Thị trường chứng khoán Việt Nam: Vẫn nhiều động lực tăng trưởng

TP. (Tổng hợp)

Việc bắt giữ và xử phạt nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và tung tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán (TTCK) khiến giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục. Trong phiên cuối tuần ngày 15/4, tuy chỉ số VN-Index thủng mốc 1.460 điểm, song vẫn có khá nhiều yếu tố nền tảng để giúp thị trường giữ đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điểm sáng khối ngoại

Chốt phiên cuối tuần ngày 15/4, sàn HOSE đóng cửa với 145 mã tăng và 321 mã giảm, VN-Index giảm 13,56 điểm (-0,92%), xuống 1.458,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 659,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 21.656 tỷ đồng, tăng 26% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,75 triệu đơn vị, giá trị 825,45 tỷ đồng.

Sàn HNX đóng cửa với HNX-Index giảm 6,97 điểm (-1,65%), xuống 416,71 điểm, với 60 mã tăng và 176 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 69,31 triệu đơn vị, giá trị 2.130 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,85 triệu đơn vị, giá trị 22,6 tỷ đồng.

Trong xu thế đó, thị trường UPCoM, thị trường phái sinh và thị trường chứng quyền khó thoát khỏi tình trạng giảm điểm chung. Cụ thể, thị trường UPCoM đóng cửa với UPCoM-Index giảm 1,06 điểm (-0,93%) xuống 112,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 76,93 triệu đơn vị, giá trị 1.109 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,77 triệu đơn vị, giá trị 31,78 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó, VN30F2204 giảm 19,9 điểm (-1,3%), xuống 1.492,6 điểm, khớp lệnh đạt gần 167.560 đơn vị, khối lượng mở gần 40.930 đơn vị. Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, với CHPG2114 phiên này giao dịch sôi động nhất với 2,13 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 25% xuống 30 đồng/CQ. Tiếp theo là CTCB2112 khớp hơn 1,87 triệu đơn vị, kết phiên giảm 18% xuống 410 đồng/CQ.

Phân tích diễn biến của TTCK phiên chiều 15/4, một số chuuyên gia cho rằng, nhìn ở phương diện đồ thị tuần, VN-Index có cây nến đỏ thứ 2 liên tiếp với thanh khoản sụt giảm mạnh so với tuần trước đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất thận trọng. Tuy giảm mạnh, nhưng trên đồ thị, VN-Index vẫn được hỗ trợ tốt bởi đường xu hướng trong khu vực 1.455 điểm cho thấy xu hướng tăng điểm vẫn được bảo toàn.

Có lẽ điểm sáng nhất phiên cuối tuần là việc khối ngoại nhanh chóng trở lại trạng thái mua ròng gần 120 tỷ đồng. Theo đó, trên sàn HNX, khối ngoại đã mua ròng 48.100 đơn vị, giá trị là bán ròng nhẹ 0,16 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó bán ròng 312.240 đơn vị, tổng giá trị là bán ròng 7,68 tỷ đồng. Trên thị trường UPCoM, khối ngoại đã mua ròng 287.470 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 13,74 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó chỉ mua ròng 56.810 đơn vị, tổng giá trị là bán ròng 7,29 tỷ đồng.

Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 15/4, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,32 triệu đơn vị, giảm tới 95,88% so với phiên giao dịch hôm qua ngày 14/4. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 118,42 tỷ đồng, trong khi phiên trước đó bán ròng 233,32 tỷ đồng.

Nhiều động lực cho tăng trưởng

TTCK đang có biến động khá mạnh trong những phiên gần đây, song cơ quan quản lý khẳng định, các yếu tố nền tảng hỗ trợ thị trường vẫn tích cực và còn nhiều yếu tố trở thành động lực cho tăng trưởng. Theo bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), xét về các yếu tố nội tại của TTCK, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ.

Tính đến ngày 31/3/2022 có 1.293/1.609 công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đã công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, tương đương 80% tổng số công ty báo cáo. Trong đó, 1.156/1.293 công ty báo cáo có lãi, chiếm 89% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 88%. Nếu tính riêng các công ty niêm yết, có 598/632 công ty niêm yết báo cáo có lãi trong năm 2021, chiếm 95% số công ty niêm yết thực hiện báo cáo, cao hơn số công ty niêm yết báo lãi trong năm 2020 là 584/632, tương đương 92%. Với triển vọng phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên TTCK đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng cao trong năm 2022.

Ngoài ra, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn so với nhiều thị trường khu vực. Theo Reuters, tỷ lệ P/E dự báo 12 tháng của VN-Index vào đầu tháng 3/2022 đạt khoảng 13,3 lần, thấp hơn mức từ 16 - 17 lần tại các thị trường khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ được cho “đặc sản riêng có” so với nhiều thị trường khu vực, như: kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh...

Xét về yếu tố vĩ mô, đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế. Số liệu công bố chính thức cũng đã cho thấy, tăng trưởng GDP quý I đã tăng khá mạnh trở lại, đạt 5,03%.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã quán triệt nhiều chính sách sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng với chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thông qua nhiều giải pháp về trong lĩnh vực thuế, hải quan… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, mặt bằng lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK. Bên cạnh đó, sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát trong mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, việc quyết tâm làm sạch, chấn chỉnh các sai phạm trên TTCK và lĩnh vực chứng khoán, thể hiện qua việc các cơ quan quản lý mạnh tay bắt giữ và xử phạt nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đã giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, khiến giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục.

Những thông điệp và động thái mạnh mẽ của cơ quản lý như Bộ Tài chính, UBCKNN được các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại đánh giá cao với mục tiêu xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam ổn định, bền vững, công khai, minh bạch, trở thành huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.