Thủ tục phá sản tổ chức kinh doanh chứng khoán: Cần cơ chế đặc thù

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Theo Bộ Tài chính, kinh doanh chứng khoán là lĩnh vực tương đối nhạy cảm vì liên quan đến tài sản của nhiều khách hàng, có tác động không chỉ đến các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán mà thậm chí tới cả nền kinh tế đất nước. Vì vậy theo kinh nghiệm quốc tế thường có quy định riêng, tạo cơ chế đặc thù khi thực hiện thủ tục phá sản các đối tượng này.

Thủ tục phá sản tổ chức kinh doanh chứng khoán: Cần cơ chế đặc thù
Không có quốc gia nào cho phép cơ quan quản lý giám sát chuyên ngành nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản cho DN. Nguồn: internet
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị Toà án nhân dân Tối cao cân nhắc xây dựng các quy định tại Luật Phá sản (sửa đổi) liên quan đến các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ (gọi chung là tổ chức kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán) là các DN kinh doanh có điều kiện được thành lập và điều chỉnh bởi Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật hướng dẫn.

Hiện nay, việc phá sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán mới chỉ được Luật Chứng khoán (tại khoản 2, Điều 75) quy định theo hướng dẫn chiếu một cách chung chung đến pháp luật phá sản, đã gây khó khăn cho công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc phá sản tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ phải thực hiện theo Luật Phá sản, Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính trong Luật Phá sản (sửa đổi) nên bỏ quy định quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho doanh nghiệp (DN) của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vì căn cứ vào thực tiễn quản lý, giám sát tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng như theo thông lệ quốc tế. Vai trò quản lý nhà nước của UBCKNN đã được quy định trong pháp luật chứng khoán, chỉ hạn chế trong hoạt động cấp phép và quản lý giám sát hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng, nhà đầu tư. Việc bảo vệ quyền và lợi ích chủ nợ, chủ sở hữu (cổ đông, thành viên góp vốn) của tổ chức kinh doanh chứng khoán trước hết thuộc về chính các tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan.

Mặt khác, vì các lý do khách quan như: Thực trạng tài chính, bản chất các hợp đồng kinh doanh... mà việc UBCKNN chủ động nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản thậm chí rất có thể không góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan như: Chủ nợ, cổ đông hay thành viên góp vốn... mà còn tiềm ẩn rủi ro cho cơ quan quản lý nhà nước khi can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN.

Chính vì thế, hiện nay trên thế giới không có quốc gia nào cho phép cơ quan quản lý giám sát chuyên ngành nộp đơn đề nghị mở thủ tục phá sản cho DN.

Bộ Tài chính cũng đề xuất với Toà án nhân dân Tối cao, về tài sản của các DN phá sản là tổ chức kinh doanh chứng khoán được miễn trừ khỏi tài sản phá sản vì đây là những tài sản thuộc về khách hàng, về nhà đầu tư mà tổ chức kinh doanh chứng khoán chỉ đứng ra cung cấp dịch vụ quản lý. Do vậy, tài sản này không thuộc sở hữu của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, bao gồm: Tài sản uỷ thác của khách hàng trong nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán; Tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí và các chương trình hưu trí tự nguyện, bổ sung; Tài sản nhận giữ hộ của khách hàng.

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về trường hợp 2 công ty chứng khoán là Âu Việt (AVS) và Chợ Lớn (CLS) đã mạnh dạn nộp hồ sơ xin giải thể nhưng vẫn tắc về thủ tục. Dẫn tới tình trạng các công ty này vẫn phải bỏ tiền duy trì hoạt động chờ đến ngày được "chết", bởi hàng nghìn tài khoản của khách hàng chưa thể làm thủ tục chuyển sang công ty chứng khoán.

Theo nhận định của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh -Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, các thủ tục cho DN bình thường phá sản hay giải thể vẫn còn quá nhiều vướng mắc trong nhiều năm qua. Vì vậy, đối với trường hợp các công ty chứng khoán lại chưa có tiền lệ thì quá trình này diễn ra chậm chạp là điều dễ hiểu. Nhưng nếu đợi đến việc hoàn chỉnh thể chế thì quá lâu và làm thiệt hại DN nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.