Thị trường chứng khoán: Vốn vào chưa đủ lớn

Theo Đinh Hạ Vân/saigondautu.com.vn

Từ sau Tết Nguyên đán, VN Index đã có sự tăng trưởng ấn tượng từ vùng 915 điểm lên 1.014 điểm. Mặc dù bước sóng vừa qua không quay lại được ngưỡng 1.211 điểm, nhưng phần nào đó đã cho thấy tiềm lực và niềm tin của thị trường khi VN Index giao dịch ở vùng giá 900-1.000 điểm, mức cao hơn nhiều so với đỉnh cũ quanh 500-600 điểm kéo dài đeo bám thị trường từ năm 2008-2017.

Mức tăng sốc và ngợp của giá cả vào thời điểm này mang lại cảm giác bi quan cho nhà đầu tư.
Mức tăng sốc và ngợp của giá cả vào thời điểm này mang lại cảm giác bi quan cho nhà đầu tư.

Phiên giao dịch cuối tuần 19/4, thị trường cũng cho thấy một tâm lý phân vân. Theo đó, dù giao dịch ở giá xanh chiếm ưu thế trên bảng điện, nhưng khối lượng thanh khoản đạt thấp nhất trong 2 tháng, đóng cửa cả tuần giao dịch bằng “cây nến đỏ, chân ngắn”. Sự phục hồi nhẹ của phiên giao dịch cuối tuần chủ yếu đến từ SAB tăng 4,1%, VIC tăng hơn 1%, VHM, GAS, MSN, ngành dầu khí cũng khả quan với điểm nhấn mức tăng hơn 1% của PVB và PVC.

Các ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự kỹ thuật chỉ là những yếu tố mang tính tâm lý giao dịch, không phải yếu tố quyết định. Còn bản chất của sự tăng trưởng cho VN Index phải nằm ở sự nở to của miếng bánh quy mô vốn, tức kỳ vọng sự tham gia thị trường của khối ngoại.

Gây chú ý trên thị trường có thể kể đến mức tăng trần với khối lượng lớn của HSG và OGC. Điều đáng lưu ý, phiên cuối tuần giao dịch có phần nghiêng về bên mua với khoảng 383 giao dịch giá xanh, nhưng thực chất khối ngoại bán ròng trên HOSE 28 tỷ đồng và mua ròng trên HNX chỉ 4 tỷ đồng. 

Trong nước, với sự thiếu vắng thông tin tốt hỗ trợ cho hướng tăng, còn bị đè nặng thêm bởi diễn biến tiêu cực ở mức giá chung của nền kinh tế. Giá điện tăng, giá xăng liên tục điều chỉnh tăng, ngưỡng tâm lý người tiêu dùng bị thử thách khi bước nhảy giá có phần gấp rút. Cao trào là đợt tăng giá ngày 17/4 khi giá xăng tiêu dùng giao dịch đã leo lên trên 21.000 đồng/lít. Mức tăng sốc và ngợp của giá cả vào thời điểm này mang lại cảm giác bi quan cho nhà đầu tư. 

Vốn vào chưa đủ lớn ảnh 1

Toàn cảnh VN Index từ ngày đầu thành lập đến nay và những điểm kỹ thuật dài hạn quan trọng. 

Ngoài nước, diễn tiến chiến tranh thương mại còn nhiều phức tạp, chưa đạt được thỏa thuận. Việc nâng hạng thị trường cho Việt Nam về thời điểm vẫn chưa rõ ràng, trong khi còn bị hạ mức đánh giá 2 chỉ tiêu. Những điều này có thể làm trì hoãn quyết định chính thức mua vào các tài sản tài chính của các quỹ đầu tư nói chung. Cho dù họ có chọn Việt Nam là điểm đến cho dòng vốn, khả năng sẽ trì hoãn, chần chừ chờ thêm diễn biến thông tin để ngả về phía nào trước khi chính thức mua vào tài sản. Sự chần chừ này là cần thiết. 

Thí dụ, nếu thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có phần tích cực cho Trung Quốc, có thể thị trường đông dân nhất thế giới này vẫn là điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư. Bởi lẽ, dù gì đi nữa Trung Quốc có năng lực tăng trưởng đã được kiểm chứng qua thời gian, không phải chỉ là kế hoạch hay dạng tiềm năng và hy vọng.

VN Index vào thời kỳ phân hóa?

Bên cạnh vấn đề về căng thẳng thương mại, cũng cần nhìn nhận việc tăng lãi suất 4 lần của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong năm 2018, đã ít nhiều đảo ngược dòng vốn đầu tư thế giới. Giờ đây, dòng vốn đầu tư vào thị trường mới nổi, cận biên sẽ có chi phí cơ hội cao hơn. Chi phí này khi lựa chọn điểm đến là Việt Nam sẽ đánh đổi những lợi suất, nếu chọn điểm đến đầu tư là những thị trường có lãi suất cao, ít rủi ro như Mỹ. 

Trước bối cảnh này, TTCK Việt Nam khả năng cao bước vào thời kỳ phân hóa. Trong đó, mỗi nhóm ngành, mỗi mã sẽ tự vận động theo yếu tố nội tại của mình. Đồng thời, để bền vững giao dịch ở vùng điểm cao, VN Index cần có sự tham gia thực sự của dòng vốn ngoại với quy mô đủ lớn. Theo đó, giả sử toàn bộ khối lượng tiền đưa vào TTCK những năm 2008-2017 có giá trị là X, khi thị trường giao dịch ở vùng điểm thấp hơn 600, nên để giao dịch được ở vùng điểm cao hơn 900 đòi hỏi tổng lượng vốn phải cao hơn X nhiều lần mới bền vững. 

Về mặt cung cầu thị trường và các ngưỡng kỹ thuật trong dài hạn, có thể nhận thấy đường trend xu hướng có góc tăng hướng lên đã duy trì từ năm 2010 đến nay. Thời gian tới, giả sử tính đến kịch bản xấu xảy ra cho cả trong nước và thế giới, khi VN Index điều chỉnh giảm đường trend này là bệ đỡ tâm lý có hiệu lực.

Nghĩa là vùng khá an toàn dài hạn, trong bối cảnh xấu của thị trường về mặt kỹ thuật nằm trong khoảng vùng 777-858. Ngược lại, nếu dòng vốn thực sự đổ vào thị trường Việt Nam như kỳ vọng, việc bật cao hơn đỉnh 1.211 điểm cũng là điều có thể. Và khi điều đó xảy ra, lưu lượng vốn lưu thông trong thị trường Việt Nam tăng lên thuyết phục. Theo đó, khoản đầu tư hiện tại tăng mạnh quy mô, chuẩn bị cho tương lai gần gia tăng mạnh về sản lượng đầu ra của nền kinh tế. 

Tại những thời điểm thị trường vận động để thoát khỏi những chu kỳ tăng giảm như các sóng hình sin, bật lên vùng điểm, vùng giá mới. Dòng vốn mới chảy vào dĩ nhiên cũng không vội vã mua đuổi, nhưng có thể cân nhắc tham gia thị trường tại những vùng hỗ trợ quan trọng. Từ đó các hỗ trợ kỹ thuật sẽ trở nên hiệu lực.

Nếu kích thước chiếc bánh vốn không tăng, việc thủng hết hỗ trợ kỹ thuật này đến hỗ trợ khác chỉ là vấn đề thời gian, khi những nhà đầu tư có tâm lý hưng phấn đều thực hiện xong vị thế mua. 

Để có dòng vốn ngoại chảy vào thị trường đủ lớn, trước mắt cần được thuyết phục bởi hiệu quả điều hành của chính sách. Thí dụ, chỉ số giá tiêu dùng CPI, tỷ lệ lạm phát, tỷ giá hối đoái, lãi suất… Đồng thời đòi hỏi phải có sự thông thoáng trong nước, kết hợp với bối cảnh thế giới thuận lợi, Việt Nam mới có thể bật ra khỏi chu kỳ trước đây, bùng nổ kinh tế bước lên thời kỳ thị trường mới nổi.