Thị trường tài chính – tiền tệ năm 2016 triển vọng năm 2017

TS. Lê Thị Thùy Vân – ThS. Vương Duy Lâm

Với những kết quả đạt được trong năm 2016, dự báo thị trường tài chính, tiền tệ năm 2017 sẽ có nhiều tín hiệu khả quan: Thị trường tiền tệ cung ứng vốn có hiệu quả cho nền kinh tế, tăng trưởng của thị trường chứng khoán... đồng thời cũng phải đối mặt với áp lực tăng của lãi suất, giảm quy mô thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trong năm 2016, chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng nới lỏng thận trọng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì ổn định lần lượt ở các mức là 4,5% và 6,5% kể từ tháng 3/2014.

Theo đó, tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng huy động đã lần lượt tăng 17,88% và 18,38% (tính đến cuối tháng 12/2016). Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng có phần nhỉnh hơn, đã đạt 18,71% so với cuối năm 2015. Theo đó, tín dụng bằng VNĐ đã tăng 15,81%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3,49%,  phù hợp với chủ trương chống “đô - la hóa”.

Về cơ cấu, khoảng 80% vốn tín dụng đã và đang được đưa vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn, cùng các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Ngoài ra, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cũng đã được kiểm soát chậm lại, như tăng trưởng tín dụng vào bất động sản chỉ bằng một nửa so với năm 2015.

Lãi suất được duy trì khá ổn định trong năm 2016 và hầu như không xảy ra biến động lớn. Lãi suất huy động mặc dù trải qua đợt tăng lãi suất nhẹ trong tháng 9 từ các ngân hàng nhỏ và đợt giảm lãi suất nhẹ từ các ngân hàng lớn trong tháng 10 nhưng nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn được giữ ổn định ở mức 6,5% cho kỳ hạn 1 năm và 7,2% cho kỳ hạn trên 1 năm.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ vào tháng 5/2016, giảm từ 8,15% xuống 8,02%/năm cho các khoản vay ngắn hạn, và giảm từ 10,2% xuống 10,1% bình quân cho các khoản vay trung và dài hạn, sau đó tiếp tục được duy trì ổn định đến cuối tháng 12/2016.

Đối với lãi suất liên ngân hàng, mặt bằng lãi suất trong năm 2016 nhìn chung thấp hơn nhiều so với mặt bằng của năm 2015, phản ánh nhu cầu sử dụng vốn thấp hơn so với năm trước.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh kể từ tháng 4/2016 (từ mức 4,13%) và chỉ đến tháng 11 mới có xu hướng tăng trở lại, từ mức 1,18% lên mức 3,42% trong tháng 12, do nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế thường tăng cao vào dịp cuối năm..

Trên thị trường ngoại hối, việc điều hành tỷ giá sau khi áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm kể từ ngày 04/01/2016 thì trong  cả năm 2016 tỷ giá VNĐ/USD không xảy ra biến động lớn, và được duy trì khá ổn định. Đến ngày 30/12/2016, tỷ giá trung tâm được giữ ở mức 22.159 VND/ USD chỉ tăng 1,20% so với thời điểm bắt đầu áp dụng cơ chế tỷ giá mới.

Tỷ giá VND/USD niêm yết chính thức tại các NHTM cũng không có biến động lớn và luôn dưới mức trần tỷ giá, nhìn chung trong năm tỷ giá trung bình của NHTM có xu hướng tăng nhẹ (tăng xấp xỉ 1,0%) do hai tháng cuối năm tỷ giá tăng tương đối mạnh. Tỷ giá bình quân của NHTM tính đến 30/12 được giữ ở mức 22.749 VND/USD, tăng 1,03% so với tháng trước và 1,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Trên thị trường ngoại hối tự do, tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng mạnh hơn trên thị trường ngoại hối chính thức. Trên thị trường ngoại hối tự do, tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng mạnh hơn trên thị trường ngoại hối chính thức. Tính đến 30/12, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do giữ ở mức 23.196 VND/USD tăng 2,61% với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhìn chung, tỷ giá VNĐ/USD trong năm 2016 liên tục duy trì được diễn biến ổn định do nhận được sự hỗ trợ của các yếu tố như: Cơ chế tỷ giá trung tâm và các công cụ điều tiết thị trường ngoại hối đang dần phát huy được hiệu quả, hạn chế hành vi đầu cơ, găm giữ ngoại tệ; nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào do cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng khả quan; đồng USD trên thị trường quốc tế có xu hướng giảm giá trong bối cảnh Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) liên tiếp đưa ra thông điệp trì hoãn việc tăng lãi suất; hầu hết các đồng tiền trong rổ tính tỷ giá trung tâm của NHNN đều lên giá so với đồng USD đã giúp giải tỏa sức ép lên tỷ giá VNĐ/USD.

Thị trường vàng trong cả năm 2016 nhìn chung diễn biến tương đối ổn định, chủ yếu có sự thay đổi nhẹ sau sự kiện Brexit và sau bầu cử tổng thống Mỹ nhưng ngay sau đó đã hạ nhiệt và ổn định trở lại. Tính chung trong cả năm (tính tới 30/12), mức giá bình quân mua vào (35,00 triệu đồng/lượng) và giá bình quân bán ra (36,45 triệu đồng/lượng) lần lượt tăng 8,4% và 10,00% so với thời điểm cuối năm 2015.

Do thị trường vàng trong nước và quốc tế không còn liên thông, giá vàng trong nước tăng/giảm nhìn chung đều chậm hơn giá vàng quốc tế, ngoại trừ hai tháng cuối năm, giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế biến động ngược chiều. Vì vậy, giá vàng bán lẻ trong nước có sự chênh lệch so với giá vàng quốc tế khoảng 5.54 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế phí).

Thị trường chứng khoán trong cả năm 2016 tăng trưởng mạnh, xu hướng chung của cả thị trường là tăng điểm, trong đó có thời điểm VnIndex tăng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây (07/10/2016 với mức 683,95 điểm).

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán có dấu hiệu giảm dần vào cuối năm do nguồn vốn ngoại giảm mạnh (khoảng -383 triệu USD), nguồn cung tăng và nền kinh tế chưa khởi sắc. Nguyên nhân tăng điểm của thị trường chứng khoán trong năm 2016 chủ yếu đến từ:

Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tương đối khả quan, hơn 90% doanh nghiệp có lãi; các cơ quan chức năng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường như Thông tư số 105/2016/ TT-BTC ngày 29/6/2016 của Bộ Tài chính  hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, Quyết định số 340/QĐSGDHCM ngày 19/08/2016 của Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) về quy chế công bố thông tin, góp phần nâng cao tính minh bạch trên thị trường chứng khoán; các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới diễn biến tích cực, các chỉ số chứng khoán quan trọng đều có xu hướng tăng điểm; việc FED quyết định giữ nguyên lãi suất (ngày 21/9)  đã hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tính đến ngày 30/12/2016, chỉ số VnIndex đạt 664,87 điểm, tăng 85,84 điểm so với cuối năm 2015, tương ứng tăng 14,8%, chủ yếu là do các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán.

Về TPCP, tính trong cả năm 2016, tổng khối lượng gọi thầu là 352.500 tỷ đồng, khối lượng trúng thầu đạt 281.750 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 100%, cao hơn so với mức 67% của năm 2015. Lãi suất trúng thầu năm 2016 thấp hơn so với năm 2015, với lãi suất trúng thấu TPCP 5 năm là khoảng 4,9-6,6%, 10 năm là 6,1-6,95% (năm 2015 lãi suất trúng thầu 2 loại trái phiếu này là 5,1-6,65% và 6,64-7%).

Đến thời điểm  31/12/2016, KBNN đã huy động được 281.750,2 tỷ đồng, đạt 98,3% kế hoạch (286.600 tỷ đồng). Lãi suất phát hành bình quân trái phiếu năm 2016 là 6,49% năm tăng 0,13% so với năm 2015 (6,36%) nhưng tỷ lệ kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên chiếm 91%.

Tình hình huy động vốn qua phát hành TPCP tương đối khả quan, cũng là dấu hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối dồi dào. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng cho thấy kênh đầu tư của các NHTM chưa được đa dạng, chủ yếu là đầu tư vào TPCP.

Thị trường bất động sản phát triển khá ổn định trong năm 2016, ghi nhận những dấu hiệu tích cực: Nguồn cung thị trường bất động sản khá dồi dào với nhiều dự án được mở bán, trong đó nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án trung và cao cấp; cầu bất động sản có xu hướng gia tăng, lượng giao dịch nhận những tín hiệu khả quan, lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh tại hai thị trường lớn nhất cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, lượng giao dịch bất động sản thành công chủ yếu tập trung tại phân khúc căn hộ trung và cao cấp tại những dự án đã hoàn thiện hạ tầng, có tiến độ triển khai tốt, vị trí đẹp. Hiện nay, lượng tồn kho bất động sản chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ; giá bất động sản duy trì ổn định, không xảy ra biến động mạnh, chỉ tăng giá tại một số phân khúc (như tại Hà Nội tăng nhẹ đối với một số dự án phân khúc căn hộ trung và cao cấp đã hoàn thiện hạ tầng; tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng giá tại một số dự án phân khúc trung cấp có tiến độ triển khai tốt, vị trí đẹp, có những chính sách hỗ trợ tín dụng và cam kết thời gian bàn giao.

Thị trường bảo hiểm tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2015, khi doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tính đến cuối tháng 12/2016 đạt 86.049 tỷ đồng, ước tăng 22,74% so với cùng kỳ năm trước. Cũng tính đến hết tháng 12/2016, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 36.372 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 49.667 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2016 ước đạt 186.572 tỷ đồng, tăng 16,49% so với năm 2015; trong đó từ khối phi nhân thọ ước đạt 34.449 tỷ đồng; khối nhân thọ ước đạt 152.123 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 15.718 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm trong năm 2016 vẫn còn một số tồn tại như: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh và quản lý, giám sát bảo hiểm còn hạn chế, thiếu cơ sở thông tin thống nhất toàn ngành, gây khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc trao đổi thông tin và cơ quan quản lý trong việc giám sát bảo hiểm; chất lượng đại lý bảo hiểm chưa được đảm bảo, vẫn còn tình trạng đại lý bảo hiểm khi ký hợp đồng bảo hiểm chưa giải thích hoặc giải thích thiếu cho khách hàng về quyền lợi và các loại trừ bảo hiểm… gây mất quyền lợi và niềm tin của khách hàng.

Triển vọng thị trường 2017

Trong năm 2017, chính sách tiền tệ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì theo hướng nới lỏng thận trọng  nhằm bảo đảm thanh khoản hệ thống, cung ứng vốn có hiệu quả cho nền kinh tế, hỗ trợ ổn định tỷ giá, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Ngoài ra, tín dụng ngoại tệ và tín dụng ở một số ngành rủi ro sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn để chống đô-la hóa và ngăn chặn rủi ro nợ xấu.

Lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong năm 2017, vì: FED nhiều khả năng sẽ tăng tiếp lãi suất trong năm 2017 theo lộ trình đã đặt ra từ trước, qua đó tác động lên đến lãi suất toàn thế giới; lạm phát trong năm 2017 sẽ tiếp tục tăng, qua đó gây ra áp lực tăng lãi suất tiền gửi với hệ thống ngân hàng và hệ thống ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất cho các khoản tiền gửi dài hạn nhằm đáp ứng quy định thanh khoản mới của NHNN bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2017.

Tỷ giá VNĐ/USD những tháng đầu năm 2017 được dự báo vẫn còn tiềm ẩn rủi ro bởi: Trạng thái thặng dư cán cân thương mại chưa thật sự bền vững bởi trạng thái hiện nay có được là nhờ một phần không nhỏ của việc nhập khẩu liên tục giảm bớt, tuy nhiên tốc độ giảm nhập khẩu đang dần chậm lại và bắt đầu đảo chiều; xu hướng của các đồng tiền của nền kinh tế lớn (như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản) khó lường trong bối cảnh FED sẽ tiếp tục tăng dần lãi suất trong khi NHTW châu Âu và Nhật Bản tăng cường các biện pháp nới lỏng tiền tệ bằng các gói QE và chính sách lãi suất âm.

Trong những quý đầu năm 2017, tỷ giá VNĐ/USD được dự báo sẽ lên mức 23.000 VND/USD và đến cuối năm 2017, tỷ giá VNĐ/USD có thể sẽ tăng lên mức 23.000 VND/USD (Standard Chartered, 12/2017).

Giá vàng trong nước những tháng đầu năm 2017 được dự báo sẽ có xu hướng tiếp tục tăng dần giá qua từng tháng theo cùng với xu hướng của giá vàng thế giới, trong bối cảnh tỷ giá VND/USD, lạm phát... không có biến động thật sự lớn giá vàng quốc tế vẫn là yếu tố quan trọng quyết định giá vàng trong nước.

Thị trường cổ phiếu được dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm 2017 bởi một số lý do: IMF (10/2016) dự báo tăng trưởng toàn cầu khả quan từ năm 2017 với mức tăng 3,4% nhờ sự phục hồi của nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển; giá dầu được dự báo tăng, khi tháng 12/2016 tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày xuống mức 32,5 triệu thùng/ngày (lần đầu tiên OPEC cắt giảm sản lượng từ năm 2008); thị trường chứng khoán được bổ sung thêm nhiều sản phẩm mới, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư như chứng khoán phái sinh (đang được thử nghiệm tại một số CTCK và sẽ được vận hành trong năm 2017), chứng quyền có bảo đảm (tháng 11/2016, HOSE ban hành dự thảo các quy định về chứng quyền có bảo đảm); thị trường chứng khoán tiếp tục được tái cấu trúc đặc biệt là tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán và đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 1826/QĐTTg  ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm”.

Tuy nhiên, thị trường cổ phiếu có một số điểm cần chú ý trong năm 2017: Xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài; FED có kế hoạch tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017, mỗi lần 0,25% . Đây là các yếu tố có thể gây biến động cho thị trường.

Thị trường trái phiếu năm 2017 được dự báo tiếp tục tăng trưởng bởi các nguyên nhân như: Kinh tế vĩ mô được dự báo tiếp tục ổn định trong năm 2017;  cơ sở nhà đầu tư được cải thiện theo hướng tăng cường nhà đầu tư có tổ chức, bên cạnh nhà đầu tư là các NHTM, thị trường trái phiếu có thể đón nhận thêm các nhà đầu tư khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí; việc lãi suất ngân hàng tiếp tục được duy trì ở mức thấp, cũng là một yếu tố hỗ trợ thị trường.

Thị trường bất động sản năm 2017 sẽ vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng có thể sẽ tiếp tục xu thế chững lại như năm 2016. Trong ngắn hạn, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định về cả giá bán và giao dịch. Riêng phân khúc căn hộ giá bình dân, sức mua sẽ tăng do nguồn cung chất lượng tốt không nhiều và nhu cầu vẫn lớn.

Thị trường sẽ tiếp tục tăng ổn định, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài tiếp tục chảy vào tạo nhiều cơ hội phát triển nguồn cung nhà ở. Trong dài hạn, thị trường bất động sản có thể sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết sự lệch pha cung - cầu hiện đang có xu thế lệch về phía phân khúc bất động sản cao cấp (bao gồm cả bất động sản du lịch nghỉ dưỡng).