Thị trường chứng khoán sẽ có thêm sản phẩm chứng quyền

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Chứng quyền (Covered warrant) là công cụ tài chính cho phép người nắm giữ có quyền (nhưng không phải là nghĩa vụ) mua hoặc bán một tài sản cơ sở với giá được định trước tại hoặc trước ngày đáo hạn.

Thị trường chứng khoán sẽ có thêm sản phẩm chứng quyền
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ có thêm sản phẩm mới là chứng quyền. Sản phẩm này được Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) giới thiệu đến các thành viên thị trường ngày 13/12 tại TP. Hồ Chí Minh.

Chứng quyền là công cụ tài chính cho phép người nắm giữ có quyền (nhưng không phải là nghĩa vụ) mua hoặc bán một tài sản cơ sở với giá được định trước (gọi là giá thực hiện) tại hoặc trước ngày đáo hạn.

Ví dụ, một nhà đầu tư thấy chứng khoán A tương lai có thể lên giá song hiện tại họ không đủ tiền mua chứng khoán. Nhà đầu tư có thể mua chứng quyền với giá trị khoảng 1-2% giá trị của chứng khoán đó, tức có quyền sở hữu chứng khoán. Nếu dự đoán sai họ chỉ bị lỗ phần giá trị mua ban đầu là 1-2%. Nếu họ đoán đúng, họ sẽ lời phần chênh lệch giá chứng khoán.

Có hai loại chứng quyền. “Chứng quyền mua” có quyền nhưng không phải là nghĩa vụ được mua một tài sản cơ sở với mức giá được định trước vào ngày hôm trước ngày đáo hạn. “Chứng quyền bán” có quyền nhưng không phải là nghĩa vụ được bán một tài sản cơ sở với mức giá được định trước vào hoặc trước ngày đáo hạn.

Chứng quyền tương tự như sản phẩm quyền chọn (Option), là sản phẩm có tính đòn bẩy đầu tư. Nhà phát hành là bên thứ ba độc lập với tổ chức phát hành tài sản cơ sở. Nhà phát hành (thường là các công ty chứng khoán, có thị trường có các ngân hàng đầu tư).

Tài sản cơ sở bao gồm cổ phiếu trong và ngoài nước, chỉ số chứng khoán, ETF (Exchange traded fund, quỹ hoán đổi danh mục), TDR (Treasury deposit receipt) và thường được cơ quan vận hành thị trường xem xét lại tiêu chuẩn mỗi quí. Tiêu chuẩn đối với tài sản cơ sở sẽ được cơ quan quản lý quy định.

Ví dụ, như đối với thị trường Đài Loan, nhà phát hành phải đạt các điều kiện như có chứng nhận của ngân hàng, báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo xếp hạng của cơ quan có thẩm quyền cho phép, báo cáo về hệ thống quản trị rủi ro và chiến lược phòng ngừa rủi ro, ý kiến của luật sư, tối thiểu có 3 nhân viên giao dịch và một nhân viên quản trị rủi ro.

Các loại tài sản cơ sở cũng phải đạt các tiêu chuẩn nhất định. Ví dụ, cổ phiếu trong nước cũng phải có giá trị vốn hóa thị trường đạt mức nhất định, tổng khối lượng giao dịch của 3 tháng gần nhất phải lớn hơn hoặc bằng tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, không bị lỗ trong thời gian lập báo cáo tài chính gần nhất…

Tài sản đủ tiêu chuẩn phát hành chứng quyền cũng phải đạt các tiêu chí về tính thanh khoản, giá trị vốn hóa, các chỉ tiêu tài chính cơ bản…

Nhằm kiểm soát rủi ro, thường cơ quan quản lý đặt hạn mức đối với cổ phiếu trong nước. Ví dụ, tại Đài Loan là 22%, tức tổng số cổ phiếu làm tài sản cơ sở cho tất cả chứng quyền được niêm yết nhỏ hơn hoặc bằng 22% số cổ phiếu tự do chuyển nhượng.

Phó tổng giám đốc HOSE Phan Thị Tường Tâm nói rằng “Chứng quyền đang được giao dịch phổ biến tại nhiều thị trường chứng khoán phát triển. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện mới có sản phẩm chính là cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. So với những thị trường chứng khoán phát triển và khu vực, sản phẩm trên thị trường của Việt Nam còn rất sơ sài. Chiến lược của HOSE là chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm”.

“Đối tượng HOSE hướng đến là các công ty chứng khoán với vai trò vừa là nhà phát hành vừa là nhà tạo lập thị trường. Chúng tôi đang nghiên cứu để sớm đưa sản phẩm này vào sớm giao dịch trên thị trường”, bà Tâm nói.

Chứng quyền được ra mắt tại Hồng Kông từ những năm 1990. Giá trị giao dịch chứng quyền tại thị trường châu Á phát triển mạnh mẽ từ 2003 và hiện phát triển mạnh nhất tại thị trường Hongkong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan. Giá trị giao dịch chứng quyền trên thị trường chứng khoán Đài Loan đứng thứ 8 toàn cầu vào cuối 2011, đạt 22% giá trị toàn thị trường.