Thị trường chứng khoán không ngại khối ngoại bán ròng... vì “quá quen”

Minh Lâm

Thị trường đã không còn sợ hãi khi khối ngoại bán ròng. Bất chấp các nhà đầu tư nước ngoài xả hàng mạnh, VN-Index vẫn thăng hoa, thiết lập đỉnh mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đà bán ròng của khối ngoại tiếp tục tăng lên, dù có xen kẽ một vài phiên khối ngoại quay trở lại mua ròng, nhưng xét về tổng thể vẫn là bán ngày càng nhiều hơn. Tỷ lệ sở hữu vốn hoá của khối ngoại trên tổng vốn hoá toàn thị trường giảm mạnh xuống còn 16% - 17%.   

Tháng 10/2021, giá trị bán ròng của khối ngoại trên cả 3 sàn (HOSE, HNX, UPCOM) lên tới 8,9 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với tháng 9. Trong những phiên đầu tháng 11, khối ngoại tiếp tục bán ròng lên tới 2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, VN-Index vẫn có những pha tăng điểm ngoạn mục từ 27/10 đến nay.

Loạt cổ phiếu Blue-chips bị nhà đầu tư ngoại xả hàng như HPG, VIC, CTG, VPB..., nhưng vẫn tăng bất chấp, cho thấy thị trường giờ không còn ngại các nhà đầu tư ngoại.

Theo ông Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư chứng khoán SSI, thị trường không còn phụ thuộc vào khối ngoại từ 2 năm gần đây.

Nhà đầu tư đã “quá quen” với việc khối ngoại xả hàng, nên có bán thêm thì cũng không có nhiều tác động tới thị trường. Thị trường hiện nay được nâng đỡ chủ yếu bởi các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản giao dịch cá nhân là hơn 3,68 triệu tài khoản, chiếm 98% tổng số tài khoản giao dịch.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng, cho biết, trung bình một phiên giao dịch trước đây có khoảng trên 10%, thậm chí có những thời điểm gần 20% nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường.

Đến nay, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ở trên thị trường hằng ngày đã giảm rất nhiều, mức độ giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm tỷ trọng dưới 10%, có những thời điểm chỉ khoảng 5% -6%. Tỷ lệ như vậy là quá thấp, nên không có tác động nhiều tới thị trường được.

Có thể ví dụ như trong phiên giao dịch ngày hôm qua (4/11), tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài mua vào trên HOSE chỉ khoảng 4,2% về khối lượng giao dịch và chiếm 5,55% về giá trị giao dịch. Lực cầu của khối nhà đầu tư cá nhân trong nước lên cao, mua ròng 619,1 tỷ đồng, trong đó gom ròng 706,1 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Đáng chú ý, khi nhà đầu tư nước ngoài xả mạnh cổ phiếu PAN của CTCP Tập đoàn PAN (bán ròng 458 tỷ đồng) thì nhà đầu tư cá nhân trong nước lại tập trung gom mua lại PAN.

Như vậy, việc khối ngoại xả hàng, bán ròng không còn là mối đe doạ tới thị trường, cũng nhưng không thể tác động nhiều tới tâm lý của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ hơn về câu chuyện bán ròng liên tục của khối ngoại trong thời gian qua.

Theo bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khối ngoại bán ròng chứ không phải hoàn toàn rút ròng vốn ra khỏi Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu nhưng có xu hướng tăng mua trái phiếu và giữ tiền mặt để chờ đầu tư tiếp.

Dù nhà đầu tư nước ngoài có rút vốn, nhưng giá trị rút vốn lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay chỉ chiếm 0,8% tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài, không quá lo ngại. Tất nhiên, ngành chứng khoán vẫn đang nỗ lực nâng hạng để đón chào các nhà đầu tư quốc tế.