Thị trường chứng khoán: Khối ngoại gia tăng tích lũy

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Chứng khoán đang bắt đầu quay trở lại chứng tỏ vị thế của một kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế, mà dòng vốn không chỉ đến từ các nhà đầu tư trong nước…

Thị trường chứng khoán: Khối ngoại gia tăng tích lũy
Giao dịch khối ngoại trên sàn Hà Nội 11 tháng năm 2013. Nguồn: internet
Bất chấp kết quả thống kê tháng 11 cho thấy trong tháng này thị trường tăng điểm 10,4% và 22,74% ở 2 chỉ số Vn-Index và HNX-Index so với tháng trước chủ yếu nhờ dòng tiền đến từ các nhà đầu tư trong nước, nhìn lại một chặng đường dài suốt 11 tháng qua, vai trò của các nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán Việt đã không hề tỏ ra yếu thế.

Nhà đầu tư tổ chức: Kiệt room

Trong 11 tháng 2013, khối ngoại đã bỏ ra mua ròng hàng hóa trên thị trường chứng khoán đạt 9.900 tỉ đồng – giá trị mua cao nhất của khối này từ trước đến nay. Giá trị mua ròng đạt đỉnh chứng tỏ khối ngoại đang đánh giá cao kì vọng sinh lời của hàng hóa trên thị trường. Ngoài ra, sự hiện diện của nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán còn thể hiện tích cực qua mã số được cấp giao dịch mới ở cá nhân trong năm.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu kí chứng khoán Việt Nam VDS, cũng trong 11 tháng, tổng số mã giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài ở cả cá nhân và tổ chức đã được cộng thêm 604 mã, đạt lũy kế 16.605 mã. Đây là mức tăng dần đều được giữ vững vàng và khá ổn đinh kể từ năm 2011 cho đến nay, kể cả trong giai đoạn vốn FDI ngập ngừng vào Việt Nam ở 2011 - 2012. Năm 2012, mã các nhà đầu tư tổ chức được cấp là 255 mã. Trong 11 tháng 2013, số mã của khối tổ chức được cấp là 229 mã.

Với 14.397 nhà đầu tư cá nhân và 2208 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đang có mặt trên thị trường chứng khoán nước ta, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại có thể nói chưa quá lớn và đông đảo, nhưng so với quy mô còn khiêm tốn của thị trường thì đây được đánh giá là một nhân tố quan trọng để chứng khoán còn đà tăng giao dịch và thanh khoản lớn hơn cả mức độ hiện nay.

Một ưu điểm của thị trường chứng khoán Việt là so với các thị trường trong khu vực, theo Bloomberg, hiện tại chỉ số giá tính trên mức sinh lời (PE) trung bình của các cổ phiếu niêm yết trên sàn TP. Hồ Chí Minh chỉ khoảng 12,7 lần, mức thấp và do đó biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán rẻ nhất Đông Nam Á. Trừ Nhật Bản, Vn-Index hiện là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Châu Á kể từ đầu năm, với 21%.

Cũng theo Bloomberg, ở những doanh nghiệp Việt làm ăn tốt, nhà đầu tư ngoại đã vắt kiệt room mua cổ phần và do đó, lượng mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán Việt đã tăng cao nhất kể từ năm 2008 cho đến nay.

Tuy nhiên, hãng kiểm toán quốc tế Ernst & Young, hiện vẫn chưa có dấu hiệu về một cuộc đổ bộ mạnh mẽ của các quỹ tới thị trường này. Và vì vậy cơ hội để Việt Nam sẽ nâng số mã giao dịch các nhà đầu tư tổ chức vẫn còn ở phía trước. Phân tích thị trường tuần khép lại tháng 11, thị trường chứng khoán FPTS cho biết một thông tin chưa chính thức về khả năng thị trường sắp đón nhận một lượng tiền mới từ 6 nhà đầu tư ngoại tương đương khoảng 300 triệu USD.

Mặc dù đây là thông tin chưa chính thức và chưa được kiểm chứng nhưng đây thực sự là một yếu tố hỗ trợ quan trọng với thị trường, bởi số tiền này còn lớn hơn số tiền 220 triệu USD mà khối ngoại thực tế đã đổ vào thị trường chứng khoán trong 11 tháng qua. Vì thế, nếu đúng, đây cũng là một thông tin có ý nghĩa dài hạn.

TPP, 60% và các bộ chỉ số

Đón tiền khối ngoại sẽ còn chảy nhiều hơn vào chứng khoán, doanh nghiệp Việt và các nhà đầu tư trong nước đang có nhiều cơ sở phán đán. Đó là kế hoạch năm 2014 mà các chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua đều cho thấy mục tiêu để “lái” nền kinh tế đi theo định hướng phát triển ổn định, có thể đón trước, phòng ngừa những rủi ro và có những cải thiện lạc quan hơn kinh tế năm 2013.

Quan trọng, với mức tăng trưởng GDP mục tiêu 5,8%, cao hơn mức 2013 và lạm phát 7%, doanh nghiệp, nhà đầu tư đều có thể dự đoán đường đi của chính sách tiền tệ - lãi suất trong năm tới. Theo đó, lãi suất sẽ không điều chỉnh tăng và ở một mặt bằng thấp như hiện nay, quyết định lợi suất yêu cầu của nhà đầu tư không tăng trong khi tăng trưởng GDP – quyết định triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp, tăng hơn năm nay 6%. 

Cùng với đó, dự đoán triển vọng kinh tế Việt Nam 2014, một nhận định từ Bộ phận Phân tích Công ty chứng khoán MBS cho rằng, hiện nay, thông tin về Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP “sẽ là một cú hích với thị trường chứng khoán khi dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào Việt Nam, khi TPP được thông qua”. Tuy nhiên, khả năng TPP được thông qua trong năm 2014 không cao do còn quá nhiều bất đồng giữa các nước”, MBS lưu ý.

Xét trên các dự đoán mặt bằng lãi suất không điều chỉnh, khả năng gói hỗ trợ kích thích thị trường bất động sản, chứng khoán hay nền kinh tế là không có dựa trên quan điểm thận trọng trong điều hành kinh tế năm 2014 của Chính phủ, MBS cũng đưa ra dự đoán chứng khoán vẫn sẽ là kênh có thanh khoản tốt và đặc biệt, điều đó sẽ phụ thuộc nhiều vào vốn ngoại theo xu thế vốn ngoại tiếp tục chảy vào thị trường. Bởi ở một nền kinh tế không có biểu hiện tiến bộ nhưng lại không xuất hiện những rủi ro do nới lỏng tiền tệ và khi ở bên ngoài, những gói siêu nới lỏng tiền tệ của các quốc gia phát triển cũng được rút về, khối ngoại sẽ tin tưởng hơn vào triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế đó.

Một yếu tố không thể nhắc đến, là khả năng sẽ khơi thông vốn ngoại một cách ồ ạt khi dự thảo quyết định nâng room quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoài trong doanh nghiệp Việt mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang trình Chính phủ được thông qua. Theo đó, một khi tỷ lệ nhà đầu tư ngoại được nâng từ 49% lên 60% và thậm chí 100% ở cổ phần không có quyền biểu quyết, khối ngoại sẽ có cơ hội nhiều để tăng sở hữu trong room tại những doanh nghiệp tốt, thường là những bluechips trên thị trường chứng khoán Việt Nam như Dược Hậu Giang hay Vinamilk, Đạm Phú Mỹ…

Bluechips có thị giá lớn, room rộng, giá trị lớn đổ vào sẽ càng tương xứng. Bên cạnh đó, khả năng Chính phủ sẽ cân nhắc tiến trình thoái vốn ở một số doanh nghiệp đang làm ăn tốt để có nguồn lực nâng hiệu năng của việc tái cơ cấu nền kinh tế, cũng sẽ tạo nên nên cơ hội rót vốn lấp room của khối ngoại”, một chuyên gia đầu tư cho biết.

Ngoài ra, sự cải thiện của chính nội tại của thị trường chứng khoán cũng đã và đang gia cố thêm lực hút vốn ngoại. Đầu tháng 12 này, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố 3 bộ chỉ số mới là bộ chỉ số quy mô; bộ chỉ số ngành và chỉ số HNX FF Index, đưa chỉ số HNX FF Index cũng sẽ giúp nhà đầu tư nhận diện các cơ hội đầu tư tốt hơn, đặc biệt khi chỉ số HNX FF Index có độ bao quát rất rộng bao gồm tất cả các cổ phiếu niêm yết và giao dịch trên HNX có tỷ lệ tự do chuyển nhượng lớn hơn hoặc bằng 5%.

Ông Andy Hồ - Giám đốc điều hành VinaCapital:

Sẽ tăng cường rót vốn

Có thể thấy rõ sự gia tăng tích lũy cổ phiếu, tận dụng cơ hội đầu tư chứng khoán ở Việt Nam thời gian qua của các nhà đầu tư ngoại, qua phác thảo hoạt động của một tổ chức quản lí quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam – Vina Capital:

Tính đến 30/9/2013, quỹ Vina Capital VietNam Opportunity Fund Limited có giá trị tài sản ròng đạt 753 triệu USD, mức thay đổi tích lũy giá trị tài ròng/ chứng chỉ quỹ trong 5 năm là 36%. Kể từ tháng 11.2011 cho đến nay, quỹ đã phân phối lại 137,3 triệu USD thông qua các chương trình mua lại cổ phiếu và mục tiêu NAV/chứng chỉ quỹ của Quỹ năm 2014 là 5,0%.

Một quỹ khác, Vietnam Infrastructure Limited cũng của Vina Capital với NAV là 192,7 triệu USD, tập trung các ngành Viễn thông, năng lượng, nông nghiệp, hạ tầng…, 9 tháng 2013 đã có mức tăng các khoản đầu tư niêm yết lên 31,8% so với 24,5% trong năm trước.

Quỹ đã đạt mức sinh lợi cao nhất ở kênh cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán và năm 2014, đây vẫn sẽ là một trong những kênh mà quỹ sẽ tăng cường rót vốn, cùng với tìm kiếm các cơ hội đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực là các phân khúc tăng trưởng trong nền kinh tế, các doanh nghiệp cổ phần hóa, một số dự án bất động sản nhất định.