Thị trường bảo hiểm năm 2014: Những điểm nhấn đáng chú ý

Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính

(Tài chính) Năm 2014, tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thị trường bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng, với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.

Hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm là một trong những nội dung hợp tác tài chính ASEAN, hướng tới một cộng đồng chung vào năm 2015. Nguồn: internet
Hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm là một trong những nội dung hợp tác tài chính ASEAN, hướng tới một cộng đồng chung vào năm 2015. Nguồn: internet

Tổng doanh thu phí ước tăng 14,2%

Năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 25.250 tỷ đồng, tăng 10,5%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 27.430 tỷ đồng, tăng 17,9%.

Xét riêng hoạt động môi giới bảo hiểm, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới trong năm 2014 ước đạt 5.996 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2013; tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm là 476,6 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2013.

Tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm của toàn thị trường năm 2014 ước là 18.552 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2013. Trong đó, số tiền của các DN bảo hiểm nhân thọ là 8.199 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2013; số tiền của các DN bảo hiểm phi nhân thọ là 10.353 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2013.

Ước tính, đến cuối năm 2014, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DN bảo hiểm đạt 131.371 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, các DN bảo hiểm nhân thọ đầu tư 102.968 tỷ đồng, tăng 18,2%; các DN bảo hiểm phi nhân thọ đầu tư 28.403 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường bảo hiểm năm 2014: Những điểm nhấn đáng chú ý - Ảnh 1

Nỗ lực triển khai các sản phẩm mới

Trong năm 2014, khối DN bảo hiểm phi nhân thọ hoàn thành đúng thời gian, tiến độ triển khai Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và Đề án thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 và Quyết định số 2011/QĐ-TTg ngày 5/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Hai đề án trên đã mở ra hướng đi mới cho các DN bảo hiểm trong việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm có nhiều tiềm năng như bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt là việc hợp tác với các đối tác nước ngoài có nhiều lợi thế về kinh nghiệm và kỹ năng quản lý trong khai thác bảo hiểm tín dụng thương mại nói chung, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nói riêng.

Để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách bảo hiểm. Ngoài ý nghĩa về an sinh - xã hội, việc hỗ trợ phí bảo hiểm cho ngư dân tham gia mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bảo hiểm thân tàu góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm, qua đó hình thành thói quen và nhu cầu tham gia bảo hiểm trong tương lai, đặc biệt đối với người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/5/2014. Theo đó, Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích DN bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm rủi ro thiên tai và giao Bộ Tài chính có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài chính cho phòng, chống thiên tai, chính sách bảo hiểm rủi ro thiên tai.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009 của Quốc hội khóa 12 về chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, cùng với việc đầu tư dự án, chuẩn bị nhân lực vận hành, thì các văn bản pháp quy liên quan đang được đẩy mạnh xây dựng, từ dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đến các nghị định, thông tư hướng dẫn. Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đang phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các DN bảo hiểm phi nhân thọ nghiên cứu, xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm, cơ chế tái bảo hiểm và các vấn đề liên quan đến bảo hiểm trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đây là sản phẩm bảo hiểm mới và phức tạp, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, đòi hỏi phải được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và đánh giá điều kiện thực tế tại Việt Nam để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả trong khai thác.

Đối với khối bảo hiểm nhân thọ, cùng với sự gia nhập thị trường của nhiều DN mới, sự cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm nhân thọ ngày càng tăng. Trong những năm qua, khi tổng cầu về bảo hiểm nhân thọ bị ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của nền kinh tế, để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định là một thách thức đối với các DN bảo hiểm. Vì vậy, các DN nỗ lực xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, tập trung phát triển sản phẩm bảo hiểm thế mạnh, mở rộng các kênh phân phối mới bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, giúp bảo hiểm nhân thọ tiếp cận người có nhu cầu bảo hiểm dễ dàng hơn. Trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm mới, đó là bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm vi mô.

Thị trường bảo hiểm năm 2014: Những điểm nhấn đáng chú ý - Ảnh 2

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý

Thực hiện chủ trương của Chính phủ (tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2014, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, Nghị quyết số 56/NQ-CP ngày 4/8/2014, Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 4/9/2014); chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính (tại Quyết định số 1553/QĐ-BTC ngày 8/7/2014) về thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, trong thời gian qua, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã tập trung thực hiện các công việc trọng tâm sau:

Một là, phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), Bộ Tư pháp rà soát hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm, bao gồm Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, các nghị định và thông tư hướng dẫn.

Cục đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 68/2014/NĐ-sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2007/NĐ-CP, quy định bổ sung loại hình nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh, tạo điều kiện cho thị trường phát triển, mở rộng sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành kịp thời Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ về nghiệp vụ bảo hiểm phát triển thủy sản (Thông tư số 115/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm; Thông tư số 116/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn một số vấn đề về tài chính đối với các DN bảo hiểm); Thông tư liên tịch hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho DN bảo hiểm nhân thọ (Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 2/7/2014).

Đáng chú ý, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hoàn thiện tổ chức bộ máy Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và các quy chế quản lý, sử dụng và điều hành Quỹ. Ngày 9/9/2014, Quỹ đã đi vào hoạt động với mức nộp Quỹ năm 2014 là 0,1% tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại của các hợp đồng bảo hiểm gốc năm 2013.

Hai là, làm việc với từng khối DN bảo hiểm (nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm), làm việc với từng DN cụ thể để quán triệt việc thực hiện quy định pháp luật, nắm bắt tình hình quản trị DN, quản trị tài chính và nhân sự, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có biện pháp tháo gỡ.

Ba là, tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra các DN bảo hiểm. Trong năm 2014, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã kiểm tra 4 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 5 DN bảo hiểm nhân thọ, 3 DN môi giới bảo hiểm và tổ chức 4 đoàn kiểm tra chuyên đề bảo hiểm xe cơ giới, thanh tra và xử phạt 1 DN môi giới bảo hiểm (Marsh), đang thanh tra DN bảo hiểm nhân thọ Cathay, thanh tra DN bảo hiểm phi nhân thọ PVI, kiểm tra DN môi giới bảo hiểm Thái Bình Dương.

Bốn là, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các khiếu nại giữa DN bảo hiểm với khách hàng hoặc đại lý bảo hiểm; giải quyết bồi thường các vụ gây rối liên quan đến “sự kiện biển Đông” hồi tháng 5 tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh.

Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách và ứng dụng công nghệ thông tin. Các hoạt động này được thực hiện thường xuyên, tích cực và chủ động.