Thị trường vàng: Cần tầm nhìn xa

Theo Báo Đầu tư

Chiều 26/10/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức thông báo, không gia hạn thời điểm các tổ chức tín dụng phải ngừng huy động vàng là ngày 25/11, nhưng việc tất toán vàng được kéo dài đến 30/6/2013.

Thị trường vàng: Cần tầm nhìn xa

Thông tin này có lẽ khiến thị trường vàng “chững” lại, nhưng không có nghĩa đã bớt “nóng”. Thị trường vẫn cần những quy định, chính sách ổn định, nhất quán và có tầm nhìn dài hơi hơn.
Vàng tăng giá

Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia ngân hàng, vàng tăng giá thời gian qua có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, “biến động” trong thị trường ngân hàng cuối tháng 8 vẫn còn dư âm kéo dài sang hết tháng 9. Thứ hai, trong tháng 9, tình hình kinh tế thế giới bất ổn, gói QE3 được tung ra thể hiện kinh tế Mỹ vẫn còn yếu. Bên cạnh đó là những biến động về mặt chính trị tại Trung Đông, nhiều nước châu Á…, tác động đến kinh tế thế giới. Thứ ba, gần đến thời điểm 25/11, các ngân hàng phải dừng cho vay vàng, đồng thời chỉ được huy động vàng dưới hình thức phát hành chứng chỉ phục vụ mục đích chi trả, khiến các ngân hàng phải đôn đáo mua vàng để cân bằng trạng thái.

Trước đây, các ngân hàng vừa được huy động, cho vay, lại vừa được kinh doanh vàng, thậm chí được kinh doanh trên tài khoản nước ngoài, khiến lãnh đạo NHNN cũng phải thừa nhận, chỉ cần các ngân hàng thực hiện đúng các nghiệp vụ cho phép này và với mục đích sinh lợi đã đủ là tác nhân tạo sóng, gây những cơn sốt giá vàng và ngoại tệ. Do vậy, Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011, cùng các biện pháp quyết liệt khác được NHNN hy vọng lập lại trật tự trên thị trường vàng. Nhưng với việc ba lần NHNN gia hạn thời điểm chấm dứt huy động vàng và thời hạn trước mắt là ngày 25/11 cho thấy, tiến trình này đang có những vướng mắc nhất định.

Ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc NHNN cho biết, mặc dù trong vòng 6 tháng qua, các tổ chức tín dụng đã mua hơn 60 tấn vàng để tất toán hợp đồng, nhưng số vàng còn thiếu hiện vào khoảng 20 tấn.

Thực tế, thời gian trước đây, do lãi suất huy động vàng ở mức thấp so với lãi suất tiền đồng, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh huy động vàng, rồi bán ra lấy tiền đồng để cho vay, hưởng chênh lệch lãi suất. Đó là chưa kể, cuối năm ngoái, 5 NHTM được NHNN cho phép bán vàng để bình ổn thị trường. Nay gần đến ngày phải tất toán, dù giá vàng tăng cao, song các NHTM buộc phải chấp nhận chịu lỗ, đẩy mạnh mua vào để cân bằng trạng thái, trong khi đó, NHNN giữ nguyên quan điểm không cho nhập vàng.

“Các NHTM đi gom vàng để cân bằng trạng thái là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng cao đột ngột, có thời điểm chênh 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng nói.

Nhiều ngân hàng thiệt!

Thực tế cho thấy, khoảng cách giá vàng lớn, nhưng không dẫn tới việc nhập lậu vàng để phải vơ vét ngoại tệ trên thị trường khiến ảnh hưởng tới tỷ giá. Đặc biệt, không có tình trạng người dân xếp hàng trước cửa hàng vàng để mua về tích trữ ở nhà như những thời điểm trước, mà chủ yếu người dân đến bán vàng. Như vậy, các nhà đầu cơ, cửa hàng vàng, thậm chí cả người dân đều có lợi và có vẻ như các ngân hàng bị thiệt, bởi bán vàng khi giá rẻ và mua vào khi giá cao.

Ông Hưng nhấn mạnh: “Khả năng nhập khẩu vàng trong thời gian này là không có. NHNN chưa thấy cần can thiệp, vì mức chênh lệch dẫu cao, nhưng không dẫn tới nhập lậu, không gây ảnh hưởng tới tỷ giá, cũng không tạo cơn sốt mua vàng như những năm trước và nếu có chỉ ảnh hưởng tới các ngân hàng”.

TS. Lực nhìn nhận, trong kinh doanh tài chính như vàng, chứng khoán, kỹ năng phán đoán là rất quan trọng và chuyện được mất là rất bình thường, phải chấp nhận. Ví dụ như kết quả kinh doanh quý III được ACB công bố cho thấy, ngân hàng này lỗ gần 500 tỷ đồng vì vàng. Theo ACB, tùy thuộc vào giá vàng tương lai, số lỗ có thể phát sinh thêm trong quý IV.

“Trước tiên, cần phải khẳng định lãi từ việc đầu tư vàng của các ngân hàng trong những năm trước là không hề nhỏ. Năm nay, nếu có lỗ nhiều là do ngân hàng đầu cơ nhiều, trong khi không nghĩ giá vàng tăng nhanh đến vậy, nghĩa là bản thân ngân hàng quản lý kém, phán đoán kém, sau đó mới là rủi ro do yếu tố chính sách, quản lý vĩ mô, cũng như những tác động của thế giới vào Việt Nam”, TS. Lực nói.

Ngân hàng cần hỗ trợ?

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, tính đến ngày 19/10, huy động của hệ thống ngân hàng từ khu vực dân cư chiếm 23,31%, trong đó, huy động bằng VND tăng 28,76%, ngoại tệ giảm 5,53%. Tiến trình chống đô la hóa, chống vàng hóa đã mang lại niềm tin nhất định cho VND, thể hiện qua việc thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào.

Tuy vậy, trong chia sẻ của mình, ông Hưng tỏ ra băn khoăn về thanh khoản cuối năm, do các doanh nghiệp rút tiền để sản xuất - kinh doanh, thưởng cho nhân viên dịp lễ, tết; người dân cũng rút tiền về mua sắm hàng hóa…

Ông Hưng cho biết, với tốc độ mua vào như thời gian qua, các ngân hàng sẽ cần thêm 2 tháng để có đủ số vàng cần thiết nhằm cân bằng trạng thái. Đặc biệt, hiện có 3 ngân hàng rất khó khăn để có thể bù đắp kịp số vàng còn thiếu, dư nợ của họ chiếm khoảng 8 trong tổng số 20 tấn của cả hệ thống (khoảng gần 25.000 tỷ đồng).

“Nếu cứng nhắc buộc các ngân hàng thực hiện đúng hạn 25/11, sẽ gây khó khăn thanh khoản, đe dọa an toàn hệ thống, bởi ngân hàng phải tập trung nguồn vốn để mua vàng”, ông Hưng nói.

TS. Lực nhận định, chắc chắn NHNN đã phải tính toán kỹ việc không gia hạn thời điểm tất toán vàng là 25/11, nhưng kỳ hạn được kéo dài đến 30/6/2013, bởi thị trường vàng khá nhạy cảm, bên cạnh đó là những tác động từ bên ngoài nhiều, rất khó để xoay chuyển tình thế.

“Nền kinh tế thị trường đòi hỏi sự nhất quán về chủ trương chính sách, nhưng trong giai đoạn cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng vượt qua khó khăn trước mắt, có thể chấp nhận những chính sách linh hoạt nhất định. Tuy nhiên, mong muốn của người dân và doanh nghiệp luôn là chủ trương, chính sách cần có sự ổn định hơn và có cái nhìn dài hạn hơn”, TS. Lực nói.

Ngày 26/10/2012, NHNN có Văn bản số 7019/NHNN-QLNH yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) còn số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng thực hiện một số nội dung để chấm dứt huy động vốn bằng vàng theo quy định tại Thông tư 12/2012/TT-NHNN ngày 27/4/2012:

Các TCTD được tiếp tục phát hành chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng từ nay đến hết ngày 24/11/2012 theo nguyên tắc:

1. Thời gian đáo hạn của các chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng được phát hành mới không vượt quá ngày 30/6/2013.

2. Chứng chỉ huy động phát hành mới không được chi trả trước hạn.

3. Các TCTD chỉ được phát hành thêm chứng chỉ huy động ngắn hạn khi số vàng tồn quỹ và thu nợ không đủ để chi trả, tổng khối lượng huy động tối đa không vượt quá tổng khối lượng vàng sử dụng (ngoại trừ các khoản chuyển đổi vàng thành tiền theo Thông tư 32/2011/TT-NHNN và các khoản bán vàng kỳ hạn) và theo nguyên tắc tổng khối lượng vàng huy động giảm dần.

Các TCTD phải xây dựng và báo cáo NHNN kế hoạch phát hành chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng (kỳ hạn huy động, khối lượng huy động dự kiến của từng kỳ hạn) từ nay đến ngày 25/11/2012 theo các nguyên tắc như trên để NHNN xem xét, phê duyệt đối với từng TCTD trước khi thực hiện.

Bên cạnh đó, các TCTD phải xây dựng kế hoạch thu hồi khối lượng vàng đã chuyển đổi thành tiền và sử dụng vào mục đích khác, trừ cho vay bằng vàng và gửi về NHNN (Vụ Quản lý ngoại hối) trong ngày 31/10/2012.