Thiên đường "lướt sóng"

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital, thuộc thế hệ trẻ trong ngành quản lý quỹ, trả lời phỏng vấn của chúng tôi dưới đây, đã nhận định như thế về chứng khoán Việt Nam. Với góc nhìn riêng và có phần mạnh dạn, ông nói hiện nay thật khó để đầu tư lâu dài vào cổ phiếu.

Lãi suất đang ở chu kỳ thấp và khả năng sẽ tiếp tục thấp một thời gian nữa. Về tỷ giá, biên độ biến động 1-2% bây giờ đã khác xa so với trước. Việt Nam đang xuất siêu và cho dù một số ý kiến cho rằng động lực đằng sau xuất siêu không hẳn lành mạnh vì phụ thuộc quá nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng nó đã là một thay đổi căn bản, không thể đảo ngược một sớm một chiều. Nếu không có những cú sốc quá lớn phi kinh tế, tỷ giá sẽ vẫn ổn định.

Phóng viên: Ông có nghĩ những tác động tích cực của lãi suất và tỷ giá đã bị thị trường đánh giá thấp, trong khi thị trường lại tỏ ra quá nhạy cảm với những yếu tố bất ngờ, không thể tiên đoán như vụ bắt bầu Kiên hai năm trước, hoặc tin đồn này nọ năm ngoái và sự kiện biển Đông từ đầu tháng 5 đến nay?Tuy nhiên trong môi trường đó, cơ hội đầu tư không nhiều. Giai đoạn đầu tư từ đáy đi lên dường như đã kết thúc. Hiện nay thị trường cần những thay đổi mang tính căn bản như mức tăng trưởng kinh tế được cải thiện và bền vững.

Thiên đường "lướt sóng" - Ảnh 1
Ông Lê Chí Phúc,
Tổng giám đốc SGI Capital
Ông Lê Chí Phúc: Biển Đông là chuyện quốc gia, tầm ảnh hưởng của nó khác và lớn hơn nhiều. Còn lại tôi không nghĩ việc bắt bớ hay tin đồn là bất ngờ. Nó là hệ quả, nó bộc phát trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Cái tôi chú ý là tần suất xuất hiện của chúng ngày càng thường xuyên hơn. Đến giờ có thể vẫn còn những cái bất cân đối, chưa lộ hết ra được.

Từ năm 2008 đến nay gần như cứ hai năm lại xảy ra một sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả đầu tư (vào chứng khoán). Môi trường như thế không dễ để đầu tư dài hạn. Đó là nơi của những cơ hội ngắn hạn, là thiên đường “lướt sóng”.

Từ năm 2007 hầu hết các tổ chức đầu tư dài hạn đều trải qua hành trình “đau khổ” của chứng khoán mà không thể thoát ra được vì quy mô vốn của họ lớn trong khi thanh khoản thị trường yếu. Họ đành chấp nhận.

Trong khi đó cá nhân và tổ chức nhỏ chọn lựa đầu tư ngắn hạn đã bảo toàn vốn tốt hơn. Cơ hội đầu tư 3-6 tháng hiệu quả hơn đầu tư hàng năm. Khi những sự vụ nói trên diễn ra, nó có thể cuốn trôi hết thành quả của nhà đầu tư chỉ trong vài ngày. Đầu tư từng đoạn, tập trung kiểm soát rủi ro một cách tốt nhất, nó có hơi hướng chụp giật, nhưng nó lại tỏ ra thích hợp trong thời gian qua.

Thiên đường “lướt sóng” không phải lúc nào cũng đúng. Bằng chứng là từ năm ngoái đầu tư giá trị đã “lên ngôi” và hiện tại nó vẫn còn chỗ đứng?

Khoảng 18 tháng trở lại đây đầu tư chuyển sang chu kỳ mới, từ đáy đi lên. Tiền đã chọn nhóm tài sản (công ty) có chất lượng tốt vì khi ấy tất cả đều ở mức giá thấp. Các cổ phiếu chất lượng hút tiền nhanh, giá của chúng trở về mặt bằng trước khủng hoảng, thậm chí cao hơn. Khi mặt bằng giá mới hình thành, tiền lại lan tỏa xuống tầng dưới MidCap (cổ phiếu cấp hai) và khi giá của chúng lên, tiền tìm đến nhóm thấp hơn nữa là bất động sản, cổ phiếu đầu cơ như tháng 3 năm nay.

Cho đến trước sự kiện biển Đông, 18 tháng trở lại đây là thời gian đẹp nhất của đầu tư, cụ thể là đầu tư giá trị. Đến nay tôi không giữ quan điểm đầu tư giá trị nữa vì cổ phiếu giá trị trên sàn (chất cao, giá thấp) gần như không còn.

Chẳng lẽ cơ hội đầu tư chứng khoán hiện tại bằng không?

Nhà đầu tư bây giờ đi tìm những công ty có thể tăng trưởng, nhưng tìm được cũng không dễ. Khi đầu tư giá trị và tăng trưởng đều khó, thị trường quay lại giao dịch hàng ngày mua thấp bán cao, cầm chừng, với thanh khoản hạn hẹp.

Vấn đề là thị trường đang ở khúc phim khá mờ, không có đoạn nào rõ nét cả. Với nhà đầu tư lúc này quan trọng là bảo toàn vốn, tránh các cú sốc đồng thời chờ đợi các cú sốc để tìm cơ hội.

Hình như ông đang ủng hộ vị thế đứng ngoài quan sát thị trường?

Với lãi suất tiết kiệm thấp, vàng ngoại tệ biến động nhỏ, cá nhân khó chọn kênh đầu tư ưng ý. Vì thế một phần tiền của họ vẫn nằm chờ ở chứng khoán, một phần khác ngó nghiêng sang bất động sản.

Theo ông cổ phiếu đầu cơ có trở lại không?

Kịch bản năm 2010 đầu cơ vào cổ phiếu một cách phi lý, không có căn bản với đội lái sẽ không lặp lại. Nhà đầu tư đã có kinh nghiệm, giờ họ hành động hợp lý hơn trong việc ra quyết định mua bán. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là thị trường cận biên, chứng khoán vẫn sẽ có đầu cơ và đầu cơ vẫn “sống”.

Gần đây, một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng chạy theo sự biến động của cổ phiếu. Họ ra kế hoạch tăng vốn mạnh. Họ vẽ những câu chuyện tăng trưởng để thu hút dòng tiền. Nếu phát hành thành công và nếu họ sử dụng tiền đó đầu tư không hiệu quả, ra ngoài ngành nghề cốt lõi, thậm chí đầu tư tài chính, thì sẽ tác động xấu đến thị trường vì sự phân bổ của tiền không chảy vào nơi cần tiền thực sự.

Ông nhìn nhận ra sao về thị trường từ nay đến cuối năm?

Kinh tế đang nỗ lực đi ra khỏi đáy, nhưng rất chậm. Không thể biết chính xác bao lâu nữa nó mới phục hồi. Từ sau cuộc khủng hoảng năm 1997-1998 Thái Lan, Indonesia, Malaysia mất chừng bốn năm, kinh tế mới qua khó khăn. Khủng hoảng của Việt Nam không gói gọn trong một năm như họ, mà kéo dài từ năm 2008 đến tận 2011-2012. Cả một quá trình dài kinh tế đi xuống. Năm 2013-2014 lần đầu tiên người ta mới nói đến kinh tế chạm đáy. Có thể 2-3 năm nữa, phụ thuộc vào cả yếu tố bên ngoài, kinh tế mới vào chu kỳ phục hồi. Thêm nữa yếu tố biển Đông có thể làm chu kỳ phục hồi chậm lại.

Tôi dự đoán thị trường sáu tháng tới đi ngang trong biên độ hẹp vì khó có đột biến từ vĩ mô. Trừ khi đàm phán TPP thành công sớm, hay nới “room” cho tất cả các nhóm cổ phiếu được thực thi, nhưng các giả thiết này khó xảy ra trong năm nay.