Thanh toán bằng tiền mặt giảm từ 14,02% xuống còn 11,45% sau 7 năm

Theo Duy Phan/vietnamfinance.vn

Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) được tổ chức sáng 6/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định thanh toán di động (mobile payment) đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển. Nguồn: internet
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển. Nguồn: internet
"Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Cũng theo ông Huệ, sự xuất hiện của mobile payment đã giúp cộng đồng thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, các công ty khởi nghiệp tài chính điện tử (Fintech) cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với một số lượng lớn người lao động, bình thường vốn ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tài chính truyền thống.

"Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước", ông nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.

“Thế giới ngày nay, thế giới của công nghệ và sáng tạo, thì một nước đi sau có thể có lợi thế hơn, nhưng với điều kiện là đi sau thì phải đi trước. Chúng ta phải đi trước, phải đi nhanh hơn với nền tảng Internet và điện thoại di động rộng khắp. Chỉ có đi trước thì những nước đi sau mới thay đổi được thứ hạng. Đi trước đầu tiên phải là tạo môi trường cho cái mới. Chính phủ kiến tạo của chúng ta cam kết điều đó”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra con số thống kê, hiện nay, Việt Nam có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả các nhóm dân cư ở Việt Nam, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như hiện tại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, đặc biệt có sự đột phá trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cụ thể, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017.

Ông cũng cho biết, NHNN cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử; các giải pháp để tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và sự tin cậy đối với các hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc giám sát quốc tế.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Hiền Huy, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Điều hành ngành hàng Thiết bị Di động Công ty Điện tử Samsung Vina, thanh toán di động đang rất phổ biến và thịnh hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ông cũng khẳng định đây sẽ là xu thế tất yếu.

Đại diện này dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng Hàn Quốc cho biết có đến 1,26 triệu giao dịch qua thanh toán di động trong quý IV/2016, gần gấp 3 lần so với con số 440.000 của cả 3 quý trước đó. 

Ngoài ra, số người dùng loại dịch vụ này cũng đã cán mốc 32 triệu người vào cuối năm ngoái. Ở Hàn Quốc, khi đi chợ họ không mang tiền mặt và thẻ, họ chỉ dùng điện thoại. Hiện nay, ở Hàn Quốc, cứ 10 người thì có 7 người dùng Samsung Pay.

Sau 6 tháng kể từ khi ra mắt tại Mỹ, Samsung Pay đã có 5 triệu người dùng đăng ký và giao dịch trên 500 triệu USD trên nền tảng này. Hiện tại Samsung Pay đã được triển khai tại 19 thị trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Samsung liên tục đánh giá các thị trường trên toàn thế giới để xem nơi nào sẽ là nơi tiếp theo có thể giới thiệu Samsung Pay.