽ là động lực cho thị trường.

Có ý kiến cho rằng, thanh khoản tăng cao có thể do thị trường đang ở giai đoạn “phân phối” sau thời gian tăng điểm kéo dài?

Thị trường tăng với sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn, cụ thể là nhóm ngân hàng và một số cổ phiếu riêng lẻ như MSN. Nhìn chung, thị trường thiếu sự đồng thuận tăng trên diện rộng.

Chỉ số VN-Index thường xuyên rơi vào trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” khi số mã cổ phiếu giảm giá luôn xấp xỉ hoặc chiếm ưu thế so với số mã tăng giá.

Thị trường tăng kéo dài, nhưng đà tăng có giới hạn bởi kinh tế Việt Nam và thế giới cần nhiều thời gian để hồi phục, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết chững lại hoặc tăng chậm, thậm chí giảm.

Về kỹ thuật, xu hướng tăng tuy vững khi bám sát trung bình động 20 ngày, nhưng diễn biến lại rất giằng co, không tương ứng với đà tăng mạnh của thanh khoản.

Số mã tăng/số mã giảm gần như đi ngang. Đà tăng không có sự đồng thuận của số đông các mã trên thị trường. Do đó, rủi ro ngắn hạn khi thị trường có khả năng phân phối là có.

Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình, tập trung vào các mã vốn hóa lớn và các mã vốn hóa vừa dự kiến đạt kết quả kinh doanh khả quan, đồng thời chốt lời dần các cổ phiếu khi giá đạt mục tiêu ban đầu.

Ông có dự báo gì về xu hướng thị trường và dòng tiền trong ngắn hạn?

Dư địa tăng giá vẫn còn với các mã lớn như MBB, TCB, PNJ, SAB, VHM, VIC. Chỉ số có thể duy trì diễn biến tăng, nhưng rủi ro chốt lời cũng tăng dần khi động cơ của thị trường là nhóm VN30 đã có nhiều mã tiến đến vùng giá đầu năm 2020 hoặc vượt qua như FPT, VCB, MSN, HPG, REE..

Sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn khiến chỉ số tăng điểm, nhưng tiềm ẩn rủi ro khi đối diện với áp lực chốt lời, hay hết “game”.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thanh khoản được ủng hộ bởi chính sách tiền tệ và tài khóa nên nhiều khả năng sẽ không sụt giảm, dự báo xoay quanh vùng 300 - 400 triệu cổ phiếu/phiên.

Xin cảm ơn ông!