Thị trường chứng khoán: Cần bình tĩnh trước sức "công phá" của Covid-19

Theo Hoàng Minh/tinnhanchungkhoan.vn

Lao dốc, hồi nhẹ, rồi lại lao dốc, đó là diễn biến của thị trường chứng khoán trong các phiên giao dịch vừa qua. Đây là đợt lao dốc thứ ba kể từ ngày 28/1, do tác động của dịch Covid-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giai đoạn khó khăn

Theo Công ty Chứng khoán Báo Việt (BVSC), sự hoảng loạn cao độ của nhiều nhà đầu tư khiến mức giảm điểm của thị trường chứng khoán có phần thái quá trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, xu thế trung hạn của thị trường khiến công ty này lo ngại, chỉ số chứng khoán nhiều khả năng tiếp tục suy giảm bởi dịch Covid-19 kéo dài và lan rộng trên toàn cầu, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Ba phiên đầu tuần này, VN-Index giảm 80 điểm, nâng mức giảm kể từ sau Tết Nguyên đán 2020 (28/1) đến nay lên hơn 180 điểm.

Theo đó, chỉ số từ trên 990 điểm xuống gần ngưỡng 800 điểm khi kết thúc phiên 11/3 (phiên sáng 12/3, chỉ số giảm thêm gần 45 điểm, còn 765,4 điểm).

Thị trường chứng khoán thế giới cũng “đỏ lửa” vì dịch Covid-19. Bên cạnh đó, dịch còn khiến giá dầu sụt giảm, tác động đến nhiều nền kinh tế, nhất là lĩnh vực dầu khí.

Phiên đầu tuần (9/3), giá dầu có lúc giảm trên 30%, về mức 31 USD/thùng, sau đó phục hồi nhẹ và hiện dao động quanh mức 36 - 37 USD/thùng.

Morgan Stanley mới đây đã hạ dự báo giá dầu Brent trong quý II/2020 từ mức 57,5 USD/thùng xuống 35 USD/thùng và giá dầu WTI từ mức 52,5 USD/thùng xuống 30 USD/thùng.

Emirates NBD dự báo, giá dầu sẽ tạo đáy trong quý II và hồi phục về cuối năm, dầu Brent đạt trung bình 45 USD/thùng trong năm 2020 và dầu WTI ở mức 40 USD/thùng. Kịch bản xấu nhất là giá dầu có thể chạm mức 20 USD/thùng trong năm nay.

Số liệu của Tổng cục Thống kê về chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm cho thấy, kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, dù không phải là tâm dịch.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó động lực chính của sản xuất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,4% (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,4%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3%, nhưng mức tăng này là thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong kỳ thống kê tháng 2 (21/1 - 20/2) giảm 37,7% so với tháng 1 và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách đến từ châu Á giảm 27,2%.

Trong hai tháng đầu năm có gần 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái…

Lưu ý, các số liệu thống kê trên cho thấy những khó khăn mới chỉ chớm bắt đầu từ tháng 2, dự báo sẽ ngày càng gia tăng trong các tháng tới khi nguồn hàng tồn kho, dự trữ nguyên vật liệu của nhiều doanh nghiệp sản xuất không còn nhiều, hay lượng khách du lịch tiếp tục sụt giảm do Việt Nam mới bắt đầu hạn chế khách du lịch đến từ Hàn Quốc từ cuối tháng 2…

Việt Nam đang phải chịu cả cú sốc cầu (xuất khẩu sụt giảm) lẫn cú sốc cung (gián đoạn sản xuất do thiếu nguyên vật liệu), trong đó tác động từ cú sốc cung được đánh giá là nghiêm trọng hơn.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam. Các chỉ số VN-Index, VNAllshare, VN30 đều đồng loạt giảm điểm.

Bức tranh lớn của thị trường cổ phiếu Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn, đặc biệt sau phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử ngày 9/3.

Trong bối cảnh này, giới đầu tư nói chung, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân dễ phản ứng với thông tin bất lợi theo chiều hướng tiêu cực và cảm tính. Hệ quả, giá cổ phiếu có thể rơi nhanh rồi phục hồi chớp nhoáng. Khi xu hướng giảm chi phối thị trường, đa số cổ phiếu sẽ tiếp tục đi xuống sau khi phục hồi.

Nhìn ở góc độ kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã rơi xuống dưới đường MA200 do tâm lý nhà đầu tư bị tác động mạnh bởi tình hình dịch Covid-19 và những diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính toàn cầu trong phiên 9/3.

Chỉ số P/E trượt 4 quý gần nhất của VN-Index ngày 11/3 chỉ còn 13 lần, là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2016 và đang thấp hơn khoảng 21% so với mức P/E bình quân 5 năm (16,4 lần).

Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, chỉ số VN-Index đã chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh theo phân tích kỹ thuật. Bên cạnh đó, chỉ số RSI (15) chỉ đạt 24,7 là mức quá bán mạnh và là mức thấp nhất kể năm 2008. Do đó, thị trường có thể sớm xuất hiện nhịp phục hồi.

Cơ hội đảo danh mục

Trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường và tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Bách, Phụ trách phân tích chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, xu hướng trung hạn của thị trường chứng khoán nhiều khả năng tiếp tục suy giảm, nhưng trong ngắn hạn, VN-Index có cơ hội bước vào nhịp hồi phục.

Theo đó, các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt có thể xem xét mở các vị thế mua với tỷ trọng thấp, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục khi VN-Index đã giảm sâu. Ðối với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao vẫn nên xem xét giảm tỷ trọng trong các phiên tăng điểm của thị trường.

Sự tác động từ dịch Covid-19 lần này đã đẩy rất nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh về vùng đáy vài năm qua, thậm chí tạo mức đáy mới.

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán, đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư dài hạn. Trên thế giới, nhiều nhà đầu tư gạo cội như Warrent Buffett hay Jim Rogers đều tận dụng các nhịp giảm mạnh của thị trường để mua vào.

Tất nhiên, không ít doanh nghiệp bị tác động bởi dịch có thể không thể phục hồi. Do đó, nhà đầu tư cần tập trung lựa chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và thị phần lớn.

Các doanh nghiệp này sẽ có đủ tiềm lực để sống cùng dịch và khi dịch qua đi, họ mới chính là những doanh nghiệp có cơ cơ hội bán hàng mạnh mẽ nhất và phát triển nhất.

Ông Ðinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường, VNDIRECT cho rằng, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bán cổ phiếu bằng mọi giá, vì thị trường có thể đã ở gần đáy ngắn hạn, nên chờ đợi nhịp phục hồi để hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu, tăng tỷ trọng tiền mặt và đặc biệt hạn chế sử dụng tiền vay để giảm thiểu rủi ro.

Các nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét giải ngân tỷ trọng nhỏ (20 - 30% giá trị danh mục đầu tư dài hạn) khi chỉ số về vùng hỗ trợ 780 điểm và ưu tiên các doanh nghiệp thuộc các ngành ít bị tác động bởi dịch Covid-19 như công nghệ, tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm), phân bón (giá dầu giảm mạnh giúp tiết giảm chi phí đầu vào), hoặc các nhóm ngành xuất khẩu mà Việt Nam tự chủ được nguồn cung nguyên liệu và được kỳ vọng phục hồi mạnh khi dịch qua đi như thủy sản (xuất khẩu tôm, cá tra).

Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang giảm mạnh do tâm lý bi quan đến từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sự thận trọng trong hoạt động giải ngân và hạn chế nắm giữ các tài sản rủi ro là điều cần thiết.

Song đây cũng là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu cơ bản thuộc các lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch và những ngành nghề phần nào được hưởng lợi từ giá dầu giảm.