Thị trường chứng khoán Việt phá vỡ lời nguyền “Sell in May”

Theo Hoàng Anh/tinnhanhchungkhoan.vn

Khác với diễn biến tháng 5/2018 khi VN-Index mất hơn 13% với những phiên giảm điểm chiếm phần lấn át, diễn biến thị trường kể từ đầu tháng 5/2019 đến nay cho thấy, xu hướng tăng điểm đang vượt trội.

Dường như “Buy in May” (Mua trong tháng 5) mới phù hợp cho thị trường chứng khoán năm nay.
Dường như “Buy in May” (Mua trong tháng 5) mới phù hợp cho thị trường chứng khoán năm nay.

Lệch pha với diễn biến thế giới

Diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước có sự “lệch pha” so với thị trường chứng khoán Mỹ và khu vực trong thời gian qua. Theo đó, trạng thái dòng tiền duy trì ở mức tích cực và mức độ phân hóa khá mạnh với nhiều cổ phiếu tăng nổi bật hơn so với chiều đi xuống.

Mặc dù khả năng duy trì đà tăng mạnh của chỉ số là khó khăn khi dòng tiền chưa đủ mạnh trong khi khối ngoại vẫn bán ròng, nhưng theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhờ trạng thái tạm vững của thị trường chung ở giai đoạn hiện tại, dòng tiền vẫn tự tin tìm kiếm cơ hội ngắn hạn.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận xét, nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm số lượng lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là nhóm nhà đầu tư có tâm lý yếu, thường giao dịch ngắn hạn nên có “thói quen” bám vào diễn biến chứng khoán thế giới để hành động.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể trong trung hạn có thể thấy, từ năm 2018 đến nay, thị trường Việt Nam hoàn toàn lệch pha với thị trường chứng khoán thế giới, chỉ những phiên biến động rất mạnh của thị trường toàn cầu thì chứng khoán Việt Nam mới bị ảnh hưởng trong 2 - 3 phiên, sau đó tiếp tục xu thế của riêng mình.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã rơi vào nhịp điều chỉnh dài hạn từ tháng 4/2018 khi VN-Index từ 1.200 điểm đi xuống cho tới nay, trong khi thị trường thế giới liên tục dò đỉnh. Quãng thời gian hơn 1 năm này là quá đủ nên việc chỉ số bật lại ngược chiều với thị trường chứng khoán thế giới trong 7 phiên vừa qua là điều bình thường.

Sự lệch pha so với thị trường chứng khoán toàn cầu có thể nhìn thấy rõ qua diễn biến trong hơn 1 tháng qua. Sau khi tạo đỉnh vào giữa tháng 3, đạt mốc 1.014 điểm, thị trường bắt đầu điều chỉnh. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, mốc 960 điểm sẽ là mức hỗ trợ đặc biệt sau một số phiên bị bán mạnh, VN-Index giảm hơn 10 điểm, nhưng thực tế không thấy thị trường bán ra, ngược lại nhanh chóng hồi phục ở thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 với khối lượng giao dịch ngày càng giảm.

Sang tháng 5, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được đẩy lên cao trào khiến nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới điều chỉnh mạnh thì thị trường chứng khoán Việt lại có nhịp hồi phục khá tích cực. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng tương đối mạnh (hơn 3%) từ vùng đáy 950 điểm lên mốc hơn 980 điểm, nhất là cú bứt 1,09% ngay phiên đầu tuần (20/5).

Thanh khoản của thị trường dù tăng khoảng 10% so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức khá thấp với khoảng 3.300 tỷ đồng/phiên/2 sàn, trong khi khối nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng tạo ra áp lực khiến 2 phiên cuối tuần qua, thị trường có sự điều chỉnh nhẹ.

Anh Nguyễn Hữu Bình, nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội cho rằng, thị trường đang hướng tới mốc 1.000 điểm nếu nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục đóng vai trò là công cụ điều tiết thị trường.

“Nhà đầu tư kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Chứng khoán giúp thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường, cũng như sớm nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, triển vọng tích cực của sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW) sắp đưa ra thị trường cũng là thông tin hỗ trợ trong thời gian gần đây”, anh Bình chia sẻ. 

VN-Index quay lại mốc trên 1.000 điểm

Sau 2 tháng đứng ngoài thị trường cơ sở và nắm giữ vị thế Bán (Short) phái sinh, ngày 7/5 - 10/5 là khoảng thời gian MBS - Khu vực phía Bắc khuyến nghị rất mạnh nhà đầu tư mua trở lại trên thị trường cơ sở và Mua (Long) trên thị trường phái sinh.

Chia sẻ về chiến lược này, ông Dương Văn Chung cho rằng, vùng đáy của thị trường sẽ được thiết lập ở vùng 955 - 940 điểm và kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng bền vững cho đến Tết Âm lịch. Mục tiêu trung hạn trong 5 - 7 tháng tới là VN-Index sẽ quay lại được vùng 1.200 điểm.

Trong ngắn hạn, VN-Index đã hồi phục rất mạnh từ 944.9 điểm đến hơn 980 điểm nên việc chỉ số có nhịp điều chỉnh ngắn hạn khi tới sát mức 1.000 +/- 2 điểm là hiện tượng rất bình thường.

“Sau nhịp tăng kéo dài 7 - 9 phiên, việc VN-Index điều chỉnh 3 - 5 phiên trong phạm vi 14 - 20 điểm không có gì bất ngờ. Chúng tôi dự báo sau nhịp điều chỉnh này, thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng và độ rộng được lan tỏa khi VN-Index chính thức vượt ngưỡng tâm lý 1.000 điểm vào đầu tháng 6 tới đây”, ông Chung chia sẻ.

Phương pháp được ông Chung đưa ra là giao dịch theo xu hướng (Trend trading) trung hạn nên sẽ chỉ quan tâm thời kỳ, không quan tâm thời điểm. Thậm chí, MBS cho rằng, từ nay đến giữa năm 2020 là sóng V lớn trong Uptrend 8 năm tính từ cuối năm 2012 (theo lý thuyết sóng Elliott) nên ở giai đoạn này sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến nhóm cổ phiếu dầu khí nói riêng và năng lượng nói chung, cổ phiếu đầu ngành vốn hóa lớn (bán lẻ, công nghệ, ngân hàng…).

“Các cổ phiếu vừa và nhỏ thanh khoản thấp sẽ không thuộc đối tượng quan tâm của chúng tôi dù tỷ suất sinh lời cao. Đặc thù của sóng V sẽ là tăng trong nghi ngờ và thanh khoản không cao như giai đoạn 2017, bởi giai đoạn này đi lên nhờ yếu tố cạn cung hơn là do cầu khỏe, vì vậy chúng tôi quan tâm đến yếu tố thanh khoản để đảm bảo an toàn”, ông Chung chia sẻ thêm.

Thực tế, phần lớn nhà đầu tư đang có chung góc nhìn là thị trường trong năm 2019 biến động khá nhẹ, dao động quanh vùng 900 - 1.050 điểm. Do đó, khi chỉ số càng lên cao, dù lực đẩy là từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thì áp lực bán ra cũng sẽ gia tăng. Chính điều này tạo ra lực cản đáng kể và thị trường chỉ thực sự bứt phá khi xuất hiện thông tin đủ sức mạnh.

“Tôi đang chọn chiến lược bám sát cổ phiếu nắm rõ thông tin và giao dịch theo các đợt sóng thị trường, thậm chí đi ngược xu hướng như mua vào khi bị nén giá quá mức về các ngưỡng hỗ trợ mạnh và tận dụng cơ hội thoát ra khi thị trường hưng phấn”, anh Nguyễn Khanh, nhà đầu tư tại TP.HCM chia sẻ.

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán 
Everest (EVS) cho biết, sau một thời gian bị “đè nén”, thị trường chứng khoán bật ngược lại là điều dễ hiểu, nhất là khi nhiều cổ phiếu đã quay trở lại mức giá hấp dẫn. EVS đưa ra dự báo thị trường sẽ khởi sắc trở lại vào cuối quý II. Nếu cộng hưởng với những thông tin tích cực từ bên ngoài, nhiều khả năng chỉ số sẽ xác lập xu hướng tăng điểm trong nửa cuối năm 2019.

“Chúng tôi dự báo, VN-Index có thể chạm mức mục tiêu 1.068 điểm trong quý IV/2019”, ông Cường cho biết.

Với góc nhìn này, theo ông Cường, những ngành/nhóm cổ phiếu sẽ tăng trưởng tích cực là ngành hàng tiêu dùng (F&B, bán lẻ); cổ phiếu định giá rẻ và tiềm năng tăng trưởng trở lại khi lợi nhuận cải thiện trong quý II/2019.

Cụ thể, đó là cổ phiếu của những doanh nghiệp có đặc điểm như doanh thu và lợi nhuận ổn định lớn hơn 20% trong 2 quý đầu năm 2019; ROE ở mức cao hơn 18% hàng năm; định giá P/E ở mức hấp dẫn với PE trailing dưới 19 lần cho cổ phiếu vốn hóa lớn và dưới 10 lần cho cổ phiếu vốn hóa vừa; tỷ lệ nợ vay thấp, ở mức an toàn và không phụ thuộc nhiều vào dòng vốn vay; các công ty có thị trường tiêu thụ nội địa lớn; cổ phiếu các doanh nghiệp ít nhạy cảm với thị trường đi xuống.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một giai đoạn đi xuống (downtrend) kéo dài hơn 1 năm nên đa phần nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái sợ hãi hơn là tham lam. Dù vậy, cơ hội luôn đến với những người mạo hiểm đi ngược xu hướng, như việc tháng 5 này, thị trường chứng khoán Việt đã phá vỡ lời nguyền “Sell in May” (Bán trong tháng 5).