Thị trường ngoại hối trở lại trầm lắng

Theo thoibaonganhang.vn

Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại trong xu hướng giảm do hoạt động đầu cơ USD cũng đã giảm nhiều.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ thời điểm ngày 22/5, khi mà giá bán USD tại các ngân hàng liên tục duy trì trong khoảng 22.730-22.740 đồng/USD, giảm 0,26% so với đầu năm, tỷ giá trên thị trường tự do thời điểm đó cũng giảm tương ứng 1,55%, mức giá bán ra bám sát với giá của các ngân hàng thương mại với 22.740 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay đã tăng 0,97%, từ 22.159 đồng/USD lên mức 22.375 đồng/USD.

Đó được xem là một hiện tượng hiếm có của thị trường ngoại hối, khi đồng USD trên thị trường thế giới liên tục biến động, đặc biệt là quanh thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 2 vào giữa tháng 3 vừa qua. Tỷ giá trung tâm cũng biến động theo giỏ tiền tệ tham chiếu, có xu hướng bám theo chiều diễn biến giá USD, nhưng tỷ giá tại các ngân hàng lại giảm như vậy.

Giải thích diễn biến này, theo TS. Bùi Quang Tín (Đại học ngân hàng TP. Hồ Chí Minh), thanh khoản USD đầu năm đến nay đủ để các ngân hàng thương mại cung ứng cho nền kinh tế, và đó là nguyên nhân quan trọng nhất để tỷ giá trên thị trường dao động không đồng tốc, nhiều thời điểm đi ngược với xu thế chung của giỏ tiền tệ tham chiếu tỷ giá trung tâm.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng phân tích, tại Việt Nam, tỷ giá diễn biến theo cung cầu thị trường. Trong những tháng đầu năm, mặc dù cán cân thương mại thâm hụt với nhập siêu khá cao, nhưng nguồn cung ngoại tệ đáp ứng đủ cầu, thanh khoản tương đối tốt, nên thị trường không có hiện tượng khan hiếm USD. Chính vì vậy, tỷ giá trên thị trường đã giảm nhẹ.

Một số chuyên gia bổ sung nguyên nhân, xu hướng tỷ giá giảm còn do hoạt động đầu cơ USD đã giảm nhiều kể từ khi ngân hàng Nhà nước áp dụng tỷ giá trung tâm; mức lãi suất tiền gửi USD thấp và vẫn chưa có tín hiệu điều chỉnh.

Thêm vào đó, thời điểm giữa tháng 3 năm nay, khi Fed tăng lãi suất nhưng sau đó không chỉ VND mà nhiều đồng tiền khác cũng giảm giá so với USD, bởi vì các nước cũng đã dự báo được việc tăng lãi suất của Fed và tác động của việc này lên giá VND diễn ra trước thời điểm Fed tăng lãi suất, hơn là sau đó. Điều này cũng góp phần giảm nhiệt trên thị trường ngoại hối Việt Nam, tạo ra tính ổn định hiện tại cho VND.

Chính vì vậy, bình luận về can thiệp chính sách thời gian qua, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng ngân hàng Nhà nước đã có những động thái điều chỉnh tỷ giá theo từng bước, nhằm tránh những cú sốc tỷ giá. Cho nên đối với diễn biến những tháng cuối năm, Ủy ban này dự báo tỷ giá chịu áp lực lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ, do sức ép nhập siêu gia tăng (dự báo cán cân thương mại có thể thâm hụt ở mức tương đương 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Nhưng cung ngoại tệ dồi dào đến từ nguồn vốn FII và FDI tăng mạnh; yếu tố quốc tế như chỉ số Bloomberg Dollar Index nhiều phiên giảm liên tiếp… tiếp tục hỗ trợ làm giảm áp lực lên tỷ giá. Việc Fed tăng lãi suất trong ngắn hạn cũng chưa gây áp lực đối với tỷ giá, do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn hướng dòng tiền nhàn rỗi vào việc nắm giữ VND (hiện đang ở mức 5,2%), khó tạo sức hút đầu cơ USD.

Cũng dự báo về diễn biến tỷ giá trong thời gian tới, song ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC nhấn mạnh đến một yếu tố khác: Năm nay, ngân hàng Nhà nước không đưa ra biên độ tăng tỷ giá nhưng Chính phủ đã khẳng định tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nên tỷ giá sẽ khó có điều chỉnh mạnh.

Yếu tố tác động nữa là năm nay nếu Trung Quốc điều chỉnh mạnh đồng NDT, Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh chiến lược tỷ giá của mình, do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 28 tỷ USD trong năm 2016.

Tuy nhiên, xác suất đồng NDT phá giá rất thấp. Bởi vì, Trung Quốc cũng đã tuyên bố không có chính sách giảm giá đồng NDT để thúc đẩy xuất khẩu và sẽ tăng trưởng dựa trên cầu nội địa và dịch vụ. Đây là những yếu tố giúp cho thị trường tin tưởng hơn năm nay tỷ giá sẽ không có biến động mạnh. Vì vậy, một số chuyên gia dự báo mức độ điều chỉnh tỷ giá VND/USD sẽ nằm trong khoảng 2-3% trong năm nay.

Còn về dài hạn, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, tỷ giá còn chịu áp lực với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của Fed, với mục tiêu nâng lên mức 3% vào cuối năm 2019.